14/11/2024

Thi THPT quốc gia 2017: Tách riêng thí sinh tự do?

Dự kiến tuần này, Bộ GD-ĐT công bố các dự thảo thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH để lấy ý kiến. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, khi xếp phòng thi, Bộ dự kiến tách riêng thí sinh tự do để dễ xử lý việc chọn thi theo môn của những thí sinh này.

 

Thi THPT quốc gia 2017: Tách riêng thí sinh tự do?

Dự kiến tuần này, Bộ GD-ĐT công bố các dự thảo thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH để lấy ý kiến. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, khi xếp phòng thi, Bộ dự kiến tách riêng thí sinh tự do để dễ xử lý việc chọn thi theo môn của những thí sinh này.




Dự kiến có 2 loại hội đồng hoặc 2 loại phòng thi dành cho thí sinh lớp 12 và thí sinh tự doẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mà Bộ đã thông báo, kỳ thi sẽ được tổ chức thi theo bài (thay vì thi theo môn như trước đây). Có cả thảy 5 bài, trong đó 3 bài độc lập (toán, văn, ngoại ngữ) và 2 bài tổ hợp: khoa học tự nhiên (lý, hoá, sinh), khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân). Căn cứ để xét tốt nghiệp là điểm 4 bài thi, trong đó 3 bài độc lập và 1 bài tổ hợp. Tuy nhiên, thí sinh (TS) có thể dự thi cả 5 bài, điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét tốt nghiệp.
Còn căn cứ để xét tuyển ĐH vẫn theo tổ hợp xét tuyển 3 môn như từ trước đến nay.
Thi THPT quốc gia 2017: Tách riêng thí sinh tự do? - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Nguy cơ chuyển sang kiểu dạy học đối phó

Dù Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017, giáo viên và học sinh chuẩn bị ôn tập theo hướng thi mới nhưng dư luận vẫn còn bàn tán nhiều về vấn đề thi trắc nghiệm hay luận đề đối với một số môn học. 


Thí sinh lớp 12 bắt buộc chọn cả bài thi tổ hợp ?
Theo một nguồn tin của PV Thanh Niên, nhiều khả năng trong dự thảo quy chế sắp công bố, Bộ sẽ tách riêng diện TS tự do (trừ đối tượng chưa được xét tốt nghiệp, nay thi lại để được xét) và TS lớp 12. Theo đó, TS lớp 12 bắt buộc phải đăng ký và dự thi theo bài, còn TS tự do có thể đăng ký và dự thi theo từng thành phần (tức từng môn) với các bài thi tổ hợp.
Như vậy, hoặc sẽ có 2 loại hội đồng hoặc 2 loại phòng thi. Một hội đồng (hoặc phòng thi) dành cho TS lớp 12, loại còn lại cho TS tự do.
Trong quá trình làm bài thi tổ hợp, TS lớp 12 bắt buộc ngồi (và làm bài) trong phòng thi suốt 150 phút thời gian làm bài. Còn TS tự do có thể chỉ cần làm phần thi mà mình đăng ký. Chẳng hạn, nếu đăng ký môn lý trong bài thi khoa học tự nhiên, TS chỉ phải làm bài trong thời gian 50 phút. Sau đó, TS có thể ra khỏi phòng thi để sang khu vực chờ, thậm chí có thể rời hội đồng thi để ra về. Trước khi ra khỏi phòng thi, TS sẽ bị thu lại đề. Tất cả TS đều phải vào phòng thi ngay từ đầu buổi thi.
Thi THPT quốc gia 2017: Tách riêng thí sinh tự do? - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

‘Chiến thuật’ học và thi trắc nghiệm

Dù muốn hay không, một thực tế đang diễn ra ở các trường phổ thông hiện nay là thầy trò đều đang dạy và học để ứng phó với kiểu thi trắc nghiệm lần đầu tiên áp dụng cho nhiều môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.


Đề thi sẽ được in thành 3 phần có thể tách rời nhau. Bộ đã phân chia cụ thể thời gian làm bài 50 phút/phần (môn), nên hết thời gian cho từng phần, giám thị sẽ thu lại giấy nháp và đề thi của từng TS trong phòng. Vì thế, với những TS thi thêm bài tổ hợp thứ hai chỉ để lấy điểm một phần, cũng chỉ có đúng 50 phút để làm bài phần mà mình chọn. Bộ sẽ thiết kế làm sao để TS không gian lận được, như vậy nhiều khả năng đề thi cũng sẽ được phát ra từng phần chứ không phát cả 3 phần ngay từ đầu buổi thi.
Lo ngại lộ đề thi
Theo nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý thi ở các địa phương, về mặt kỹ thuật, có thể xử lý được việc tách 2 khu vực cho 2 đối tượng TS. Theo tiến sĩ Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội), nếu cần tách TS ra thì không cần chia thành 2 loại hội đồng, bởi ngay trong một hội đồng có thể sắp xếp phòng thi riêng cho các đối tượng TS khác nhau và diện TS tự do sẽ chiếm tỷ lệ không lớn.
“Các hội đồng có thể chia TS theo số môn dự thi để cho các em ngồi phòng riêng. Chẳng hạn phòng cho những TS chỉ thi môn sinh, phòng thi lý, phòng thi cả hoá và lý… Đề thi cũng tách ra, thi hết môn nọ phát đến môn kia. Thậm chí, có thể cho các TS vào phòng thi luôn môn mình muốn thi ngay từ đầu chứ không cần phải chờ lần lượt theo môn như quy trình chung. Thi xong thu đề và giấy nháp lại rồi cho TS về luôn chứ không phải ngồi phòng chờ”, ông Hồng phân tích.


Ông Lương Văn Việt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, cho biết ông không hình dung Bộ sẽ sắp xếp thế nào. Chẳng hạn tổ hợp khoa học xã hội tiến trình là sử – địa – giáo dục công dân, khoa học tự nhiên là lý – hóa – sinh, thời điểm phát đề của từng phần sẽ phải tương ứng. “Không thể khi các TS khác đang thi lý nhưng vì TS nào đó chỉ thi sinh mà lại phát trước cho làm, xong thì ra. Như thế chắc chắn sẽ bị lộ đề. Kể cả thu lại đề thì không cấm được việc một số em vẫn nhớ được đề của mình hỏi những gì để thông tin ra ngoài”, ông Việt lo ngại.
Một cán bộ khảo thí của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng bày tỏ mối lo về khả năng lộ đề nếu như TS vào thi đồng loạt nhưng trình tự phần thi lại không đồng đều. Nguy cơ TS dùng các thiết bị hiện đại chụp đề thi mang ra ngoài. Vị này cho rằng tốt nhất là Bộ có thể xếp TS tự do thi theo ca, chẳng hạn như ca 1 là lý, ca 2 là hóa, ca 3 là sinh. TS sẽ chỉ vào phòng thi đến ca thi của mình.
Ý kiến
Thí sinh lớp 12 cũng có quyền như thí sinh tự do
Bộ nên xem xét lại việc hạn chế diện TS được chọn làm bài theo môn để phục vụ việc xét tuyển ĐH. TS lớp 12 nếu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ là thi đủ 4 bài, trong đó có một bài tổ hợp để xét tốt nghiệp. Vậy thì các em có thể được chọn thêm môn thi để tăng cơ hội đỗ ĐH giống TS tự do. Bộ đã cho phép TS lớp 12 chọn phương án thi cả hai bài tổ hợp, bài nào đạt điểm cao hơn thì chọn làm bài thi xét tốt nghiệp thì việc cho các em thi chỉ một hoặc 2 phần trong một bài thi tổ hợp thi thêm đâu có mâu thuẫn với điều mà Bộ đã cho phép?”.
GS Lâm Quang Thiệp
(nguyên Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT)
Có giải pháp đơn giản hơn
Bộ nên tính đến giải pháp đơn giản hơn. Việc Bộ đưa ra được giải pháp 2 hội đồng thi riêng biệt cho TS tự do và TS phổ thông là hợp lý. Tuy nhiên, nếu cho phép TS phổ thông có nhu cầu dự thi các môn lẻ của bài thi tổ hợp được thi trong phòng thi riêng sẽ đơn giản hơn. TS dự thi 1, 2 hoặc 3 môn có thể thi ở phòng riêng. Trường hợp không thể xếp những phòng thi riêng dành cho TS dự thi môn lẻ trong hội đồng thi dành cho TS phổ thông thì có thể tính đến phương án cho các TS này dự thi chung với hội đồng thi của TS tự do.
Tiến sĩ Trần Đình Lý
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
Không công bằng với các thí sinh
Ngoài bài thi để xét tốt nghiệp mà vẫn bắt buộc TS phải thi hết các môn trong bài thi tổ hợp khác, trong khi TS chỉ có nhu cầu từng môn để xét tuyển ĐH là bất hợp lý. Điều này là không công bằng với TS.
Một cán bộ của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang
Hội đồng thi riêng cho thí sinh tự do
Nên tổ chức một hội đồng riêng cho TS tự do và gom về một điểm ở mỗi địa phương, bởi lẽ số lượng TS này không nhiều, nếu tổ chức ở nhiều điểm sẽ gây tốn kém và phức tạp.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn
(Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
Hà Ánh – Quý Hiên 
(ghi)


 

Quý Hiên