24/12/2024

‘Ông lớn’ đuối sức

Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy vẫn còn 14 “ông lớn” lỗ luỹ kế với số tiền 6.165 tỉ đồng.

 

‘Ông lớn’ đuối sức

Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy vẫn còn 14 “ông lớn” lỗ luỹ kế với số tiền 6.165 tỉ đồng.

 


Báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015, Chính phủ cho hay trong năm qua, lợi nhuận giảm mạnh tới 11%, trong đó doanh thu lẫn lợi nhuận của khối 7 tập đoàn lớn nhất đều đi xuống.
Theo đó, kết thúc năm tài chính 2015, có 652 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tổng tài sản là hơn 3 triệu tỉ đồng, tăng 1% so với năm ngoái. Trong đó khối các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), công ty mẹ – con có tổng tài sản là 2,8 triệu tỉ đồng, chiếm 93%.
Mặc dù vốn chủ sở hữu của 652 DN này là 1,376 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2014 nhưng tổng doanh thu năm qua không tăng so với năm liền trước khi dừng ở mức 1,588 triệu tỉ đồng. Trong đó, khối 7 TĐ (chiếm 60% tổng doanh thu) lại giảm 3% khi chỉ đạt 960.795 tỉ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của các DN lại giảm mạnh đến 11% khi chỉ lãi 161.431 tỉ đồng. Giảm mạnh nhất cũng là 7 TĐ khi chỉ đạt 101.435 tỉ đồng, kém 20% so với thực hiện năm 2014. Đáng kể nhất là dầu khí khi số liệu báo cáo tài chính hợp nhất chỉ ra rằng tổng doanh thu giảm 19%, lợi nhuận trước thuế giảm 34% khiến cho nộp ngân sách cũng sụt 30%.
14 “ông lớn” lỗ hơn 6.000 tỉ đồng
Đáng chú ý, báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy vẫn còn 14 “ông lớn” lỗ lũy kếvới số tiền 6.165 tỉ đồng. Đứng đầu tiếp tục là TCT hàng hải VN (3.346 tỉ đồng); TCT lương thực Miền Nam (1.062 tỉ đồng); TCT 15 của Bộ Quốc phòng (718 tỉ đồng); TCT cà phê VN (gần 400 tỉ đồng). Hàng loạt TCT có số lỗ trên dưới 100 tỉ như: Đầu tư phát triển đường cao tốc VN, Cơ khí xây dựng, Truyền thông đa phương tiện VTC…
Tại bản báo cáo này, Chính phủ thừa nhận, một số lĩnh vực hiệu quả hoạt động có xu hướng tăng nhưng cũng có những lĩnh vực hoạt động của DN còn gặp không ít khó khăn. Đáng lo hơn cả vẫn là với lĩnh vực dầu khí. Do giá dầu thô trung bình năm 2015 là 55 USD/thùng, bằng một nửa so với giá dầu thô dự kiến khi Quốc hội thông qua dự toán năm 2015, gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của TĐ dầu khí quốc gia VN và ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.
Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông sản, các mặt hàng nông sản có sản lượng xuất khẩu lớn gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt từ các thị trường châu Á, châu Phi và giá xuất khẩu nông sản chủ yếu (gạo, cà phê, cao su) giảm mạnh nên ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các TĐ, TCT hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đó, TCT lương thực Miền Nam bước đầu đã ngăn chặn được đà thua lỗ nhưng vẫn còn lỗ lũy kế hơn 959 tỉ đồng. TCT lương thực Miền Bắc chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách đều giảm so với năm 2014. Trong khi đó, DNNN độc lập thuộc địa phương hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đều gặp nhiều khó khăn, thua lỗ. Đối với các DN thường xuyên làm nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hiệu quả hoạt động chưa cao do doanh thu phụ thuộc nhiều vào giá dịch vụ do nhà nước quy định và nguồn kinh phí của nhà nước được sử dụng để mua sản phẩm, dịch vụ công ích.
Nợ khó đòi tăng cao
Điều đáng nói là, cả lợi nhuận và doanh thu không tăng nhưng nợ phải trả năm qua lại cao hơn (1%) so với năm trước đó. Báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT cho biết tổng số nợ phải trả năm 2015 là 1,548 triệu tỉ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần song có tới 25 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vượt quy định (tức lớn hơn 3 lần). Đơn cử như TCT phát thanh truyền hình thông tin lên đến 32,84 lần, TCT xăng dầu quân đội 17,13 lần; TCT 36 là 15,41 lần…
Báo cáo của Chính phủ lo ngại, việc một số TĐ kinh tế, TCT nhà nước huy động vốn lớn, vượt quá mức khống chế theo quy định (không quá 3 lần vốn chủ sở hữu) dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến an toàn tài chính của DN.
Bên cạnh đó, nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các TĐ, TCT cũng tăng 3% so với năm trước với gần 356.000 tỉ đồng. Một số TĐ, TCT có số nợ vay từ các ngân hàng tương đối lớn như: TĐ điện lực VN (134.000 tỉ đồng); TĐ than khoáng sản (42.743 tỉ đồng); TĐ hóa chất VN (30.000 tỉ đồng); TĐ viễn thông quân đội (16.313 tỉ đồng).
Mặc dù số phải đi vay để đầu tư với số lượng lớn nhưng ở chiều ngược lại, số nợ phải thu, nhất là nợ khó đòi của 652 DN này ngày càng có xu hướng tăng cao. Báo cáo thể hiện tổng các khoản phải thu là 338.327 tỉ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2014. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 16.715 tỉ đồng, tăng 11% so với năm trước đó, chiếm 4,9% tổng số nợ phải thu. Điều đáng chú ý là số nợ khó đòi phần lớn rơi vào các “ông lớn”. Như TĐ dầu khí VN có gần 6.800 tỉ đồng “nợ xấu”. Con số này của TĐ bưu chính viễn thông VN là 1.455 tỉ đồng. TĐ viễn thông quân đội cũng xấp xỉ 1.000 tỉ.
Đặc biệt, nhiều công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao trên 50% như: TCT lắp máy VN nợ phải thu 6.113 tỉ đồng, bằng 57%; Công ty mẹ – TCT Đông Bắc nợ phải thu 5.783 tỉ đồng, bằng 75%. Gánh nặng thu nợ nhiều nhất là khối các DN ngành xây dựng cơ bản. Điển hình như TCT 36, TCT xây dựng Lũng Lô, TCT xây dựng Thái Sơn, TCT xây dựng Trường Sơn đều có nợ của riêng công ty mẹ ở mức nghìn tỉ đồng.


Chí Hiếu