Bà Clinton trách FBI sau khi thất cử
Bà Clinton đổ lỗi cho FBI về vụ điều tra sát ngày bầu cử, trong khi làn sóng biểu tình phản đối ông Trump vẫn tiếp diễn.
Bà Clinton trách FBI sau khi thất cử
Bà Clinton đổ lỗi cho FBI về vụ điều tra sát ngày bầu cử, trong khi làn sóng biểu tình phản đối ông Trump vẫn tiếp diễn.
Hãng Reuters ngày 13.11 đưa tin Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục đối diện với làn sóng phản đối dâng cao tại nhiều nơi trên cả nước trong khi bà Hillary Clinton công bố nguyên nhân thất cử và đổ lỗi cho Cục Điều tra liên bang (FBI). Đây là lần đầu tiên bà Clinton lên tiếng sau khi tỏ ra khá im lặng từ khi thừa nhận thất bại sau cuộc bầu cử ngày 8.11.
Trong cuộc điện đàm với các nhà tài trợ lớn cho chiến dịch tranh cử, bà Clinton cho rằng khi gần đến ngày bầu cử, Giám đốc FBI James Comey đã gửi thư đến quốc hội thông báo điều tra lại vụ bà sử dụng email cá nhân để xử lý công việc khi bà còn làm ngoại trưởng. Chiến dịch vận động của bà có theo dõi và đã thấy tỷ lệ ủng hộ bà xoay chiều khi ông Comey thông báo điều tra. Sát ngày bầu cử, ông Comey mới thông báo không truy tố bà Clinton, nhưng lúc đó tổn hại chính trị đối với ứng viên đảng Dân chủ đã không thể khôi phục.
Theo bà Clinton, thậm chí ông Trump đã tận dụng tốt cả hai động thái của ông Comey để tấn công bà khi tranh cử. Ngay cả khi ông Comey thông báo bà không sai phạm thì nhiều người cho rằng đây là sự sắp đặt nhằm tạo thuận lợi cho bà Clinton và họ quyết định bầu cho ông Trump, theo thông tin bà Clinton trao đổi với các nhà tài trợ. Có đến hơn 3 triệu cá nhân tài trợ hơn 900 triệu USD cho đảng Dân chủ ở lần tranh cử vừa qua.
Biểu tình, bắt bớ
Trong hôm qua, làn sóng biểu tình phản đối ông Trump tiếp tục dâng cao vào những ngày cuối tuần. Cảnh sát thành phố Portland (bang Oregon) ngày 13.11 đã bắt ít nhất 20 người sau khi đoàn biểu tình đốt pháo sáng, ném chai lọ vào cảnh sát và từ chối giải tán. Những người biểu tình bị cho là đã tấn công một đoàn làm phim và hành hung ít nhất 2 người. Liên quan đến vụ một người biểu tình bị bắn bị thương ngày 12.11 cũng tại Portland, cảnh sát đã tạm giữ 4 nghi can thuộc một băng nhóm tội phạm.
Tại New York, hàng ngàn người tuần hành và tập trung trên những con đường phía ngoài Tháp Trump, nơi tổng thống đắc cử cư ngụ. Nhiều người tập trung và hò hét “ông không phải tổng thống của tôi”. Trong khi đó, hàng ngàn người vẫn biểu tình tại Los Angeles dù hàng trăm người trước đó đã bị tạm giữ. Chicago cũng là một trong những thành phố tập trung hàng ngàn người biểu tình. Nhiều người phản ứng với các tuyên bố trước tranh cử của ông Trump, trong đó có việc ngăn chặn người nhập cư và người Hồi giáo cũng như cáo buộc ông lạm dụng tình dục phụ nữ. Theo AFP, hàng chục ngàn người đã tuyên bố trên mạng xã hội rằng họ sẽ tập trung biểu tình tại Washington vào ngày 20.1 tới, sau khi ông Trump nhậm chức.
Ông Trump lúc đầu lên án các vụ biểu tình và cho rằng người dân biểu tình do truyền thông xúi giục, nhưng sau đó lại khen ngợi họ là “cảm hứng cho đất nước vĩ đại”. Tổng thống đắc cử này đã cố gắng tỏ ra ôn hòa hơn và khi trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal, ông cho biết sẽ không hoàn toàn bác bỏ luật chăm sóc y tế Obamacare. Khi được hỏi liệu ông có chỉ đạo công tố điều tra bà Clinton như đã đe doạ lúc tranh cử không, ông né tránh và chỉ nói ưu tiên hàng đầu của ông là “chăm sóc sức khỏe, việc làm, kiểm soát biên giới và cải cách thuế”.
Ứng viên nội các mới
Trong khi đó, cố vấn cấp cao của ông Trump, bà Kellyanne Conway, cho biết ông Trump sẽ sớm chỉ định các vị trí trong nội các mới, trong đó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia của đảng Cộng hòa Reince Priebus sẽ là một trong những ứng viên cho vị trí then chốt. “Chúng tôi đang theo tiến độ và bận rộn hơn bao giờ hết”, bà nói với các phóng viên tại Tháp Trump, nơi hàng ngàn người đang biểu tình ở bên ngoài. “Tôi cho rằng Chủ tịch Priebus đã tỏ ra quan tâm đến vị trí đó. Một số người khác cũng đang được cân nhắc. Và quyết định của ông Trump sẽ là quyết định sau cùng”, bà cho biết.
Theo bà Conway, Giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử Stephen Bannon cũng là một trong những tên tuổi nhiều khả năng được lựa chọn. Bản thân bà Conway, người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng cho biết bà muốn làm việc trong chính quyền mới nhưng từ chối tiết lộ vị trí mà bà được đề cử. Bà Conway cho biết ông Trump sẽ đề cập đến các vấn đề này trong vài ngày tới và ông có thể đi đến vài tiểu bang trong tuần này để cảm ơn những người đã ủng hộ. Hiện ông Trump đang ở nhà với gia đình, gọi nhiều cuộc điện thoại, trả lời phỏng vấn và có nhiều cuộc họp suốt ngày, bà cho biết.
Ứng viên cứng rắn về vấn đề Biển Đông
Truyền thông quốc tế đưa tin nhiều khả năng ông Trump sẽ chọn hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Hải lực và triển khai lực lượng thuộc Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, vào vị trí Bộ trưởng Hải quân Mỹ. Ông Forbes nổi tiếng có thái độ cứng rắn phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông tại các phiên điều trần ở Hạ viện Mỹ. Trang tin Học viện Hải quân Mỹ (USNI) dẫn lời nhiều nguồn tin và giới quan sát cho rằng ông Trump sẽ chọn ông Forbes vào vị trí trên vì không ai phù hợp hơn. Trước đó, ông Forbes đã kêu gọi tăng cường cho lực lượng hải quân từ 272 tàu lên 350 tàu và chi ngân sách 20 tỉ USD hằng năm để đóng tàu mới cho lực lượng này.
|
Minh Phương