27/12/2024

Nỗ lực vươn ra biển của Ấn Độ

Ấn Độ đang đẩy mạnh năng lực an ninh biển với những kế hoạch đầy tham vọng nhằm ứng phó với biến động về an ninh và chiến lược trong khu vực.

 

Nỗ lực vươn ra biển của Ấn Độ

Ấn Độ đang đẩy mạnh năng lực an ninh biển với những kế hoạch đầy tham vọng nhằm ứng phó với biến động về an ninh và chiến lược trong khu vực.




Hình ảnh ý tưởng thiết kế tàu INS Vishal của Ấn Độ  /// Defence.pk

Hình ảnh ý tưởng thiết kế tàu INS Vishal của Ấn ĐộDEFENCE.PK

Ngày 12.11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kết thúc thành công chuyến công du 3 ngày đến Nhật Bản với nhiều thoả thuận hợp tác quan trọng được ký kết. Một trong những thành quả đáng chú ý của chuyến thăm là hai bên đã đạt được tiến triển về việc New Delhi cân nhắc mua 12 thủy phi cơ quân sự US-2 của Tokyo trị giá 1,5 tỉ USD.
Tờ The Straits Times dẫn lời một quan chức ngoại giao Nhật tiết lộ rằng trong cuộc họp kín với Thủ tướng Shinzo Abe, ông Modi khẳng định US-2 “sở hữu công nghệ ấn tượng và Ấn Độ sẽ tiếp tục xem xét nhu cầu thực tế”. Theo thiết kế, US-2 có thể chở 20 người, vận tốc tối đa 560 km/giờ và tầm hoạt động 4.700 km. Ý định mua thuỷ phi cơ tân tiến của Nhật nằm trong chiến lược tăng cường năng lực biển được Ấn Độ theo đuổi trong nhiều năm qua nhằm củng cố vị thế trong khu vực cũng như ứng phó với 2 láng giềng Trung Quốc và Pakistan.
Bước đi chiến lược
Vào tháng 8.1947, chỉ trong vòng một tuần sau khi Ấn Độ giành được độc lập, kế hoạch phác thảo về tái tổ chức và phát triển hải quân đã được chuẩn bị. Tạp chí Swarajya dẫn lời mở đầu trong bản kế hoạch nêu rõ: “Một lực lượng hải quân giành được sự tôn trọng của thế giới không phải là món hàng xa xỉ mà là một nhu yếu phẩm quan trọng”. Năm 1949, chuyên gia chiến lược hải quân Ấn Độ Keshav Vaidya viết trên chuyên san The Naval Defence of India rằng nước này phải trở thành một cường quốc không bị thách thức trên biển. Ông nhấn mạnh hải quân Ấn Độ phải trở thành “lực lượng vô địch bảo vệ không chỉ bờ biển mà cả những biên giới đại dương xa xôi”.
Đến cuối thập niên 1950, một bước ngoặt lớn đến với hải quân Ấn Độ khi Anh có một tàu sân bay đang đóng dang dở cần thanh lý. Louis Mountbatten, Toàn quyền cuối cùng của Anh tại Ấn Độ, thuyết phục chính quyền Thủ tướng Jawaharlal Nehru mua chiếc tàu có độ choán nước 16.000 tấn này với giá “như cho” với hy vọng biến cựu thuộc địa thành một lực lượng tiên phong trên biển tại châu Á của liên minh hải quân khối Thịnh vượng chung. Dù không thật sự hài lòng với việc có thể trở thành một dạng “công cụ” cho nước từng đô hộ mình, Ấn Độ vẫn đồng ý mua tàu. Thế là, chiếc hàng không mẫu hạm được hoàn thiện và biên chế cho hải quân Ấn Độ vào ngày 4.3.1961 với tên gọi INS Vikrant. Ấn Độ trở thành quốc gia duy nhất vừa giành lại độc lập với nền kinh tế còn nhiều khó khăn đã sở hữu được tàu sân bay.
Mười năm sau, INS Vikrant đã chứng tỏ được uy lực của mình trong chiến tranh Ấn Độ – Pakistan lần thứ 2. Vào tháng 11.1971, khoảng 1 tháng trước khi đụng độ chính thức nổ ra, hải quân Pakistan triển khai tàu ngầm PNS Ghazi với nhiệm vụ đánh chìm tàu sân bay Ấn Độ. Tuy nhiên, New Delhi nắm được thông tin tình báo về kế hoạch này và quyết định tương kế tựu kế. Hải quân đưa INS Vikrant đến trú ẩn tại quần đảo Andaman và Nicobar rồi bố trí tàu INS Rajput ngoài khơi cảng Visakhapatnam để ngụy trang bằng cách tạo ra lưu lượng sóng liên lạc vô tuyến dày đặc như thể là do tàu sân bay phát ra. Kế đến, giới chức cảng xúc tiến bố trí hàng tiếp tế số lượng lớn như thể INS Vikrant sắp vào cảng.
Theo Swarajya, tàu ngầm PNS Ghazi đã trúng bẫy tiến hành gài thủy lôi trên đường vào cảng Visakhapatnam. Thế nhưng, kẻ đi săn nhanh chóng biến thành con mồi và tàu ngầm Pakistan phát nổ và chìm vào ngày 4.12. Trong khi Islamabad tuyên bố PNS Ghazi bị phá huỷ do một vụ nổ bên trong, hải quân Ấn Độ khẳng định INS Vikrant đã bắn chìm tàu địch bằng vũ khí chống ngầm. Đến khi chiến tranh chính thức nổ ra, tàu sân bay chỉ với 2 tàu yểm trợ đã trấn áp hoàn toàn cánh phía đông của hải quân Pakistan đồng thời tấn công nhiều cơ sở cảng biển của đối thủ, góp phần vào chiến thắng của Ấn Độ.
Thế hệ siêu tàu sân bay
Bất chấp đã đi trước nhiều nước trong khu vực về tàu sân bay, vì nhiều lý do, năng lực biển của Ấn Độ khựng lại suốt nhiều năm sau đó. Trong thời gian dài, nước này chỉ dựa vào 2 tàu sân bay đã qua sử dụng là INS Viraat mua của Anh năm 1987 và INS Vikramaditya mua từ Nga năm 2013. Đáng chú ý là INS Viraat đã về hưu vào năm ngoái còn INS Vikramaditya, độ choán nước 45.000 tấn, đang được sửa chữa, nâng cấp. Điều này có nghĩa là hiện hải quân Ấn Độ không có tàu sân bay nào đang hoạt động.
Trong khi đó, tình hình các vùng biển trong khu vực lại đang có nhiều biến động, bao gồm cả những điểm nóng có lợi ích sát sườn với Ấn Độ như Biển Đông và Ấn Độ Dương. New Delhi cũng nhận ra rằng năng lực hải quân đang tụt lại phía sau như hiện nay sẽ thách thức mục tiêu vươn lên để đứng vào nhóm những thế lực hàng đầu. Vì thế, các chiến lược gia đã vạch ra học thuyết hàng hải mới xác định Ấn Độ cần xây dựng ít nhất 3 nhóm tác chiến tàu sân bay. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện việc mở rộng tầm nhìn chiến lược của hải quân nước không giới hạn trong phạm vi phía bắc Ấn Độ Dương như lâu nay. Thay vào đó, Ấn Độ hướng tới tăng cường hiện diện xuống đông nam Ấn Độ Dương, mở rộng sang tây Thái Bình Dương cũng như Biển Đỏ, vùng biển Tây Phi và Địa Trung Hải.
Hiện New Delhi đặt nhiều kỳ vọng vào lớp tàu sân bay Vikrant thế hệ mới được phát triển hoàn toàn nội địa. Chiếc đầu tiên cũng mang tên INS Vikrant, độ choán nước 40.000 tấn, chở được khoảng 40 máy bay, sử dụng trang bị hệ thống phóng cất cánh cự li ngắn, cáp hãm đà (STOBAR) và dốc phóng máy bay kiểu nhảy cầu (ski-jump). Hiện tàu đang ở công đoạn trang bị vũ khí với chi phí cuối cùng ước tính 3,76 tỉ USD.
Trong khi INS Vikrant vẫn sẽ nhỏ hơn tàu chủ lực hiện tại INS Vikramaditya, chiếc tiếp theo thuộc lớp Vikrant là INS Vishal (IAC II) sẽ có độ choán nước 65.000 tấn, đủ điều kiện để bước vào nhóm siêu tàu sân bay. Tàu này được cho là sẽ có những thay đổi đáng kể về thiết kế, bao gồm hệ thống hỗ trợ máy bay cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng cáp hãm (CATOBAR) cũng như hệ thống phóng phi cơ điện từ (EMALS) tối tân của Mỹ. Theo Reuters, Washington đã “bật đèn xanh” cho Tập đoàn GE, đơn vị phát triển EMALS, giới thiệu công nghệ này cho phía New Delhi. Việc chuyển giao công nghệ EMALS và dự án INS Vishal cũng đã được thảo luận trong các chuyến thăm Mỹ của giới chức quốc phòng Ấn Độ. Nếu kế hoạch diễn tiến suôn sẻ thì INS Vishal sẽ có thể tạo ra khoảng cách đáng kể về thực lực so với tàu sân bay Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên về chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Modi, chuyên gia Zack Cooper tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) nhận định Tokyo và New Delhi tăng cường hợp tác một phần nhằm phòng ngừa khả năng Washington giảm dần can dự vào châu Á. Theo ông, Nhật – Ấn sẽ tiếp tục nhanh chóng thắt chặt quan hệ trong trong thời gian tới. Về phía Mỹ, cần thêm thời gian để biết Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ làm việc như thế nào với Ấn Độ và Nhật. “Tình hình sẽ phụ thuộc vào những nhân vật chủ chốt về đối ngoại trong bộ máy mới do ông Trump thiết lập. Nếu đó là những người có chuyên môn sâu thì việc ông Trump “kết thân” với các ông Modi và Abe, vốn đều là những người mạnh mẽ, sẽ dễ dàng hơn”, ông Cooper nói.
Hoàng Đình

Nhật – Ấn nhấn mạnh giải pháp hoà bình cho Biển Đông
Ngày 12.11, tờ The Times of India đưa tin trong cuộc hội đàm ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi cũng đã thảo luận về tranh chấp Biển Đông và tuyên bố chung của 2 nhà lãnh đạo đã đề cập vấn đề này. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Tokyo và New Delhi đặc biệt nhắc đến Biển Đông trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh song phương. “Liên quan Biển Đông, 2 thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình theo những quy tắc được công nhận toàn cầu của luật pháp quốc tế, bao gồm kể cả UNCLOS”, tuyên bố chung nhấn mạnh. Trong bài bình luận đăng trên báo Yomiuri Shimbun, Giáo sư Madhuchanda Ghosh thuộc ĐH Presidency (Ấn Độ) nhận định môi trường an ninh ở Biển Đông là quan tâm chiến lược chung đối với cả Nhật Bản lẫn Ấn Độ.
Trong một diễn biến khác, không quân Ấn Độ vừa cho hạ cánh thành công máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-17 Globemaster xuống phi trường dã chiến Mechuka ở vùng núi Himalaya, cách biên giới với Trung Quốc khoảng 30 km. Theo Sputnik, với cuộc thử nghiệm thành công này, Ấn Độ giờ đây có thể điều động binh sĩ và cung cấp trang thiết bị cần thiết cho lực lượng tại biên giới trong vòng 1 giờ, thay vì 48 giờ bằng đường bộ. Sân bay Mechuka được đưa vào hoạt động trở lại hồi tháng 5.2016 sau khi bị đóng cửa vào thời điểm cuối cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1962. Chính phủ Ấn Độ sẽ sớm tiến hành kiểm định khả năng không vận của các sân bay dã chiến khác trong khu vực nhằm tăng cường khả năng ứng phó khi xảy ra căng thẳng.
Minh Trung – Trùng Quang

 

Trùng Quang