Trung Quốc, nước từng nhập than lớn nhất của VN vài năm trước, nay đang dần chen chân vào top đầu các nước bán than nhiều nhất cho VN, dù các “ông lớn” ngành than đang… tồn cả chục triệu tấn.
Hàng trong nước dư thừa, vẫn nhập ồ ạt: Ngành than ‘ngấm đòn’
Trung Quốc, nước từng nhập than lớn nhất của VN vài năm trước, nay đang dần chen chân vào top đầu các nước bán than nhiều nhất cho VN, dù các “ông lớn” ngành than đang… tồn cả chục triệu tấn.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm nay cả nước đã nhập khẩu hơn 10,5 triệu tấn than, với trị giá 655 triệu USD. Con số này tăng tới 147,6% về lượng và 82,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Than được nhập khẩu về VN trong 9 tháng qua chủ yếu từ Úc (3,23 triệu tấn, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, chiếm 30,7% lượng than nhập của cả nước), Nga (3,08 triệu tấn, chiếm 29,3%), Trung Quốc (1,46 triệu tấn, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 13,9%)…
“Thời gian khó khăn nhất”
Báo cáo của cơ quan quản lý xuất nhập khẩu cũng cho biết, trong khi giá than trung bình nhập từ Úc là 61 USD/tấn, Nga 64 USD/tấn thì Trung Quốc lên tới 82 USD/tấn.
Điều đáng nói nữa là mới chỉ 2 năm trước thôi, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu than lớn nhất của VN, với 4,14 triệu tấn (chiếm 57% lượng than xuất khẩu). Trong khi đó, báo cáo của Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV) cho biết doanh nghiệp này vẫn còn tồn kho lên tới 10 triệu tấn than sau 9 tháng. Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên gọi đây là “thời gian khó khăn nhất của ngành trong 10 năm qua”.
Than nhập từ Trung Quốc giá đắt hơn cả Úc và Nga, trong khi nước này ở cạnh ta, chi phí vận tải rẻ hơn là điểm cần làm rõ
Ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm tư vấn năng lượng – Hiệp hội Năng lượng VN
Tại buổi toạ đàm “Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” diễn ra đầu tuần này, ông Biên cho hay “việc nhập khẩu than là dễ hiểu” vì giá thế giới đang rẻ hơn trong nước do chi phí sản xuất thấp hơn, công nghệ cao hơn. Còn ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), trấn an rằng giá than thế giới đang nhích lên, tiệm cận giá trong nước nên các hộ tiêu thụ sẽ quay lại dùng than nội địa.
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm tư vấn năng lượng (Hiệp hội Năng lượng VN), lại tỏ ra khá bất ngờ với con số nhập khẩu than từ nước láng giềng và cho hay trong chiến lược năng lượng VN không chủ trương nhập than từ Trung Quốc. “Điểm đáng chú ý nữa là than nhập từ Trung Quốc giá đắt hơn cả Úc và Nga, trong khi nước này ở cạnh ta, chi phí vận tải rẻ hơn là điểm cần làm rõ”, ông Trụ tỏ ra lo ngại.
Trả giá do thiếu tầm nhìn
TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc TKV), cho rằng việc nhập khẩu than với giá hợp lý là “bình thường trong hội nhập”. Dù vậy, ông Sơn tỏ ra tiếc nuối bởi trước đó VN đã quá lạm dụng xuất khẩu than trong một thời gian dài do tầm nhìn hạn chế cộng với tư duy chúng ta có nhiều than.
“Ngày tôi còn làm việc ở Bộ Điện than, các chuyên gia Liên Xô đã khuyến cáo rất nhiều rằng chúng ta không nên xây dựng các nhà máy tuyển than làm gì, vì than không có nhiều. Bởi vì nhu cầu than trong nước chủ yếu là nhiệt điện, mà nhiệt điện thì không cần tuyển gì phức tạp, chỉ nghiền ra rồi cấp cho điện thôi. Thế nhưng TKV lại xây dựng nhà máy tuyển than, để ra than tốt tuyển xong trong nước không dùng được, loại xấu còn lại cũng vậy nên phải xuất khẩu cả than tốt lẫn than xấu”, ông Sơn chia sẻ.
TS Nguyễn Thành Sơn cũng cho biết thêm, theo các khảo sát của ông thì việc nhập than từ Trung Quốc cũng không phải than antraxit trước đó TKV hay Đông Bắc đã bán, mà loại than này do một số công ty Trung Quốc có đầu tư khai mỏ ở nước ngoài, mang về rồi đem xuất khẩu. Loại than này chủ yếu để dùng trong luyện thép và một số nhà máy điện. Còn theo ông Nguyễn Khắc Thọ, có đến 80% lượng than nhập về là để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện. Số than ngoại này bù đắp cho phần than trong nước không đáp ứng được, chứ không phải để thay thế than sản xuất trong nước.
Trong khi đó, ông Tô Quốc Trụ nhìn nhận: “Dù hai năm lại đây, Chính phủ đã chủ trương hạn chế xuất khẩu than, song với nhu cầu trong nước tăng cao thì việc nhập khẩu là con đường bắt buộc, thậm chí là thách thức”. TS Nguyễn Thành Sơn ủng hộ việc nhập than trong bối cảnh này bởi không có lựa chọn khác, nhằm đảm bảo cho an ninh năng lượng, nhưng ông tỏ ra nuối tiếc: “Nó giống như việc chúng ta xây nhà trên một nền đất bùn mà vẫn tưởng dưới đó là nền đá. Kết quả này có nguyên do chiến lược ngành than yếu kém trong một thời kỳ dài”.
Theo dự báo trong Quy hoạch phát triển ngành than đến 2020, có xét triển vọng đến 2030 thì nhu cầu than trong nước vào năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn. Trong khi sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa được 50%. Vì thế, theo ông Tô Quốc Trụ, tỷ trọng nhiệt điện than trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh vẫn rất lớn, trong khi đến nay nhiệt điện ở miền Nam mới chỉ 2 có hai nhà máy dùng than nội, còn lại là quy hoạch dùng than nhập khẩu.