23/12/2024

Có nên cho phép nhập khẩu vàng?

Hiệp hội Kinh doanh vàng vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

 

Có nên cho phép nhập khẩu vàng?

Hiệp hội Kinh doanh vàng vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.




Người tiêu dùng đang phải gánh chịu nhiều chi phí trong vàng trang sứcẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nếu được thông qua, việc nhập vàng có thể gây áp lực cho tỷ giá.
“Vét” vàng trôi nổi trên thị trường
Ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA), cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh ngày càng khó khăn trong việc tìm nguồn vàng nguyên liệu trong nước để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, do gần 5 năm nay không DN nào được cấp phép nhập khẩu vàng. “Thời điểm năm 2012 thị trường vàng trong nước xảy ra nhiều bất ổn, nhiều người đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường, tạo ra các cơn sốt vàng nên Chính phủ ban hành Nghị định 24 để siết, quản lý thị trường. Sau gần 5 năm, thị trường vàng VN đã cơ bản ổn định, một số quy định tại Nghị định 24 không còn phù hợp với tình hình hiện nay”, ông Bảng nói.
Theo VGTA, bất cập lớn nhất là việc DN đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức nhưng lại không được nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Quy định này khiến các DN phải mua vàng trôi nổi trên thị trường trong nước với giá cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế, khiến giá thành tăng cao, mất lợi thế cạnh tranh; thậm chí còn vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn lậu vàng phát triển, đẩy DN đến tình trạng luôn phải đối mặt với rủi ro pháp lý liên quan đến việc mua bán vàng bất hợp pháp… Vì vậy, VGTA kiến nghị sửa đổi nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, đăng ký bổ sung địa điểm kinh doanh, tiếp cận vốn ngân hàng…, trong đó có việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.


Có nên cho phép nhập khẩu vàng? - ảnh 1
Cơ quan quản lý nên thử nghiệm, thả lỏng cho nhập vàng nguyên liệu trong thời gian 1 năm, theo dõi với lượng cung ứng mới, thị trường có chuyển biến tốt hơn, giá vàng trong nước có tốt hơn không, sau đó đưa ra quyết định

Có nên cho phép nhập khẩu vàng? - ảnh 2

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho hay DN đã nhiều lần kiến nghị NHNN xin được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhưng đều không được chấp thuận. Mấy năm qua, để có vàng nguyên liệu, PNJ phải đi mua vét khắp nơi, chịu đựng tình trạng giá cả đầu vào “bay nhảy” không ổn định. “Nhiều khi nhận đơn hàng nước ngoài cũng bị thụ động, nên mấy năm nay xuất khẩu cũng giảm sút. Bên cạnh đó, mua nguyên liệu trôi nổi thì rất khó đáp ứng chứng từ đầy đủ cho hoạt động công ty”, bà kể khó.

Theo ông Đinh Nho Bảng, thời điểm trước có lúc giá vàng trong nước chênh lệch cao hơn giá thế giới 3 – 5 triệu đồng/lượng, hiện đang ở mức 1,6 triệu đồng/lượng đã khiến giá thành sản xuất vàng trang sức tăng cao. DN khó tính toán hiệu quả kinh doanh vì giá vàng mua qua kênh không chính thống thường cao hơn nhiều so với giá quốc tế. Việc mua vàng trôi nổi trong nước cũng khó quản lý chất lượng, tăng thêm rủi ro vàng thật – vàng giả trên thị trường. Từ đây, cơ quan quản lý sẽ gặp khó trong quản lý thị trường vàng. Đáng nói là, giá đầu vào tăng cao thì một phần lớn chi phí được đổ cho người mua. “Trong làm ăn, đời nào người sản xuất kinh doanh chịu lỗ, nên chi phí này phần lớn người tiêu dùng phải gánh, khiến họ phải mua một món hàng giá cao hơn”, ông Bảng nói.
USD đâu để nhập vàng?
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất nữ trang của VN khoảng 30 tấn vàng mỗi năm, nhưng lượng cần nhập khẩu chỉ khoảng 10 – 15 tấn, còn lại DN cân đối với thị trường trong nước. Vì vậy, lượng ngoại tệ cần để nhập vàng là “không đáng kể” so với các ngành khác. Việc nhập khẩu nên ưu tiên cho những DN có hợp đồng xuất khẩu, DN lớn, chứ không cho nhập tràn lan, để có thể chủ động về ngoại tệ.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại cho rằng nhập vàng phải dùng nhiều ngoại tệ. Trong thời gian qua, NHNN đã tăng dự trữ ngoại hối lên đến mức kỷ lục, nhưng vẫn chưa cao so với các nước. Trong khi để nhập vàng, DN “vét” trên thị trường sẽ gây áp lực tỷ giá. Ông Phong tính toán, với nhu cầu nhập khẩu 10 – 15 tấn vàng trong một năm, cần một lượng ngoại tệ 440 – 650 triệu USD là “con số không hề nhỏ, cần cân nhắc”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần tháo gỡ vướng mắc và cởi trói cho DN. Ngoài NHNN, cần có thêm nhiều DN tham gia vào việc nhập khẩu vàng. Thị trường vàng hiện đã đi vào nền nếp, số lượng vàng NHNN nhập thời gian qua đã quân bình với thị trường. Tuy nhiên, trước mắt chỉ giới hạn cho nhập khẩu đối với những DN có tiềm lực tài chính, có hợp đồng xuất khẩu. Ông Hiếu cũng lưu ý là việc nhập khẩu vàng sẽ cần một lượng ngoại tệ tương đương, chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều đến chính sách ngoại hối của DN. “Cơ quan quản lý nên thử nghiệm, thả lỏng cho nhập vàng nguyên liệu trong thời gian 1 năm, theo dõi với lượng cung ứng mới, thị trường có chuyển biến tốt hơn, giá vàng trong nước có tốt hơn không, sau đó đưa ra quyết định.”, ông đề xuất, đồng thời cũng lưu ý thêm không loại trừ rủi ro biến tướng, nhập vàng nguyên liệu tuồn ra thị trường làm ảnh hưởng đến thị trường vàng miếng.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, nếu không sớm giải bài toán nguyên liệu, thì các DN sẽ phải tiếp tục tình trạng sản xuất bằng vàng không rõ nguồn gốc, mất lợi thế cạnh tranh, lép vế ngay tại sân nhà.

 

Hồng Sương