25/12/2024

Ngày phán xét ở nước Mỹ

Hôm nay 8.11, hàng triệu cử tri sẽ cất tiếng nói của họ trong cuộc bầu cử gây chia rẽ và tốn nhiều giấy mực ở nước Mỹ.

 

Ngày phán xét ở nước Mỹ

Hôm nay 8.11, hàng triệu cử tri sẽ cất tiếng nói của họ trong cuộc bầu cử gây chia rẽ và tốn nhiều giấy mực ở nước Mỹ.




 

 

Bà Clinton và ông Trump đứng trước thời khắc quyết địnhREUTERS

 

Trong vòng 48 giờ trước thời điểm bỏ phiếu, đại diện đảng Cộng hòa tự nhận mình là “cơ hội cuối cùng” của Mỹ để hàn gắn một đất nước đã bị lũng đoạn, trong khi phía Dân chủ gọi đây là “thời khắc của sự phán xét”.
Những nỗ lực cuối cùng
Đặt chân đến thị trấn Leesburg, bang Virginia, sau nửa đêm, ông Donald Trumpbuông lời hứa chắc nịch trước đám đông đang hô khản cả giọng rằng mình sẽ chấm dứt những thoả thuận thương mại được phe đối thủ ủng hộ, ngưng ngay chương trình bảo hiểm bắt buộc Obamacare và giới hạn đáng kể sự có mặt của dân nhập cư ở những cộng đồng không chào đón người tị nạn.
“Khi tôi đắc cử, chúng ta sẽ đình chỉ chương trình dân tị nạn Syria, và ngăn chặn sự có mặt của bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan trên đất Mỹ”, tờ The Washington Post dẫn lời ứng viên đảng Cộng hoà.
Cuộc vận động tranh cử tại Leesburg là chặng dừng thứ 5 của ông Trump trong ngày 6.11, sau khi tất tả chạy đua một vòng các bang Iowa, Minnesota, Michigan và Pennsylvania từ rạng sáng cùng ngày. Nếu tính cả ngày hôm trước, tỉ phú Mỹ đã thực hiện hành trình 4.800 km trên đất Mỹ.
Thành phố Sioux ở phía đông bang Iowa là điểm khởi đầu trong ngày của ông Trump, trước khi kết thúc tại miền bắc Virginia, nơi mà phía ứng viên này đang le lói hy vọng giành được 13 phiếu đại cử tri từ tay đảng Dân chủ, chiếm 4,8% tổng số 270 phiếu đại cử tri cần để thắng cử. Ông hứa hẹn sẽ cắt giảm mạnh thuế má cho giới trung lưu và cải cách cơ sở hạ tầng đô thị tại tiểu bang mà theo ông là “còn tệ hơn vùng chiến sự”.
Trước đó cùng ngày, ông Trump tố cáo trước đám đông tại thành phố Minneapolis rằng bà Clinton tự tin đã “bỏ túi” bang Minnesota nên chẳng màng phải đến đây vận động tranh cử. Vào ngày 7.11, ông Trump tiếp tục chiến đấu tại 5 tiểu bang là Florida, Bắc Carolina, Pennsylvania, New Hampshire và Michigan, trước khi kết thúc bằng cuộc mít tinh lớn vào khuya cùng ngày ở Grand Rapids, Michigan.
Trong khi đó, ứng viên chạy đua cho đảng Dân chủ Clinton bắt đầu ngày 6.11 với sự kiện ở Philadelphia. Tại một thành phố mà cử tri da màu có thể giúp cựu ngoại trưởng giành lấy những phiếu đại cử tri quan trọng cho chiến thắng sau cùng, bà Clinton đã khôn ngoan khi đóng khung các điểm chính xung quanh các cuộc đấu tranh về quyền bình đẳng tồn tại dai dẳng trong lịch sử nơi này, từ nguồn gốc cuộc vận động nữ quyền ở Seneca Falls, bang New York, đến hoạt động xuống đường vì quyền lợi của người da màu ở Selma, bang Alabama.
Theo tờ The New York Times, bà Clinton đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ về sự hàn gắn dân tộc tại các điểm dừng chân trong những ngày cuối cùng, mô tả bản thân là sự hiện thân của lòng bao dung và hòa giải, ngược lại với quan điểm chia rẽ của ông Trump. Có thể nói, cựu ngoại trưởng đã giành được sự ủng hộ nhiệt liệt của các cử tri da màu tại Carolina và người gốc Latin ở nam và miền trung Florida, trong khi đối thủ lại chú trọng vào giới cử tri da trắng và ít có nền tảng về chính trị.
Nếu ông Trump phải mệt nhọc vượt đường xa trong vài ngày cuối cùng trước khi kết thúc thời gian vận động, bà Clinton lại có sự trợ giúp hùng hậu từ những người đại diện đầy ảnh hưởng như Tổng thống Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Ví dụ, ông Obama đã xuất hiện tại Kissimmee, bang Florida, và tấn công ông Trump. “Rõ ràng là đội ngũ tranh cử của ông ta đã đoạt quyền kiểm soát tài khoản Twitter của chính chủ”, ông Obama phát biểu trước đám đông tại Sân vận động hạt Osceola. “Trong 2 ngày qua, họ chẳng dám tin vào năng lực tự chủ của ông Trump… Giờ thì nếu một người không thể nào xử lý được tài khoản Twitter của mình, làm sao họ có thể quản lý được các mật mã hạt nhân?”, Tổng thống Mỹ mỉa mai.
Ngày không bình yên
Ngày bầu cử, 8.11, được nhiều tờ báo Mỹ ví là ngày bão táp, với nhiều cảnh báo rằng nước Mỹ đứng trước nguy cơ dấn vào một tương lai bất định không thể vãn hồi, nhưng hoàn toàn không hề có khoảnh khắc bình yên trước cơn bão. Không chỉ ráo riết vận động cử tri, trong ngày 7.11, cả hai ứng viên còn “loạn đả” trên mặt báo, với bài viết riêng của mỗi người trên tờ The USA Today. Tuy nhiên, các câu từ và những ý chính trong bài xã luận của họ không mới, chủ yếu rút từ các bài phát biểu cá nhân, bao gồm một số quan điểm chính sách chủ chốt và tất nhiên không thiếu những lời chỉ trích lẫn nhau.
Một cơn cuồng phong khác còn được thổi đến từ phía Cục Điều tra liên bang (FBI), cơ quan hứng chịu nhiều chỉ trích trong thời gian gần đây vì cách xử lý vụ bê bối dùng email cá nhân thực hiện công vụ của bà Clinton. Trong một diễn biến bất ngờ và khả nghi, Giám đốc FBI James Comey tuyên bố sẽ không thay đổi quan điểm không truy tố ứng viên Dân chủ, sau khi rà soát nội dung những email mới bị phát hiện. Điều đáng nói là chỉ mới mấy ngày trước, khi cuộc đua bước vào chặng nước rút, chính ông Comey đã giáng một đòn nặng nề vào nỗ lực tranh cử của bà Clinton khi bất ngờ thông báo sẽ mở lại cuộc điều tra về vụ email, làm dấy lên những lời chỉ trích gay gắt từ phía đảng Dân chủ. Chính vì thế, dễ hiểu là phía Dân chủ như trút được gánh nặng sau động thái mới nhất từ cơ quan thực thi pháp luật.
Ngược lại, ông Trump bày tỏ sự giận dữ khi cho rằng đây là một bằng chứng nữa cho thấy nền chính trị Mỹ đang bị tha hoá. “Không ai có thể xem 650.000 email trong vòng 8 ngày”, ông Trump phẫn nộ. “Giờ đây công lý phụ thuộc vào những cử tri Mỹ đi bỏ phiếu vào ngày 8.11”, ứng viên này kết luận.
Kết quả thăm dò vào giờ chót
Giới truyền thông Mỹ thay nhau đưa ra những lời dự đoán về người sẽ giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đài ABC News cho rằng bà Clinton sẽ trở thành tổng thống với ít nhất 274 phiếu đại cử tri. Nhà bình luận chính trị của đài này là ông Matthew Dowd, 55 tuổi, dự đoán xác suất cựu ngoại trưởng thắng cử là 95%. Mục The New York Times Upshotcho rằng xác suất có thể dao động từ 85 – 86%, trong khi trang Pollster.com của tờ Huffington Post nâng tỷ lệ này lên đến 98%. Trong khi đó, tờ The Los Angeles Times dự đoán bà Clinton sẽ giành được 352 phiếu đại cử tri so với 186 phiếu của ông Trump. Cuộc khảo sát do Đài NBC News và tờ The Wall Street Journal công bố ngày 6.11 cũng nghiêng về bà Clinton, với 44% số người ủng hộ so với 40% của ông Trump. Còn kết quả cùng ngày do Đài ABC News và The Washington Post thực hiện là 48% cho Clinton, 43% cho Trump.

Ngày phán xét ở nước Mỹ - ảnh 2

 
 

 

Thuỵ Miên