Nga – phương Tây: chuyện gì đang xảy ra?
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang bị nhiều người gọi là “một cuộc chiến tranh lạnh mới”. Nhà báo Jonathan Marcus của Đài BBC cho rằng chủ yếu do “thiếu thấu hiểu nhau”.
Nga – phương Tây: chuyện gì đang xảy ra?
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang bị nhiều người gọi là “một cuộc chiến tranh lạnh mới”. Nhà báo Jonathan Marcus của Đài BBC cho rằng chủ yếu do “thiếu thấu hiểu nhau”.
Học viên hải quân Trường Thiếu sinh quân tổng thống ở Vladivostok, Nga trong buổi lễ tuyên thệ ngày 29-10 – Ảnh: Reuters |
Thật khó để hình dung ra giai đoạn sau chiến tranh lạnh khi quan hệ giữa Nga và Mỹ lại tệ như hiện nay. Các quan chức Mỹ gọi chiến dịch tấn công thành phố Aleppo (Syria) của liên quân Nga – Syria là “tội ác chiến tranh”.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói một cách rõ ràng về quan hệ đang xấu đi giữa Washington và Matxcơva, nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama đã chọn “diktat” (tiếng Nga: sai khiến, ỷ mạnh hiếp yếu) chứ không phải đối thoại.
Pax Americana – khoảnh khắc thống trị đơn cực của Mỹ – rất ngắn ngủi và giờ đây đã kết thúc |
Ông JOHN SAWERS (cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo Anh MI6) |
Tội lỗi nguyên thuỷ
Nhưng phía sau những lời lẽ khó chịu dành cho nhau, Mỹ và Nga vẫn duy trì kênh liên lạc. Đến cuối ngày, họ nhận ra mình cần “diễn” nốt màn cuối của “tấn bi kịch Syria”. Dù mục tiêu chiến lược ngắn hạn là gì đi nữa, một cuộc chiến tranh trường kỳ ở Syria không có lợi gì cho Matxcơva lẫn Washington.
Cái vòng luẩn quẩn là bất cứ thoả thuận/đối thoại nào giữa Nga và Mỹ bây giờ thiếu mất lòng tin và sự thấu hiểu lẫn nhau. Đây quả không phải là “kỷ nguyên mới” hậu chiến tranh lạnh mà thế giới từng trông đợi.
Trong một giai đoạn, Nga chọn rút lui khỏi vũ đài chính trị quốc tế, nhưng giờ họ đã trở lại để “phục hận”, để củng cố vị thế với các láng giềng gần nhà, để lấy lại chút ảnh hưởng toàn cầu đã đánh mất vào tay phương Tây.
Vậy thì vấn đề phát sinh chỗ nào? Tại sao Nga và phương Tây không thể tạo dựng nên một mối quan hệ mới? Ai có lỗi? Sự quá trớn và vô cảm của Mỹ hay hoài niệm vinh quang thời Liên Xô của Nga? Tại sao mọi thứ bây giờ lại quá tệ, liệu có đúng không nếu gọi đây là một cuộc “chiến tranh lạnh mới”?
Đối với ông Paul R. Pillar, cựu quan chức cấp cao của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện là chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh (Đại học Georgetown), lỗi ban đầu là của phương Tây.
Có thể gọi đây là “tội lỗi nguyên thuỷ”. Thông qua tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phương Tây bắt đầu chính sách bành trướng, ban đầu là kết nạp Ba Lan, Cộng hoà Czech, Hungary – những nước có “truyền thống” chống cự lại sức ảnh hưởng của Matxcơva.
Nhưng NATO chưa dừng lại, họ tiếp tục thu nạp thêm thành viên chẳng hạn như ba nước khu vực Baltic (Latvia, Lithuania, Estonia) vốn trước kia thuộc Liên Xô. Vậy thì phát sinh câu hỏi: Nga có nên chấp nhận luôn ý tưởng Gruzia hoặc Ukraine đi vào quỹ đạo phương Tây?
Nói ngắn gọn, Nga tin rằng họ đã bị đối xử không công bằng kể từ sau chiến tranh lạnh.
Hiển nhiên quan điểm này không được phương Tây chia sẻ, họ thích tập trung hơn vào chính sách “tái trỗi dậy” của ông Putin – người từng gọi sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm hoạ địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20”.
Thế giới nào hậu bầu cử Mỹ?
Hiện đang có một cuộc tranh luận thú vị giữa các học giả Mỹ về hai lập trường: nên tập trung mổ xẻ những sai lầm ban đầu của phương Tây trong quan hệ với Nga hay nhìn vào những hành động quyết liệt gần đây của Matxcơva ở Gruzia, Syria và Ukraine?
Ông John Sawers – cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo Anh (MI6), cựu đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc và chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga – cho rằng suốt 8 năm qua phương Tây đã không dành sự quan tâm đầy đủ để xây dựng mối quan hệ chiến lược đúng đắn với Nga.
“Nếu có một sự thấu hiểu giữa Washington và Matxcơva về luật chơi – rằng cả hai không ai cố lật đổ hệ thống của bên còn lại – thì việc giải quyết các vấn đề như Syria, Ukraine hay Triều Tiên sẽ dễ dàng hơn” – ông Sawers đánh giá.
Năm 2014, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, ông Putin từng phát biểu trước Quốc hội Nga đầy ngụ ý nhắn gửi đến phương Tây: “Nếu anh bóp cái lò xo đến hết giới hạn, nó sẽ bật lại rất mạnh. Anh phải nhớ điều đó”.
Trong bài phân tích đăng trên National Interest - một tạp chí của Mỹ có góc nhìn thực dụng về chính sách đối ngoại, chuyên gia Nikolas K. Gvosdev viết: “Phản ứng khôn ngoan nhất là tìm cách giảm áp lực lên cái lò xo hoặc chuẩn bị phương án giảm sốc cho cú bật ngược lại của nó”.
Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khởi động trong những tháng qua, Matxcơva rõ ràng đã tranh thủ được thời gian rảnh tay để định hình cục diện của nhiều cuộc xung đột. Đây cũng là món quà “sự đã rồi” mà ông Putin dành cho chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Tình huống gợi lại quan hệ Nga – Mỹ hồi năm 2008 sau khi nổ ra cuộc chiến tranh Nga – Gruzia. Sự kiện này biến chính sách của chính quyền tổng thống George W. Bush đối với Nga thành một mớ bòng bong và ông Obama lên lãnh đủ. Chính sách “tái khởi động” quan hệ với Nga do cựu ngoại trưởng Hillary Clinton khi đó khởi xướng cũng không đi đến đâu.
“Tổng thống kế tiếp của Mỹ có một trách nhiệm rất nặng nề – tôi hi vọng đó là bà Clinton – là xây dựng lại một mối quan hệ khác với Nga. Chúng ta không tìm kiếm một mối quan hệ nồng ấm hơn và cũng không phải lạnh giá hơn. Thứ chúng ta cần là sự thấu hiểu chiến lược với Matxcơva về cách thức giữ cho thế giới ổn định” – ông John Sawers nhấn mạnh.