26/12/2024

Miền Nam vẫn đối mặt nỗi lo thiếu điện

Nhiều dự án điện của các nhà đầu tư ngoài EVN đang chậm tiến độ trầm trọng. EVN đã nêu hàng loạt giải pháp trước khả năng thiếu điện cận kề. Tuy nhiên, chỉ một mình EVN chưa đủ.

 

Miền Nam vẫn đối mặt nỗi lo thiếu điện

Nhiều dự án điện của các nhà đầu tư ngoài EVN đang chậm tiến độ trầm trọng. EVN đã nêu hàng loạt giải pháp trước khả năng thiếu điện cận kề. Tuy nhiên, chỉ một mình EVN chưa đủ.

 

 

 

Miền Nam vẫn đối mặt nỗi lo thiếu điện
Cần có nhiều giải pháp để tránh xảy ra thiếu điện ở miền Nam – Ảnh: ANH ĐỨC

Làm điện mặt trời trên các hồ thuỷ điện

Theo báo cáo của EVN về khả năng thực hiện quy hoạch điện VII điều chỉnh (vừa được Thủ tướng thông qua đầu năm 2016), trong lúc toàn hệ thống điện quốc gia và điện ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung luôn đảm bảo đủ công suất đáp ứng nhu cầu điện, thậm chí có dự phòng, nhưng hệ thống điện miền Nam lại không thể tự cân đối cung cầu nội miền.

Theo EVN, Miền Nam đã và nhiều khả năng vẫn phải nhận “chi viện” điện từ miền Bắc, miền Trung đến năm 2030.

Trả lời báo chí, ông Dương Quang Thành, chủ tịch HĐTV EVN, nêu có nhiều nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực điện quốc gia. Theo báo cáo của EVN, trước mắt tập đoàn này sẽ đầu tư mở rộng công suất hàng loạt thuỷ điện lớn như Hoà Bình, Ialy, Trị An…

Hàng loạt trung tâm điện lực cũng đã được hoạch định để tăng nguồn cung cấp điện như Trung tâm nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ), Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), trung tâm điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận)… Theo một quan chức EVN, tập đoàn này cũng đang xúc tiến triển khai làm một nhà máy điện chạy khí LNG – một giải pháp đã được nhiều chuyên gia khuyến cáo bởi nguồn khí này nhập khẩu không quá khó khăn.

Miền Nam vẫn đối mặt nỗi lo thiếu điện
Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Ngoài ra, EVN và các đơn vị thành viên cũng sẽ chú trọng đầu tư điện mặt trời tại các địa điểm có tiềm năng thuộc khu vực Tây nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ. Trong đó, sẽ ưu tiên chọn các điểm trên đảo, vị trí gần hoặc thuộc phạm vi địa giới các nguồn điện hiện có của EVN.

Đặc biệt, EVN sẽ xem xét đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước tại các hồ chứa thuỷ điện và trên vành đai bảo vệ công trình thuỷ điện hoặc tại các vùng đất khô cằn nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng cũng như kết hợp lực lượng vận hành các nhà máy thủy điện.

Trước mắt sẽ làm dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận với công suất 200MW, đã triển khai các thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, dự kiến, EVN sẽ ưu tiên đầu tư các nhà máy điện mặt trời ở các đảo: Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn (đảo lớn và đảo bé), các nhà máy điện mặt trời trên mặt hồ thuỷ điện Đa Mi, Đồng Nai 4, các nhà máy điện mặt trời trên đất liền thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai…

Một mình EVN không đủ lo điện cho miền Nam

Tuy nhiên, một cán bộ của Bộ Công thương tiết lộ theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện do EVN đầu tư trong cả giai đoạn 2016-2030 chỉ là 14.610MW với 21 dự án nguồn điện.

Trong đó, giai đoạn 2025-2030, EVN chỉ đảm nhiệm xây dựng khoảng 13% nguồn phát điện. Giai đoạn 2021-2025 còn thấp hơn, EVN chỉ đảm bảo 6,6%, còn lại trên 93% do các doanh nghiệp khác.

Nhưng cũng có lo lắng rằng các nhà đầu tư ngoài EVN có… “truyền thống” chậm tiến độ. Như giai đoạn 2011-2015, họ chỉ hoàn thành 67,5% so với khối lượng được giao – một trong những nguyên nhân chính khiến điện miền Nam hiện nay căng thẳng.

Do điện sản xuất ở miền Nam hiện thiếu hụt hằng năm khoảng 10-15% tổng nhu cầu miền nên miền Nam phải nhận chuyển tải từ miền Bắc và miền Trung vào khoảng 2.000MW (hơn cả công suất thuỷ điện Hoà Bình).

Truyền tải xa nên theo các chuyên gia, việc này có ảnh hưởng đến chỉ số tổn thất điện năng ở VN. Do điện miền Nam không có dự phòng, vừa qua do một số nhà máy nhiệt điện bị cắt khí đốt, EVN đã phải đổ dầu phát điện – một trong những nguyên nhân khiến EVN lỗ hàng trăm tỉ 6 tháng đầu năm 2016.

Cần thu hồi dự án chậm tiến độ

Theo các chuyên gia, để chống thiếu điện miền Nam, cần có giải pháp công nghệ để giảm lãng phí năng lượng, đặc biệt, một số nhà máy đang chậm tiến độ cần phải có giải pháp mạnh đẩy nhanh khả năng hoàn thành để đưa vào sản xuất.

Một chuyên gia ở Bộ Công thương nhấn mạnh cần có chỉ đạo quyết liệt đôn đốc các chủ đầu tư nguồn điện phải đảm bảo tiến độ các dự án. Nếu không đáp ứng, nên tính đến cơ chế thu hồi, giao chủ đầu tư khác làm để tránh một số dự án cứ chậm mãi, tạo nguy cơ thiếu điện, có thể ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế – xã hội.

Cần cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng

Tại hội thảo về cơ hội hiệu quả năng lượng tại Việt Nam ngày 11-11, ông Satish Mehta – cố vấn cao cấp Tổ chức Tiết kiệm năng lượng Ấn Độ (EESL) – bày tỏ mong muốn đầu tư năng lượng vào Việt Nam bằng cách cung cấp các dịch vụ tiết kiệm điện. Chuyên gia của EESL cho rằng để tăng công suất phát điện rất khó khăn, phải đầu tư lớn, thời gian dài, do vậy chú trọng sử dụng năng lượng hiệu quả trong khâu tiêu thụ sẽ giúp giảm mức tăng nhu cầu tiêu thụ điện, giảm được chi phí đầu tư cho nguồn điện và góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Phía Ấn Độ mong muốn hợp tác, giới thiệu kinh nghiệm trong thực hiện các dự án sử dụng hiệu quả năng lượng với quy mô lớn và chuyển giao phương thức tiết kiệm năng lượng cho Việt Nam.

CÔNG TRUNG

VIỆT HÀ – NGỌC AN