26/12/2024

Gỡ khó cho tàu cá vươn khơi

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có kiến nghị một loạt giải pháp liên quan đến thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, nhằm để ngành thuỷ sản phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

 

Gỡ khó cho tàu cá vươn khơi

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có kiến nghị một loạt giải pháp liên quan đến thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, nhằm để ngành thuỷ sản phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.




Ngư dân Quảng Ngãi không thể đóng thêm tàu mới vì đã hết chỉ tiêu phân bổ /// Ảnh: Hiển Cừ

 

Ngư dân Quảng Ngãi không thể đóng thêm tàu mới vì đã hết chỉ tiêu phân bổẢNH: HIỂN CỪ

Theo ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, ngành thuỷ sản Quảng Ngãi đã từng bước phát triển theo hướng hiện đại, nhưng thực tế nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.
Cụ thể, việc Bộ NN-PTNT phân bổ chỉ tiêu tàu cá đóng mới chưa phù hợp với sự phát triển của nghề khai thác thủy sản ở từng địa phương. Chẳng hạn, giai đoạn 2014 – 2016, Bộ phân bổ cho Quảng Ngãi đóng mới 189 tàu vỏ gỗ, vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400 – 800 CV trở lên, trong đó có 174 tàu khai thác thuỷ sản và 15 tàu dịch vụ hậu cần (tính cả tàu đóng mới theo Nghị định 67). Đến tháng 4.2016, chỉ tiêu đóng mới thêm 189 tàu đã hết, điều này đồng nghĩa hiện nay ngư dân Quảng Ngãi muốn đóng tàu mới sẽ không được giải quyết, chỉ trừ trường hợp giải bản tàu cá từ 90 CV trở lên để thay thế bằng tàu mới công suất từ 400 CV trở lên cơ quan chức năng mới cho đóng mới.
Cũng theo ông Minh, đến thời điểm này, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa được thực hiện, vì có nhiều văn bản hướng dẫn về thuế GTGT đối với tàu cá khai thác xa bờ nói chung và tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 nói riêng không rõ ràng, không thống nhất. Do vậy, đến nay Quảng Ngãi vẫn chưa giải quyết được trường hợp hoàn thuế GTGT nào, gây bức xúc, thiệt thòi cho các chủ tàu. Chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, chi phí vận chuyển sản phẩm cũng chưa được thực hiện vì chưa có những hướng dẫn cụ thể.
Bên cạnh đó, điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) không thống nhất, việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào NHTM, dẫn đến tỷ lệ chủ tàu được vay vốn ưu đãi so với số chủ tàu mà UBND tỉnh phê duyệt rất thấp. “Thời gian nghiên cứu, xem xét để ký hợp đồng tín dụng cho từng chủ tàu quá lâu, nhất là tàu vỏ thép. Nhiều chủ tàu đã lập đầy đủ thủ tục theo yêu cầu nhưng bị NHTM từ chối cho vay”, ông Minh nói.
Gỡ khó cho tàu cá vươn khơi - ảnh 1

Dù đã đưa tàu vào hoạt động nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn chưa được hoàn thuế GTGT

Quảng Ngãi hiện có hơn 5.640 tàu cá, song cơ sở hạ tầng, nhất là cảng neo trú tàu thuyền không đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, luồng dẫn và cảng bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào rất khó khăn, nhiều khi bị mắc cạn, sóng lớn đánh chìm gây thiệt hại lớn cho ngư dân. Nhiều tàu có kích thước lớn, nhất là tàu vỏ thép không có nơi neo đậu, rất nguy hiểm khi thời tiết xấu. Ngoài ra, mức hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển chưa phù hợp với thực tế hiện nay…
Đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đóng tàu
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ NN-PTNT cần có sự điều chỉnh chỉ tiêu đóng mới tàu cá giữa các địa phương có nhu cầu khác nhau nhưng vẫn đảm bảo tổng số tàu thuyền theo định hướng, quy hoạch trên phạm vi toàn quốc. Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn cụ thể lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất của nhà nước đối với những khoản vay được giải ngân sau ngày 31.12.2016 để chủ tàu và các NHTM biết thực hiện, đồng thời chỉ đạo các NHTM xem xét, điều chỉnh các điều kiện vay vốn phù hợp với quy định của Nghị định 67, đơn giản thủ tục cho vay, phối hợp với các địa phương trong thẩm tra hồ sơ đăng ký ban đầu, tích cực hỗ trợ chủ tàu làm thủ tục vay vốn, xem xét điều chỉnh tiến độ giải ngân hợp lý, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân đóng tàu.
Cũng theo ông Minh, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT hướng dẫn và giải quyết cụ thể các trường hợp đã đóng tàu để xử lý dứt điểm chính sách thuế GTGT theo hướng đảm bảo quyền lợi cho chủ tàu và các NHTM nhằm tạo lòng tin của ngư dân vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. “Tháo gỡ những vướng mắc trên là yêu cầu cấp thiết để chính sách đi vào thực tế, phát huy hiệu quả trong quá trình hành nghề của ngư dân”, ông Minh nhấn mạnh.
Mới có 28 tàu “67” đi vào hoạt động
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tổng số tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi mà tỉnh đã phê duyệt tính đến thời điểm này vẫn còn hiệu lực là 78 chiếc (29 tàu vỏ thép, 43 tàu vỏ gỗ và 6 tàu vỏ composite). Các NHTM cũng đã giải ngân hơn 194 tỉ đồng trên tổng số hơn 226 tỉ đồng cam kết cho vay. Hiện có 28 tàu đã hoàn thành và đưa vào khai thác, trong đó có 8 tàu vỏ thép và 20 tàu vỏ gỗ. Tỉnh cũng đã phê duyệt nâng cấp 18 tàu cá nhưng các NHTM chưa triển khai cho vay.


Hiển Cừ