24/12/2024

Mưa lũ đổ xuống, 
rau xanh tăng giá


Cùng với thời tiết mưa bão ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng rau xanh, hàng ngàn hecta rau xanh ở Lâm Đồng bị thiệt hại nặng sau trận lụt lớn khiến giá rau xanh tại thị trường TP.HCM tiếp tục tăng mạnh.

 

Mưa lũ đổ xuống, 
rau xanh tăng giá


Cùng với thời tiết mưa bão ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng rau xanh, hàng ngàn hecta rau xanh ở Lâm Đồng bị thiệt hại nặng sau trận lụt lớn khiến giá rau xanh tại thị trường TP.HCM tiếp tục tăng mạnh.

 

 

 

Mưa lũ đổ xuống, 
rau xanh tăng giá

Người dân Đơn Dương thu hoạch cà chua chạy lũ – Ảnh: MAI VINH

Theo tính toán ban đầu, vùng trồng rau tại huyện Đơn Dương – một trong ba vùng rau lớn của Lâm Đồng (cùng với Đà Lạt và huyện Đức Trọng) – đã bị thiệt hại hơn 30.000 tấn nông sản do hơn 1.000 hecta nông sản, chủ yếu là cà chua và các loại rau lá, bị ngập nặng sau đợt xả lũ của thuỷ điện Đa Nhim vào chiều 3-11.

Vựa rau Đà Lạt “tê liệt”

Hơn 20 vựa nông sản chuyên cung cấp cho các chợ đầu mối tại TP.HCM và đóng hàng đi Hà Nội tại huyện Đơn Dương gần như tê liệt vì không có nông sản để chuyển đi.

Bà Nguyễn Thị Thu, chủ vựa rau Bé Thu, cho biết thông thường mỗi ngày vựa này thu vào khoảng 12 tấn cà chua để cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ tại TP.HCM và các địa phương khác.

Tuy nhiên, sau khi gom được 7 tấn do nông dân thu chạy lũ và đã chuyển đi, giờ để xe nằm không do không còn hàng để lấy. “Ngập nặng quá. Cà chua úng hết rồi”, bà Thu nói.

Bà Đinh Thị Thúy Hoa (chủ vựa rau Hoa Hoàng) cho biết buổi sáng 5-11, cơ sở này cử người ra vườn của nông dân để thu mua tại chỗ số hàng thu chạy lũ nhưng ngập sâu quá, nông dân không dám thu hoạch.

“Nếu mưa không thôi thì khoảng 2 tuần là hoạt động mua bán rau ổn định về giá và số lượng, nhưng lũ lụt thì phải hơn 1 tháng sau mới trở lại bình thường do rau đang thu hoạch bị mất trắng, còn rau mới trồng thì chết non”, bà Hoa cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cà chua xa cạ (sống, chín và cả trái úng lẫn lộn) do nông dân Đơn Dương thu chạy lũ vẫn được mua với giá 16.000 đồng/kg, bằng với giá dành cho cà chua loại đẹp nhất bán vào dịp tết.

Vùng rau Đức Trọng cũng bị ảnh hưởng mưa nhưng nhờ không ngập lụt nên sản lượng rau không bị hụt nhiều.

Tuy nhiên, thương lái đổ dồn về để gom hàng cho đủ đơn hàng chuyển đi nên hiện tượng tranh mua tranh bán xảy ra ở đây. Giá rau buổi sáng và buổi chiều có sự chênh nhau rõ rệt tương tự như tại vùng rau trọng điểm Đà Lạt.

Ông Nguyễn Công Thừa, tổng giám đốc Anh Đào Co.op, cho hay do ảnh hưởng mưa bão, giá rau tại Đà Lạt biến động hằng giờ trong tuần qua, các thương lái phải tranh mua từng tạ hàng.

“Các loại rau thông dụng tại Đà Lạt hư hại quá nhiều trong khi đơn hàng chuyển đi miền Trung liên tục tăng do vùng rau tại chỗ ở các địa phương này hư hại vì lũ lụt. Các nhà phân phối tại miền Trung tăng hàng liên tục nên giá rau vào buổi sáng và buổi chiều chênh nhau từ 
20 – 30%”, ông Thừa cho hay.

TP.HCM, siêu thị vẫn 
giữ giá

Do nguồn cung bị ảnh hưởng, giá các loại rau củ tại thị trường TP.HCM tăng mạnh, với mức tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với mức giá giữa tháng trước, thậm chí một số loại rau có mức tăng lên tới 30.000 – 40.000 đồng/kg.

“Chưa bao giờ bông cải loại đẹp có giá tới 80.000 đồng/kg như bây giờ, kể cả tết” – bà Trần Thị Quỳnh, tiểu thương chợ Võ Thành Trang (Q.Tân Bình), nói. Theo bà Quỳnh, chỉ sau vài cơn mưa, bông cải xanh và trắng Đà Lạt đều tăng mạnh từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, lên mức gần 80.000 đồng/kg loại 1.

Các loại rau có lá như cải xanh, rau ngót, mồng tơi, xà lách… cũng tăng thêm 10.000 – 20.000 đồng/kg, lên tới gần 50.000 đồng/kg.

Tại các chợ như Bến Thành, Bà Chiểu (Bình Thạnh), chợ Gò Vấp, Tân Bình…, giá rau cũng tăng từ 30 – 50% với lý do được tiểu thương cho biết là nguồn rau tại các chợ sỉ thất thường về sản lượng và giá cả do ảnh hưởng của mưa bão trong những ngày gần đây.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà – phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng rau củ quả về chợ vẫn giữ mức ổn định, bình quân khoảng 3.000 – 3.500 tấn/ngày đêm, có thời điểm nhập về 4.000 tấn/ngày đêm.

Bà Hà thừa nhận giá rau củ quả tại chợ đầu mối có tăng nhưng mức tăng không cao như các chợ lẻ. Một số chợ đầu mối khác trên địa bàn cũng cho biết giá rau củ quả về chợ chỉ tăng từ 4.000 – 6.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại các hệ thống bán lẻ, giá cả các loại hàng hóa, kể cả rau củ không biến động nhiều.

“Phần lớn các siêu thị đều ký kết hợp tác với các vùng nguyên liệu từ trước nên có thể chủ động được nguồn cung, sản lượng và kiểm soát được cả chất lượng” – đại diện hệ thống Co.op Mart cho biết.

Ông Hồ Quốc Nguyên, giám đốc truyền thông hệ thống siêu thị BigC, cũng khẳng định đã ký kết hợp tác với vùng nguyên liệu từ trước với cam kết giữ giá trong một khoảng thời gian nhất định.

Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, giá các loại nông sản tại Đà Lạt và vùng lân cận tăng cao từ 50 – 200% so với thời điểm cuối tháng 10-2016.

Trong đó giá các loại rau củ tăng khoảng 50%, trong khi các loại rau lá như xà lách, cải, bó xôi… tăng giá mạnh nhất, có loại tăng 200%. Giá rau bán lẻ tại chợ Đà Lạt hiện là 40.000 đồng/kg đối với xà lách, các loại rau khác có giá tương tự.

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, các thương lái tại Đà Lạt hiện chuyển đi các tỉnh miền Trung khoảng 150 tấn rau/ngày, tăng gấp ba lần so với ngày thường, trong đó chủ yếu là các loại rau củ thông dụng như cà rốt, khoai tây, củ dền và rau lá các loại.

Đơn hàng cho thị trường TP.HCM và Hà Nội tăng khoảng 30% nhưng đa số các thương lái và nhà cung ứng không có đủ hàng để chuyển đi.

MAI VINH – D.TUẤN