Làm sao cho đủ tên đường ở TP.HCM?
Tại TP.HCM, nhiều đường cần đặt và điều chỉnh tên nhưng quỹ tên đường đã cạn kiệt. Ước tính TP.HCM cần hơn 2.100 tên để đặt, đổi tên đường. Vậy tìm tên gì để đặt?
Làm sao cho đủ tên đường ở TP.HCM?
Tại TP.HCM, nhiều đường cần đặt và điều chỉnh tên nhưng quỹ tên đường đã cạn kiệt. Ước tính TP.HCM cần hơn 2.100 tên để đặt, đổi tên đường. Vậy tìm tên gì để đặt?
Ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) có một khu đặt tên đường theo các loài hoa (Hoa Mai, Hoa Phượng, Hoa Lan…). Nhiều người cho rằng như vậy hay, thơ mộng; nhưng cũng nhiều người nói rất khó tìm, na ná nhau – Ảnh: TỰ TRUNG |
Rất nhiều ý kiến của người dân, bạn đọc và các chuyên gia về việc tăng quỹ tên đường, cách đặt tên đường tại TP.HCM và Hà Nội. Diễn đàn chủ nhật tuần này giới thiệu một số ý kiến. Toà soạn rất mong nhận được hiến kế của bạn đọc về vấn đề đang rất “nan giải” này.
* GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc (phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN):
Không phải thiếu hụt, mà do tiêu chí lựa chọn
Quỹ tên danh nhân để đặt tên đường có thể không còn phong phú nữa, nhưng tôi nghĩ cũng không đến mức thiếu hụt, bởi vấn đề là tiêu chí lựa chọn như thế nào.
Nếu chịu khó nghiên cứu kỹ về quá trình lịch sử, văn hóa của cả nước nói chung và mỗi khu vực nói riêng sẽ có nguồn bổ sung không nhỏ vào quỹ đặt tên đường.
Hơn nữa, không chỉ danh nhân VN mà những danh nhân thế giới, có nhiều đóng góp cho nhân loại cũng có thể dùng đặt tên đường.
Khi TP.HCM mở rộng ra bên ngoài cũng là mở rộng ra những vùng đã có cư dân sinh sống từ lâu và có những địa danh rất quý mà chúng ta hoàn toàn có thể khai thác để đặt tên đường, tên phố. Đó có thể là tên làng, địa danh cổ ở địa phương.
Đừng nghĩ điều đó không hay và không phải cứ những từ hoa mỹ, rực rỡ, chói sáng, anh hùng… mới được dùng để đặt tên đường. Bởi tên đường là dấu hiệu nhận biết, phản ánh đúng hoạt động đời thường ở vùng đó càng hay chứ sao.
Một nguồn khác là dùng các từ đẹp để miêu tả đúng về vùng đất đó, hoặc tên các loài hoa, sinh vật, thực vật tiêu biểu hoặc các “hình sông, thế đất”… đều có thể đặt được tên đường phố.
* TS Phạm Quốc Quân (Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia):
Đặt tên di sản để quảng bá
Trước đây tôi cũng có ý kiến là không chỉ có tên danh nhân mới được dùng đặt tên đường và cũng không chỉ có những danh nhân VN mà những nhà văn hoá, nghệ thuật lớn, khoa học… của thế giới cũng có thể dùng đặt tên đường phố ở VN.
Hơn nữa, nên tận dụng tên các di sản thế giới, di sản quốc gia… để bổ sung vào quỹ đặt tên đường. Như Hà Nội có hơn 5.000 di sản bao gồm chùa chiền, đền miếu… đều có thể dùng để đặt tên đường. Đó cũng là một hình thức để quảng bá di sản.
Một hướng khác nữa mà chúng tôi đã tư vấn cho Hà Nội là khai thác những tên cổ của những vùng đất gắn liền với cư dân và cộng đồng ở đó, để họ vừa hồi tưởng lại một thời kỳ quá khứ mà họ sống và cũng tôn vinh vùng đất đó. Nên xây dựng một ngân hàng dữ liệu các tên cổ dùng để đặt tên đường phố.
Trong các khu đô thị mới xây dựng, nên đặt theo số thứ tự gắn liền với tên khu đô thị đó.
* Nhà báo Nguyễn Thế Thanh(nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM):
Nên đặt tên theo cụm
Theo tôi, nên mở rộng quỹ tên đường là tên của các chiến dịch, chiến thắng quan trọng trong lịch sử đất nước, những địa danh gắn với lịch sử văn hóa, tên của các quốc gia có quan hệ quốc tế hữu nghị với VN, tên của các thành phố kết nghĩa với TP.HCM ở các quốc gia khác nhau.
Có thể sử dụng tên các anh hùng của nhân loại, các nhà triết học, kiến trúc sư, nhà khoa học nổi tiếng thế giới…
Nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến việc đặt tên và dựng bảng tên đường để giáo dục về lịch sử, văn hóa. Ở Paris (Pháp), bảng tên của con đường mang tên Napoléon Bonaparte ghi rõ ông sinh năm nào, mất năm nào, thời gian làm vua của nước Pháp.
Gần đó có tên đường Waterloo có ghi chú là một trận đánh nổi tiếng của Napoléon, nơi xảy ra trận đánh và thời điểm xảy ra…
Cách làm này không mất nhiều kinh phí và thời gian nhưng ngoài việc thể hiện giá trị giao thông và hành chính, tên đường giúp người đi đường được biết ngay đến một câu chuyện lịch sử.
Thứ nữa là nên đặt tên đường theo cụm: ở Sài Gòn trước kia có đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu), gần đó là đường Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng), cạnh đó là đường Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Trương Định. Mình cần học hỏi những kiến thức đó và truyền kiến thức đó cho người đi đường.
Tên đường Trương Quốc Dung (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) ghi không đúng với tên danh nhân Trương Quốc Dụng – Ảnh: TIẾN LONG |
* Ông Trương Minh Tiến (phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội):
Tính toán đặt tên theo các đảo, quần đảo
Thực ra tên danh nhân còn rất nhiều, nhưng làm sao để chọn được những người xứng đáng đặt tên đường, phố. Trong khi đó, tên các địa danh cũng đang cạn dần.
Vì vậy, Hà Nội đang tính đến chuyện tìm các sự kiện lịch sử, cách mạng để bổ sung vào quỹ đặt tên đường.
Giải pháp nữa mà chúng tôi đang hướng đến là tìm thêm các sự kiện lịch sử hoặc các địa danh lịch sử để bổ sung vào quỹ tên đường phố. Tên các danh nhân nổi tiếng, có công ở các thời kỳ cũng sẽ tiếp tục được cập nhật.
Vừa rồi, Hà Nội cũng đã đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn… Tới đây, chúng tôi sẽ tính toán việc đặt tên đường phố theo hướng lấy tên các hòn đảo, quần đảo… để góp phần giáo dục lòng yêu nước, tinh thần hướng về biển đảo quê hương.
* Bà Trang Thanh Nhan (nhà số 20 đường Hoa Phượng, P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM):
Tôi hãnh diện vì ở đường có tên đẹp
Nghe nói toàn TP.HCM chỉ có một khu này có đường mang tên các loài hoa, tôi hãnh diện lắm. Vì tên đường đẹp nên nhiều nhà ở khu vực này có ý thức giữ gìn cho đường phố sạch đẹp.
Nhất là người dân trồng rất nhiều loại hoa, cây cảnh cả trong nhà và ngoài vỉa hè làm xanh hoá đường phố. Ở đường Hoa Phượng, nhiều người bắt chước nhau, luôn giữ đường phố sạch đẹp, không rác và được UBND phường, quận tuyên dương.
Theo tôi, tên đường cần gần gũi, có ý nghĩa và có nội dung khuyến khích, giáo dục người dân sống tốt, chan hòa, giữ tình nghĩa xóm giềng.
Tên đường là người có công của địa phương hoặc là danh nhân. Đừng nên đặt tên đường theo số, đường D1, D2… thấy vô duyên mà không ai hiểu ý nghĩa nó là gì.
TS Nguyễn Thị Hậu (tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM): Giữ lại những địa danh cũ, địa danh dân gian Theo tôi, ở những đô thị mở rộng, những tên đường, tên dự án, toà nhà nên cố gắng giữ lại những địa danh cũ, địa danh dân gian. Đừng để những tòa nhà mới, những cái tên đô thị mới toanh xoá hết những địa danh dân gian thì rất tiếc vì đó là một phần địa lý lịch sử có ý nghĩa nhắc nhớ về văn hóa, ngôn ngữ của vùng đất. Ngoài những tên ấp, tên xóm, tên cầu cũ thì nên ưu tiên những hiện tượng, sự kiện văn hóa cũ, thậm chí cả những món ăn tiêu biểu của vùng. Theo tôi, tên đường phải mang yếu tố văn hoá nhiều hơn nữa. Đối với những khu đô thị mới, tên đường của những đường ngang dọc trong nội bộ khu đô thị cũng có thể đánh số một cách logic theo quy luật. Ví dụ như đường ngang là số lẻ, đường dọc là số chẵn để người lạ dễ tìm. Bên cạnh đó, mỗi khu vực cần thiết lập một nguyên tắc đặt tên đường cho người dân dễ hình dung. Những tên đường như Gia Định, Bến Nghé hiện chưa thấy sử dụng. Để người nghe dễ định hướng tìm khu vực, tìm đường ngoài việc giữ lại địa danh cũ, nhà quản lý nên đặt tên theo kiểu những con đường gần nhau có sự liên hệ về lịch sử với nhau (như tên khu Tân Định chẳng hạn). Khi khách du lịch hoặc một người dân tìm hiểu một tên đường thì những tên đường gần đó và địa danh khác của vùng đất, của khu vực đó cũng liên quan, liên hệ và tìm hiểu thêm rất dễ. Với quỹ tên đường, cần mở rộng đối tượng danh nhân được đặt tên: danh nhân lịch sử, danh nhân văn hoá của nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều vùng miền và danh nhân văn hoá nước ngoài, những người có công với VN. Những nhà bác học người Pháp, những nhân vật lịch sử, nhà văn… có công giới thiệu VN với thế giới, làm cho thế giới biết đến VN nhiều hơn cũng nên đưa vào quỹ tên đường. Cố gắng cân đối quỹ tên đường giữa danh nhân văn hoá và danh nhân chính trị xã hội. Tên đường phố nên có tính chất vĩnh cửu và phổ thông nên những giá trị về văn hoá dễ được số đông chấp nhận và thường bền lâu. TP.HCM thiếu những tên đường như Thống Nhất, Tự Do… cũng tiếc vì đó là những giá trị mà cả nước, thậm chí cả nhân loại hướng tới chứ không riêng đất nước nào, chế độ nào cầm quyền. |
* Bà Nguyễn Thị Thu (phó chủ tịch UBND TP.HCM – chủ tịch Hội đồng đặt tên đường): Tiếp thu ý kiến của chuyên gia và người dân UBND TP.HCM rất trân trọng kết quả và các kiến nghị do nhóm các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển trong đề tài nghiên cứu. Đồng thời, Hội đồng đặt tên đường sẽ lắng nghe góp ý của người dân và các chuyên gia để nghiên cứu, lựa chọn những giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại để trình UBND TP.HCM. Đối với việc đổi tên đường, Hội đồng đặt tên đường sẽ tham mưu bước đi phù hợp, lấy ý kiến của người dân, lắng nghe góp ý từ cộng đồng trước khi trình UBND TP.HCM về việc có đổi tên đường. |