24/12/2024

Định hướng đối ngoại của Philippines: Có đồng đẳng mới bình đẳng

Định hướng đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, vừa được tuyên xưng ở Bắc Kinh, là chọn lựa tối hậu của nhà lãnh đạo đất nước đông dân hàng thứ nhì ASEAN.

 

Định hướng đối ngoại của Philippines: Có đồng đẳng mới bình đẳng

Định hướng đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, vừa được tuyên xưng ở Bắc Kinh, là chọn lựa tối hậu của nhà lãnh đạo đất nước đông dân hàng thứ nhì ASEAN.

 

 

 

 

Định hướng đối ngoại của Philippines: Có đồng đẳng mới bình đẳng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Duterte tại lễ đón ngày 20-10 – Ảnh: REUTERS

Đoàn doanh nhân hùng hậu tháp tùng cùng 9 tỉ USD tín dụng lãi suất “mềm” trên tổng số 13,5 tỉ USD thỏa thuận hợp tác nhận được từ Bắc Kinh có thể là một minh chứng cho tính hữu lý, về mặt vật chất, của chọn lựa đối ngoại này của ông Duterte.

Còn về mặt tinh thần, thì đây chính là khởi đầu cho một mối quan hệ “anh em” với Trung Quốc, và xa hơn nữa là một quan hệ đồng minh tay ba với cả Nga, như ông phát biểu trước giới kinh doanh Trung Quốc:

“Nước Mỹ đã thua rồi. Tôi đã đặt mình trong luồng tư tưởng của các bạn… Và có lẽ tôi cũng sẽ đi đến Nga để nói chuyện với ông Putin và nói với ông ấy rằng nay đã có bộ ba chúng ta chống lại thế giới: Trung Quốc, Philippines và Nga. Đó là cách duy nhất”.

Ông Duterte có lý khi tuyên xưng “Tôi đã đặt mình trong luồng tư tưởng của các bạn”: Bắc Kinh là siêu cường duy nhất đồng cảm với chiến dịch bài trừ tội phạm ma túy ở Philippines, chứ không lên án như Mỹ, EU và cả Liên Hiệp Quốc – cái “thế giới” mà ông nay muốn liên kết với Bắc Kinh cùng Matxcơva để “chống”. Quả là “đồng dạng tương lân”!

Chọn lựa của ông Duterte là “thiêng liêng” cũng như nền độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước ông kể từ sau khi ra khỏi ách của Mỹ. Đồng dạng kết thân là chuyện đương nhiên. Song liệu có đồng đẳng để được bình đẳng lại là một điều không hề đương nhiên.

Đây chính là thực tế mà ông Duterte đã trải nghiệm hơn ai hết để rồi nguyền rủa qua chiêm nghiệm quan hệ đồng minh giữa đất nước ông với Mỹ.

Quả thật ông Duterte đã rất hiểu thế nào là bất đồng đẳng trong quan hệ với Mỹ để buông ra nhận xét chua chát: “Philippines không phải là một thằng nhóc da màu của Mỹ”, “đừng đối xử với chúng tôi như một tấm thảm chùi chân”, và rồi quả quyết mình “không phải là con rối của Mỹ”!

Ông Duterte nay mới lần đầu quen biết Trung Quốc, nên có lẽ ông cần tham khảo người bạn thâm giao nhất thế giới của mấy thế hệ lãnh đạo liên tiếp ở Trung Quốc, suốt từ ông Mao, ông Chu, ông Đặng… đến ông Tập hiện nay, là ông Henry Kissinger, người đã mở đường cho Trung Quốc hiện đại hóa.

Người có số lần (được mời) sang thăm Bắc Kinh hầu như bằng số tuổi thượng thọ của ông ấy, đã mô tả rất rõ quan hệ là gì đối với Trung Quốc:

“Trong mọi quan niệm về trật tự thế giới, quan niệm của Trung Quốc là lâu dài nhất, xác định rõ rệt nhất… từ thời cổ đại… cho đến thời cách mạng cộng sản, rồi thời đại cường quốc hiện đại ngày nay…

Trong cái nhìn đó, trật tự thế giới phản ánh một tôn ti trật tự toàn cầu, chứ không phải một thế cân bằng giữa các quốc gia cạnh tranh.

Mọi xã hội đã từng biết (trong lịch sử chung với Trung Quốc – NV) đều được xem như là một mối quan hệ triều cống với Trung Quốc, dựa trên một sự tương đồng văn hóa với Trung Quốc; không một xã hội nào có thể đạt đến sự bình đẳng với Trung Quốc…

Truyền thống mà nói, Trung Quốc tìm cách thống trị về mặt tâm lý bằng các thành tựu của mình và bằng cách cư xử của mình – đôi khi kèm theo một vài cuộc chinh phạt quân sự để “dạy dỗ” bọn man di lễ độ” (Henry Kissinger, On China, 
tr. 213, 214, 215).

Cựu cố vấn an ninh quốc gia kiêm ngoại trưởng Mỹ, mới hôm 18-10 vẫn còn lên lớp giảng trực tuyến về quan hệ với Trung Quốc nhân một sự kiện do Uỷ ban quan hệ Mỹ – Trung tổ chức, chắc không viết sai đâu!

Ông Duterte “nói lại cho rõ” quan hệ với Mỹ

Phát biểu trong cuộc họp báo được tổ chức ngay tại sân bay quốc tế Davao ở thành phố Davao sau khi trở lại Philippines từ chuyến công du bốn ngày tới Trung Quốc, ông Duterte đã “nói lại cho rõ” ý của ông trong việc tuyên bố “ly khai” với Mỹ.

Ông khẳng định không muốn cắt quan hệ với Mỹ mà chỉ muốn theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập hơn khi tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc.

“Đó không phải là sự cắt đứt các mối quan hệ. Khi anh nói cắt đứt quan hệ, tức là anh cắt đứt các quan hệ ngoại giao. Tôi không thể làm như vậy” – ông Duterte nói. Tổng thống Philippines cũng khẳng định việc duy trì quan hệ với Mỹ là 
lợi ích tốt nhất với người dân nước ông.

Trước đó ngày 20-10, phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và Philippines tại một diễn đàn ở Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc, ông Duterte hùng hồn tuyên bố Mỹ “giờ đã thất bại” và ông đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với một đồng minh thương mại mới là Trung Quốc.

Làm rõ lại những quan điểm đã nêu đó, ông Duterte nói rằng ý của ông là chính sách ngoại giao của Manila không phải lúc nào cũng nhất nhất trùng khít 
với Washington.

Ông nói: “Về chuyện tách ra, ý tôi thực sự muốn nói là sự tách biệt về chính sách ngoại giao. Trong quá khứ cũng như cho tới khi tôi trở thành tổng thống, chúng ta vẫn đã luôn làm theo những gì mà nước Mỹ chỉ dẫn”.

Người phát ngôn của Tổng thống Duterte, ông Ernesto Abella, cho biết tổng thống đã nói lại cho rõ ý đồ của ông trong việc muốn hoạch định và thực thi một chính sách ngoại giao độc lập hơn.

Theo đó, trong thông báo đưa ra, ông Abella nói rằng ông Duterte muốn “đưa đất nước thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ và phương Tây, tái cân bằng lại các quan hệ kinh tế và quân sự với các nước châu Á” như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cũng theo tổng thống Philippines, ông không quan tâm tới chuyện Mỹ hay Liên minh châu Âu sẽ cắt bỏ các khoản tài trợ nước ngoài trị giá hàng trăm triệu USD cho Philippines chỉ vì những quan ngại liên quan tới vấn đề xâm phạm nhân quyền trong chiến dịch tiêu diệt tội phạm của ông.

Trong cuộc họp báo ngày 22-10, ông Duterte không ngại xổ ra cả một tràng những chỉ trích, thậm chí văng tục, chửi bới trước những dư luận lên án chính sách diệt tội phạm của ông từ Mỹ hay châu Âu.

Sau những tuyên bố của ông Duterte tại cuộc họp báo ở Davao, Nhà Trắng đã có phản hồi nhanh chóng, hoan nghênh sự thay đổi đã rõ ràng hơn trong phát ngôn của nhà lãnh đạo Philippines.

Trong khi đó ngày 21-10, hàng trăm người biểu tình cánh tả đã tổ chức một cuộc tuần hành phản đối tại thủ đô Manila của Philippines, họ đốt cờ Mỹ, yêu cầu chấm dứt các thỏa thuận quân sự với Mỹ.

ĐỖ DƯƠNG

Ngỡ ngàng

Bất chấp những điều nói qua rồi nói lại của Tổng thống Duterte, chiến lược “xoay trục” của ông vẫn không khỏi khiến dư luận quốc tế ngỡ ngàng. Tờ The Economist nhận định:

“Chỉ trong một năm đã xảy ra những biến cố đảo ngược mà ít ai có thể hình dung được. Trong tháng 7 Trung Quốc giận dữ phản ứng khi Tòa trọng tài thường trực đứng về phía Philippines, bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tuần này họ trải thảm đỏ để đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ông ấy được tôn vinh trong chuyến thăm cấp nhà nước bốn ngày cùng một đoàn tháp tùng khoảng 400 doanh nghiệp. Hãy dụi mắt mà xem: đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại Đông Nam Á rõ ràng giống như một quả xoài chín đang chuẩn bị rơi vào tay Trung Quốc”.

Còn trong ấn phẩm ra ngày 21-10, tạp chí Ang Bayan, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Philippines (CPP), cảnh báo ông Rodrigo Duterte cần phải cảnh giác với mưu đồ và tham vọng đế quốc của Trung Quốc.

CPP một mặt hoan nghênh mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc như một động thái tích cực giúp Philippines thoát khỏi lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ, tuy nhiên đảng này cũng nhắc nhở ông Duterte về trách nhiệm phải bảo vệ những lợi ích cốt lõi của người dân Philippines, không để các doanh nghiệp Trung Quốc lạm dụng lao động, tài nguyên của nước này trong các ngành công nghiệp cơ bản cũng như nông nghiệp.

ĐỖ DƯƠNG

DANH ĐỨC