Thất thường giá cau
Hơn 1 tháng qua, thương lái từ khắp nơi đổ về huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) thu mua cau trái xuất qua Trung Quốc, đẩy giá cau tươi tăng từng ngày.
Thất thường giá cau
Hơn 1 tháng qua, thương lái từ khắp nơi đổ về huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) thu mua cau trái xuất qua Trung Quốc, đẩy giá cau tươi tăng từng ngày.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, chủ cơ sở thu mua, sơ chế cau ở xã Sơn Dung (H.Sơn Tây), cho hay năm nay thị trường Trung Quốc ồ ạt nhập cau sấy khô nên đã đẩy giá cau tươi tăng cao. Đầu vụ thu hoạch, giá cau tươi chỉ 12.000 đồng/kg thì hiện tăng lên 21.000 đồng/kg. Dù giá cau tăng cao nhất từ trước đến nay, song thời điểm này trên địa bàn Sơn Tây cũng không còn nhiều cau để mua. “Đầu vụ, trung bình mỗi ngày cơ sở của tui mua khoảng 10 tấn cau tươi, nhưng bây giờ là giữa vụ chỉ mua được vài tấn”, bà Yến nói và cho biết thêm trên địa bàn huyện có khoảng 20 lò thu mua, sơ chế cau cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Cũng theo bà Yến, thị trường Trung Quốc đang “hút” cau từ VN nên sau khi thu mua cau tươi đem sơ chế, sấy khô khoảng 4 – 5 ngày là xuất bán ngay. Vì thế, vụ cau này, các lò thu mua, sơ chế cau trong huyện đều “cháy hàng”, trong khi đó các thương lái vẫn đang tiếp tục lùng sục khắp các bản làng vùng cao Sơn Tây thu mua từng buồng cau tươi, song lượng cau trái còn rất ít.
Theo ông Phạm Hồng Đạo, Trưởng phòng NN-PTNT H.Sơn Tây, cây cau gắn bó với đồng bào dân tộc Ca Dong ở Sơn Tây từ bao đời nay. Do phù hợp với tập quán canh tác, lại ít tốn công chăm sóc nên đồng bào dân tộc Ca Dong trong huyện nhà nào cũng trồng cau và huyện vùng cao Sơn Tây được mệnh danh là “xứ sở ngàn cau”. Ông Đạo nhẩm tính: “Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 1.100 ha cau, sản lượng thu hoạch mỗi năm khoảng 20.000 tấn trái. Với giá cau như hiện tại, tính ra năm nay người dân thu về hàng chục tỉ đồng, giúp người trồng cau vượt qua nghèo đói”.
Nỗi lo phụ thuộc thị trường
Cau tăng giá, chính quyền địa phương và người dân Sơn Tây đều mừng nhưng vẫn canh cánh nỗi lo. Bởi lẽ mặt hàng nông sản này hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá lên xuống thất thường. Năm nào phía Trung Quốc thu mua nhiều thì giá cau tăng mạnh, nhưng khi không thu mua thì giá lại rớt thê thảm, bán một tạ cau chỉ mua được 2 kg gạo. Chẳng hạn, vụ cau 2014, do giá cau xuống quá thấp, thương lái chỉ mua cau hạt nên người dân ở Sơn Tây chẳng mặn mà thu hoạch, để mặc những buồng cau sai quả chín vàng, rơi rụng đầy gốc.
Ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND H.Sơn Tây, cho rằng đầu ra ở thị trường trong nước hầu như không có, chỉ có đường duy nhất là xuất qua thị trường Trung Quốc. “Khi không làm chủ được thị trường, không làm chủ được giá thì chính quyền địa phương không khuyến khích người dân phát triển diện tích cây cau, cho dù đây là cây trồng truyền thống. Bởi nó không mang tính sản xuất bền vững”, ông Tùng khẳng định.
Cũng theo ông Tùng, sắp tới huyện sẽ thành lập hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ quy mô cấp huyện nhằm liên kết sản xuất đơn lẻ kinh tế hộ thành sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa nông, lâm sản gắn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. “Hợp tác xã ra đời sẽ đứng ra tổ chức thu mua hàng nông, lâm sản cho người dân, như thế sẽ hạn chế tình trạng bị thương lái o ép”, ông Tùng nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, giá cau bất ngờ tăng trong khi những vườn cau nằm trên những triền núi cao, xa khu dân cư, người dân đã làm đủ cách phòng kẻ gian nhưng vẫn không thể đối phó với nạn trộm. Nhiều gia đình ở Sơn Tây chọn “giải pháp” hái sạch cả trái già lẫn non đem bán, dẫn đến bị thương lái ép giá. Ngoài ra, không ít hộ có hoàn cảnh nghèo khó đã bán cau non cho thương lái từ lúc mới ra buồng, kết trái bằng đầu ngón út, với giá mỗi cây cau chỉ từ 20.000 – 50.000 đồng. Vì thế, giá cau có tăng cao thì các hộ này chỉ biết ngậm ngùi xót của, còn thương lái thì trúng đậm.
|
Hiển Cừ