26/12/2024

Thay đổi tư duy về lúa gạo

Chỉ có thay đổi tư duy mới nâng cao được giá trị và xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo VN.

 

Thay đổi tư duy về lúa gạo

Chỉ có thay đổi tư duy mới nâng cao được giá trị và xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo VN.




Chính sách hạn điền là rào cản phát triển thương hiệu và giá trị hạt gạo VNẢNH: CÔNG HÂN

Đây là vấn đề cốt lõi được hầu hết các đại biểu thống nhất tại hội thảo “Nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo”, do Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và Thời báo Kinh tế VN tổ chức, ngày 11.11 tại TP.HCM. 



Thay đổi tư duy về lúa gạo - ảnh 1
Khi chúng ta bước vào giai đoạn cơ chế thị trường, sản xuất nông hộ không còn phù hợp mà phải sản xuất lớn
Thay đổi tư duy về lúa gạo - ảnh 2

TS Lê Văn Bảnh


Chỉ nên xuất 2 – 3 triệu tấn/năm
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, khối lượng xuất khẩu gạo tính đến cuối tháng 10 đạt 4,2 triệu tấn và giá trị 1,9 tỉ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Lý do, các nước nhập khẩu gạo của VN có xu hướng giảm dần sản lượng nhập khẩu hằng năm. Riêng từ đầu năm đến nay, thị trường Philippines giảm đến 66,4%, Malaysia giảm gần 55%, Trung Quốc 21,6%… nhờ chính phủ các nước này đã cố gắng đảm bảo và từng bước cân đối được an ninh lương thực. Thậm chí ngay cả Trung Quốc cũng khống chế nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch.
Cũng vì thế, theo các doanh nghiệp (DN) ngành gạo, VN đang rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu gạo để xuất khẩu. Dư thừa nguồn gạo cấp thấp nhưng lại thiếu nguồn cung chất lượng cao. Bên cạnh đó, một lượng lớn gạo xuất khẩu sang các thị trường khó tính còn bị trả về vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Nên việc điều chỉnh chiến lược xuất khẩu từ 7 – 8 triệu tấn/năm xuống còn 2 – 3 triệu tấn là để phù hợp với nguồn cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Để nâng cao giá trị hạt gạo VN, theo TS Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương (Ban Kinh tế T.Ư), đề nghị: “Chúng ta phải trả lời được câu hỏi chúng ta muốn bán gạo cho ai? Thị trường cao cấp hay cấp thấp? Nếu là thị trường bình dân thì chẳng cần xây dựng thương hiệu làm gì vì họ chẳng quan tâm đến thương hiệu đâu. Nhưng nếu là các thị trường cấp cao như Nhật, Mỹ, châu Âu… thì chúng ta có dám và quyết tâm thực hiện các chiến lược sản xuất sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc?”. 



Theo VFA một trong những thách thức lớn hiện nay của hạt gạo VN chính là vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Hiện nay phổ biến có 12 hoạt chất, trong đó 8 hoạt chất thường vượt mức giới hạn cho phép theo quy định vào thị trường Mỹ. Các hoạt chất này lại thuộc danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở VN. Bên cạnh đó, đến nay cả nước chưa có phòng kiểm định dư lượng hoạt chất thuốc BVTV trong gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế.



Cùng suy nghĩ trên, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nói: Từ năm 2009 câu hỏi “sản xuất lúa vì mục tiêu an ninh lương thực hay xuất khẩu” đã được đặt ra, nhưng đến thời điểm này Bộ NN-PTNT vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời thoả đáng. Theo ông Bùi Chí Bửu, hiện nay chúng ta không nên nghĩ đến chuyện sản xuất gạo thơm, chất lượng cao để cạnh tranh với Thái Lan hay Ấn Độ vì điều này rất khó. Trong khi đó, xu hướng thế giới đang phát triển lúa gạo không còn là nguồn lương thực thông thường mà thức ăn kết hợp với sức khoẻ – nông nghiệp kết hợp với y học. “Rất tiếc ở VN nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn rất ít nên chúng ta chưa đầu tư vào xu hướng phát triển mới đầy tiềm năng này. Vì vậy, đột phá tư duy là cần thiết”, ông Bửu nêu ý kiến.
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL bổ sung: Xu hướng của thế giới đi vào tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong khi đó, lúa gạo lại là loại cây trồng sử dụng nhiều tài nguyên đang cạn kiệt dần. Cũng theo ông Sánh, chỉ tính riêng thị trường TP.HCM và Hà Nội đã tiêu thụ đến 2/3 lượng gạo xuất khẩu mỗi năm. Trong khi đó, thị trường này đang dần chuyển sang ăn gạo ngoại.
Hạn điền là vấn đề cốt lõi
Theo VFA, vấn đề của hạt gạo VN là chất lượng không đồng nhất do có nhiều giống, nhưng giới chuyên gia lại cho rằng giống không phải là cái gốc của vấn đề vì hiện tại chúng ta chỉ có khoảng 5 – 6 giống được sản xuất đại trà ở quy mô trên 100.000 ha. Các giống khác tuy có nhiều nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp. Vấn đề là do thương lái thu mua lúa hàng hóa làm lẫn với nhau, sau đó DN chế biến còn đấu trộn mới gây nên hiện tượng không đồng nhất về chất lượng. Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất rằng cốt lõi của vấn đề chất lượng và thương hiệu gạo của VN nằm ở quy mô sản xuất.
TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), đánh giá: “Khi chúng ta bước vào giai đoạn cơ chế thị trường, sản xuất nông hộ không còn phù hợp mà phải sản xuất lớn. Tôi biết mấy năm trước nhiều bà con nông dân đã rất thất vọng về luật Đất đai. Tôi biết ngay tại hội nghị này có nhiều DN sở hữu hàng trăm héc ta đất nhưng không cầm sổ đỏ trong tay nên họ không dám mạnh tay đầu tư phát triển sản xuất vì vướng chính sách. Nhưng không đầu tư thì làm sao phát triển? Mấu chốt của vấn đề nằm ở chính sách hạn điền. Vấn đề này Bộ trưởng NN-PTNT cũng đã báo cáo với Quốc hội và nhiều người cũng hy vọng sẽ có chính sách cởi mở hơn về hạn điền để nông nghiệp phát triển”.
Không trực tiếp đề cập đến vấn đề hạn điền nhưng báo cáo tham luận của VFA nêu lên một thực trạng là phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay còn hoạt động nặng về hình thức. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần tổ chức lại các hợp tác xã này theo hướng thực chất thành các vùng nguyên liệu rộng lớn để liên kết với DN.

 

Chí Nhân