Sinh viên y phải thi lấy chứng chỉ hành nghề?
Nhiều khả năng sinh viên tốt nghiệp ĐH ngành y dù học ở trường nào, đều phải trải qua một kỳ thi sát hạch có tính chất quốc gia do Bộ Y tế chủ trì mới được hành nghề.
Sinh viên y phải thi lấy chứng chỉ hành nghề?
Nhiều khả năng sinh viên tốt nghiệp ĐH ngành y dù học ở trường nào, đều phải trải qua một kỳ thi sát hạch có tính chất quốc gia do Bộ Y tế chủ trì mới được hành nghề.
Hôm qua (24.10), Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo bàn về định hướng triển khai và lộ trình kỳ thi chung tiến tới thi chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ đa khoa.
Phải sửa luật
Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cho biết trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đề xuất sửa lại mục đích của kỳ thi. Theo đó, kỳ thi không chỉ dành cho những người tốt nghiệp ngành y đa khoa mà còn cho hầu hết đối tượng trong đội ngũ nhân lực y tế, như bác sĩ điều dưỡng, kỹ thuật viên… bởi họ thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo luật Khám bệnh, chữa bệnh. Mục đích của kỳ thi không chỉ nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế mà còn xác định được chuẩn năng lực nghề nghiệp tối thiểu của cán bộ muốn tham gia hệ thống y tế và đảm bảo được tính công bằng, độc lập, khách quan trong đánh giá.
Cũng theo ông Lợi, nhiều ý kiến hoàn toàn đồng ý việc nhân lực muốn tham gia hoạt động chuyên môn trong ngành y phải qua kỳ thi quốc gia thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, muốn có cơ sở pháp lý cho kỳ thi và chứng chỉ được cấp thì cần sửa luật Khám bệnh, chữa bệnh. “Việc tổ chức kỳ thi như thế nào thì các đại biểu đều đề xuất là do Bộ Y tế chủ trì và phối hợp với các bộ ngành liên quan”, ông Lợi nói.
TIN LIÊN QUAN
Sẽ có thay đổi trong đào tạo bác sĩ
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đào tạo y khoa của VN sắp tới sẽ thay đổi để vừa phù hợp với thực tế xã hội VN vừa phải tuân theo quy luật đào tạo y khoa thế giới.
Hai phương án tổ chức
Theo ông Lợi, một vấn đề cũng có nhiều ý kiến thảo luận là thời điểm thi và cấp chứng chỉ.
Theo luật hiện hành, bác sĩ sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề sau khi đã tốt nghiệp và trải qua thời gian hành nghề 18 tháng. Còn giờ đây, khi đặt ra kỳ thi quốc gia thì cấp chứng chỉ vào thời điểm nào rất quan trọng.
Ông Nguyễn Dũng Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, cho biết có nhiều ý kiến đề nghị sẽ tổ chức thi ngay sau khi sinh viên (SV) vừa tốt nghiệp ĐH y xong. “Nếu thi vào thời điểm SV đã trải qua giai đoạn thực hành 18 tháng thì sẽ có các tình huống: Thứ nhất, sau 18 tháng, được cấp chứng chỉ nghề, học chuyên khoa 3 năm nữa, như vậy mất 4,5 năm mới được xong chuyên khoa. Nghĩa là để thành một bác sĩ chuyên khoa, cần 6 + 4,5 năm, quá vất vả. Thứ hai, nếu sắp tới áp khung đào tạo bác sĩ chuyên khoa theo mô hình 6 + 3 thì giai đoạn 18 tháng thành lơ lửng vì không biết xếp vào đâu! Vì thế đề nghị kỳ thi tổ chức ngay sau khi SV tốt nghiệp”, ông Dũng nói.
TIN LIÊN QUAN
Điểm chuẩn các trường y dược giữ vững ‘ngôi vua’
Điểm chuẩn các trường y dược và khoa học sức khỏe phía Bắc đều ở mức độ từ khá cao đến rất cao, đặc biệt là với ngành y đa khoa.
Hiện có 2 phương án. Phương án 1: SV sau khi học hết 6 năm sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành khoá học (khi chưa có bằng), sau khi thi chứng chỉ, nhà trường sẽ dựa vào đó cấp bằng tốt nghiệp. Phương án 2: Sau khi tốt nghiệp xong (nhà trường cấp), SV phải thi kỳ thi chứng chỉ quốc gia để được phép thi vào chuyên khoa.
Trước đề xuất này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, lưu ý theo luật Giáo dục ĐH thì SV tốt nghiệp ĐH là phải có bằng. Ngoài ra, việc Bộ Y tế tổ chức kỳ thi này không chỉ giải tỏa bức xúc về chất lượng của người hành nghề y mà còn giúp các cơ sở y tế trong cả nước đối mặt với văn bằng quốc tế. Hiện nay bằng ĐH y của quốc tế có rất nhiều loại nhưng mình không có quyền đánh giá lại bằng của họ. Vì thế kỳ thi hay ở chỗ cứ việc đào tạo, cứ việc cấp bằng nhưng bằng có chất lượng không, có được hành nghề không lại là chuyện khác.
“Nếu còn dạy như hiện nay, tỷ lệ trượt không nhỏ”
Theo ông Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chính phủ, Hội đồng đổi mới giáo dục quốc gia nghiên cứu rất nhiều về khung cơ cấu, khung trình độ quốc gia, trong đó đề cập vấn đề đào tạo đặc thù của ngành y. Theo đó, trong đào tạo lĩnh vực này, nhà nước sẽ chấp nhận có 2 hệ thống năng lực riêng biệt: nghiên cứu (thạc sĩ, tiến sĩ) và khám chữa bệnh (chuyên khoa 1, chuyên khoa 2). Vì vậy, sắp tới nhà nước sẽ công nhận hệ thống bằng cấp do Bộ Y tế cấp (khám chữa bệnh) là bằng cấp quốc gia.
Bộ Y tế đề nghị tất cả SV tốt nghiệp ngành y phải trải qua một kỳ sát hạch, căn cứ vào kết quả này người dự thi mới được cấp chứng chỉ hành nghề hay không. Theo ông Cường, đây sẽ là một kỳ thi độc lập, không do các trường đào tạo ngành y tự tổ chức thi, tự chấm điểm. Ông Cường cảnh báo: “Nếu còn dạy như hiện nay, tỷ lệ trượt không nhỏ”.
|
Quý Hiên