15 năm tới vẫn phải là nhiệt điện than?
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định xu thế tất yếu trong 15 năm tới vẫn phải là nhiệt điện than, nếu không sẽ khó đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế.
15 năm tới vẫn phải là nhiệt điện than?
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định xu thế tất yếu trong 15 năm tới vẫn phải là nhiệt điện than, nếu không sẽ khó đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế.
Quan điểm trên được Thứ trưởng Vượng khẳng định hôm qua (5.11) tại hội thảo về nhiệt điện than do cơ quan này tổ chức.
Không thể khác?
Hội thảo này diễn ra trong bối cảnh nhiệt điện than được dư luận đặc biệt chú ý sau khi một số tổ chức kiến nghị Chính phủ ngừng phát triển loại năng lượng này cũng như việc Bộ Công thương mới đây đã đưa một loạt nhà máy điện than vào diện kiểm soát đặc biệt về môi trường.
PGS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Kỹ thuật nhiệt, thừa nhận một vài nhà máy nhiệt điện than để xảy ra sự cố môi trường vừa qua khiến dư luận lo ngại, cần phải xử lý cũng như khắc phục dứt điểm các tồn tại. “Nhưng loại hình này không tệ đến mức phải đóng cửa”, ông Nghĩa nói và dẫn chứng rằng hiện nhiệt điện than vẫn chiếm tới hơn 40% nguồn sản xuất điện của thế giới.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, mặc dù năm 2015, Chính phủ đã có chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, với các ưu tiên phát triển xanh, bền vững song phải thừa nhận một thực tế là chi phí giá thành cao khiến cho nền kinh tế khó hỗ trợ. Trong khi đó, dư địa cho phát triển thủy điện hầu như đã hết khi các nhà máy vừa và lớn đã được khai thác tối đa với 70 tỉ kWh điện/năm, chiếm 40% công suất toàn hệ thống. Tương tự, với nhiệt điện khí, ông Vượng cho hay mỏ khí Nam Côn Sơn, nguồn chính cung cấp cho 2 trung tâm Phú Mỹ và Nhơn Trạch, sẽ cạn kiệt vào năm 2023. Các mỏ khí mới cũng chỉ có thể tăng thêm được 8.000 MW trong tổng số hơn 95.000 MW cần huy động từ đây tới năm 2030.
Dẫn các số liệu tại quy hoạch điện điều chỉnh mới nhất hồi đầu năm, như dự kiến 2020 công suất nhiệt điện than sẽ tăng lên 26.000 MW, chiếm 41% và 50% (hiện nay mới ở mức 34%) cả công suất lẫn sản lượng, tới năm 2025, công suất tiếp tục được nâng lên 48.000 MW, chiếm hơn 50% công suất nguồn lẫn sản lượng, ông Vượng khẳng định: “Tới năm 2030 thì xu thế nhiệt điện than sẽ giảm xuống, nhưng trong vòng 15 năm tới vẫn rất quan trọng, nếu không muốn nói là trọng yếu trong nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội”.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, dù quy hoạch điện mới nhất đã giảm số lượng lẫn công suất nhiệt điện than xuống so với trước, nhưng từ đây tới 2030, nhiệt điện than vẫn phải chủ yếu, không thể khác. Theo đó, trong tổng số 95.000 MW phải huy động trong 15 năm tới thì năng lượng tái tạo khoảng 26%, thủy điện chưa tới 6%, nhiệt điện khí gần 12%, còn lại 46% sẽ do nhiệt điện than đảm trách. Theo ông Hiến, hiện chỉ có thủy điện là giá thành rẻ hơn nhiệt điện than nhưng khai thác cạn rồi. Trong khi các loại hình còn lại đều đắt gấp 2 – 3 lần từ suất đầu tư cho tới giá mỗi kWh bán ra.
Mối lo tro xỉ
Dù vậy, tại hội nghị, một số ý kiến cũng bày tỏ mối lo với vấn đề xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than. Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy hiện cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, thải ra tro xỉ, thạch cao hơn 15,7 triệu tấn/năm. Con số này sẽ tăng lên gần gấp đôi ở giai đoạn 2021 – 2025 khi một loạt dự án lớn đi vào vận hành.
Ông Nguyễn Văn Thanh, đại diện Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng (Tập đoàn Dầu khí), cho hay dự án này mỗi năm thải ra 1 triệu tấn tro xỉ. Trước đây, doanh nghiệp đã bắt tay với một số công ty xi măng như Sông Gianh, Hoàng Mai để đưa vào sử dụng làm nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng nhưng sau một thời gian đã bị ngừng lại. “Nguyên nhân là do nhiều nhà máy xi măng khi bắt đầu xây dựng đã không nêu rõ việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu đầu vào để sản xuất, do vậy việc xin phép rất khó khăn”, ông Thanh nói. Ông Thanh kiến nghị các bộ, ngành cần sớm xem xét và tháo gỡ cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng để giải phóng tro xỉ.
Đại diện Tập đoàn điện lực VN (EVN), đơn vị đang sở hữu hơn 60% công suất các nhà máy điện than trong nước, cũng nhấn mạnh các bộ như Xây dựng,
TN-MT cần sớm có các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đối với tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện than như: yêu cầu kỹ thuật của tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện than để sản xuất vật liệu xây dựng; yêu cầu kỹ thuật vật liệu tro xỉ nhà máy nhiệt điện dùng cho san nền và gia cố nền…
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thừa nhận việc phát triển nhiệt điện than đang gây ra nhiều vấn đề môi trường do lượng chất thải từ các nhà máy này. Dẫu vậy, Thứ trưởng cho rằng đây là vấn đề có thể giải quyết được và chi phí để giải quyết lượng chất thải này cũng không phải quá lớn.
Nguyên An