25/12/2024

Ấn Độ, Đài Loan nâng cấp tên lửa siêu thanh

Ấn Độ và Đài Loan được cho là đang nỗ lực nâng tầm bắn các loại tên lửa siêu thanh chủ lực để ứng phó những biến động an ninh trong khu vực.

 

Ấn Độ, Đài Loan nâng cấp tên lửa siêu thanh

Ấn Độ và Đài Loan được cho là đang nỗ lực nâng tầm bắn các loại tên lửa siêu thanh chủ lực để ứng phó những biến động an ninh trong khu vực.





Năng lực tác chiến của Ấn Độ cải thiện đáng kể nhờ tên lửa BrahMos	 /// AFP

Năng lực tác chiến của Ấn Độ cải thiện đáng kể nhờ tên lửa BrahMosAFP

Lâu nay, các loại tên lửa siêu thanh Hùng Phong III và BrahMos được đánh giá là những mũi nhọn chủ lực trong kho vũ khí của Đài Loan và Ấn Độ. Cả hai đều có tốc độ gấp nhiều lần vận tốc âm thanh, khả năng đánh phá vượt trội và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Hùng Phong III và BrahMos đều mắc điểm yếu là tầm bắn còn hạn chế, một phần do nhu cầu chiến lược vào thời điểm phát triển tên lửa chưa đòi hỏi tầm bắn xa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc cấp tập phát triển năng lực tấn công chính xác phục vụ mục tiêu trở thành thế lực áp đảo trong khu vực, cả Đài Bắc lẫn New Delhi đều phải tính đến nâng tầm cho “lưỡi giáo” của mình.
Theo chuyên san The National Interest, các loại vũ khí như tên lửa hành trình YJ-12 hay dòng tên lửa Đông Phong (DF) của Trung Quốc có thể gây thách thức lớn trong trường hợp xảy ra đụng độ tại eo biển Đài Loan hoặc các biến cố khác liên quan đến Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Á.
Điều chỉnh chiến lược
The National Interest dẫn các nguồn tin cấp cao từ Đài Loan tiết lộ vùng lãnh thổ này đang nhắm đến sản xuất 10 – 60 tên lửa Hùng Phong III thế hệ mới có tầm bắn gấp đôi hiện nay.
Theo truyền thông Đài Loan, hiện có ít nhất 2 dự án nâng cấp mang tên Thần Qua và Bàn Long đang được triển khai với giai đoạn thử nghiệm dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa năm 2017. Mục tiêu đặt ra là đưa vào sản xuất hàng loạt để triển khai trên tàu chiến lẫn các cơ sở quân sự đặt tại dãy núi xung quanh thủ phủ Đài Bắc với phạm vi hỏa lực bao phủ toàn bộ eo biển Đài Loan, thậm chí vươn được đến đại lục. Lâu nay, Đài Loan vẫn giữ kín thông tin về đặc điểm của Hùng Phong III và theo các nguồn tin quân sự, đời tên lửa hiện nay được cho là có tầm bắn tối thiểu khoảng 150 km, tốc độ trung bình tầm Mach 2,5 – 3.
Theo The National Interest, dưới thời lãnh đạo Mã Anh Cửu, những ý tưởng về nâng cấp Hùng Phong III đều bị đình trệ vì chính quyền theo đuổi chính sách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi lãnh đạo Thái Anh Văn lên cầm quyền cộng thêm những động thái chính sách ngày càng khiến khu vực lo ngại của Trung Quốc. Từ cuối tháng 8, truyền thông Đài Loan còn đưa tin Viện Nghiên cứu khoa học Trung Sơn chuẩn bị trình dự án triển khai một thế hệ mới của tên lửa Hùng Phong III và tất cả chỉ còn chờ cái gật đầu của bà Thái.
Ấn Độ, Đài Loan nâng cấp tên lửa siêu thanh

Tên lửa Hùng Phong III của Đài LoanẢNH: REUTERS

Mặt khác, Mỹ trước nay vẫn tỏ ra ít nhiều lo ngại về chương trình tên lửa của Đài Loan. Theo các quan chức Washington, việc Đài Bắc theo đuổi các vũ khí “mang tính tấn công” có thể khiến căng thẳng dâng cao và phá vỡ cân bằng chiến lược trong khu vực. Tuy nhiên, The National Interest chỉ ra rằng gần đây Mỹ không còn tỏ ra phản đối mạnh việc Đài Loan tăng cường vũ trang. Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi trong chiến lược của Washington để phù hợp với tình trạng biến động an ninh trong khu vực.
Ấn Độ nâng tầm bắn BrahMos
Cùng với Đài Loan, Ấn Độ cũng đã lên kế hoạch nâng cấp gấp đôi tầm bắn của tên lửa BrahMos, sản phẩm do nước này cùng phát triển với Nga. Hồi giữa tuần, tờ The Economic Times dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết Nga đã đồng ý tiếp tục hỗ trợ đối tác phát triển thế hệ mới của tên lửa BrahMos với tầm bắn trên 600 km, qua đó cải thiện đáng kể khả năng răn đe của quốc gia Nam Á. Giới chức quốc phòng Ấn Độ khẳng định tên lửa thế hệ mới có thể dễ dàng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ và nhắm trúng mục tiêu với độ chính xác cao.
Trong chuyến thăm 2 ngày đến Ấn Độ hồi trung tuần tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết quyết định nói trên được đưa ra sau khi New Delhi tham gia Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) hồi tháng 6. Đây là một thỏa thuận quốc tế được thiết lập vào năm 1987 để hạn chế vũ khí tên lửa và đến nay đã có 35 nước tham gia. MTCR cấm các thành viên chuyển nhượng, bán hoặc hợp tác sản xuất tên lửa có tầm bắn vượt quá 300 km với các bên nằm ngoài thỏa thuận.
Có tốc độ từ Mach 2,8 – Mach 3 và khả năng duy trì vận tốc siêu thanh trong toàn bộ quá trình bay, BrahMos dễ dàng lẩn tránh radar đối phương và rất khó bị đánh chặn. Ngoài ra, tên lửa vận hành theo nguyên tắc “phóng và quên”, tức là sau khi được phóng đi thì không cần thêm bất kỳ thao tác điều khiển nào khác mà vẫn có thể nhắm trúng mục tiêu đã định. Một đặc tính vượt trội khác là khả năng đổi hướng bất ngờ, giúp tránh radar cũng như né thoát tên lửa đánh chặn của đối phương.
Đã có sẵn những ưu điểm trên cộng thêm được nâng cấp tầm bắn, các chuyên gia đánh giá thế hệ BrahMos mới sẽ giúp Ấn Độ có khả năng thay đổi cuộc chơi trong mọi trường hợp xung đột.

 

Huỳnh Thiềm