25/12/2024

Philippines vất vả giải thích tuyên bố chia tay Mỹ

Một loạt bộ trưởng Philippines cấp tập “nói lại cho rõ” về phát biểu tách xa khỏi Mỹ của Tổng thống Rodrigo Duterte trong khi Washington đã bày tỏ lo ngại.

 

Philippines vất vả giải thích tuyên bố chia tay Mỹ

Một loạt bộ trưởng Philippines cấp tập “nói lại cho rõ” về phát biểu tách xa khỏi Mỹ của Tổng thống Rodrigo Duterte trong khi Washington đã bày tỏ lo ngại.




Tổng thống Duterte phát biểu tại Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung QuốcAFP

Tuyên bố chia tay Mỹ được ông Duterte đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc, vừa kết thúc hôm qua 21.10, đang khiến những người dưới quyền phải “vất vả ngược xuôi”.
Reuters dẫn lời ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, ngày 21.10 khẳng định Philippines sẽ không từ bỏ những hiệp ước và thoả thuận đã được thiết lập với các đồng minh ngay cả khi nước này “tách rời khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây”.
Cũng theo ông Abella, tuyên bố “tách khỏi Mỹ về quân sự, xã hội và cả kinh tế” của nhà lãnh đạo Philippines chỉ là một sự “tái khẳng định quan điểm của ông về việc xác lập chính sách ngoại giao độc lập”. “Tổng thống Duterte muốn tách đất nước khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây và tái cân bằng quan hệ kinh tế và quân sự với các nước láng giềng châu Á”, ông Abella nói.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cũng đưa ra phát biểu tương tự. Ông nhấn mạnh Philippines “chỉ muốn cải thiện tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một phía” và rằng nước này “sẽ vẫn duy trì quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ”.
Cũng trong hôm qua 21.10, Bộ trưởng Ngân sách Benjamin Diokno nêu rõ quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc không có nghĩa quan hệ giữa Philippines với các nước khác trở nên lạnh nhạt. Bộ trưởng Quy hoạch Kinh tế Ernesto Pernia và Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez thì đưa ra tuyên bố chung khẳng định: “Chúng tôi sẽ duy trì quan hệ với phương Tây, nhưng chúng tôi mong muốn hội nhập mạnh hơn với các nước láng giềng”.
Hai quan chức này nhấn mạnh Tổng thống Duterte trên thực tế “đang xoay chuyển mạnh hơn và nhanh hơn đến việc tái cân bằng kinh tế khu vực để hội nhập gần gũi hơn ở châu Á”. Chưa hết, Reuters dẫn lời bà Maria Banaag thuộc bộ phận truyền thông Văn phòng Tổng thống Philippines, ngày 21.10 vất vả kêu gọi dư luận “không vội vàng suy diễn” về các phát biểu của ông Duterte. “Chúng tôi phải chờ hướng dẫn chỉ đạo từ tổng thống hoặc Bộ Ngoại giao khi họ trở về. Chưa có gì trên giấy trắng mực đen”, bà nói.
Bất chấp những nỗ lực trấn an của giới chức Philippines, Mỹ thực sự tỏ ra bực bội và quan ngại với tuyên bố mới nhất của ông Duterte. AFP hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ: “Phát biểu của Tổng thống Philippines mâu thuẫn một cách khó hiểu với mối quan hệ rất gần gũi mà Mỹ đang thiết lập với nhân dân cũng như chính phủ Philippines trên nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ đơn thuần xét từ góc độ an ninh”.
Ông cho biết Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel sẽ đến Manila cuối tuần này để trao đổi về tình hình hợp tác song phương, bao gồm những tuyên bố của ông Duterte. Cũng theo ông Kirby, không chỉ Mỹ khó hiểu mà cả “những nước bạn bè và đối tác” của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương cũng lo ngại không biết cục diện hợp tác, chiến lược và tương quan lực lượng trong khu vực sẽ biến động như thế nào.
Mặc dù vậy, ông Kirby khẳng định Mỹ vẫn sẽ không chấm dứt cam kết trong các hiệp ước quốc phòng chung với Philippines, đồng thời hy vọng quan hệ đồng minh song phương vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển trong tương lai.
Nhật Bản nỗ lực ‘giữ chân’ Philippines
Phát biểu “chia tay” Mỹ và dấu hiệu tiến gần hơn đến Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte đang tạo ra áp lực cho Nhật Bản, một đồng minh quan trọng khác của Washington.
Theo lịch trình, ông Duterte sẽ thăm chính thức Tokyo từ ngày 25 – 27.10. Reuters dẫn lời giới quan sát và các nguồn tin chính phủ Nhật nói Thủ tướng Shinzo Abe đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là giữ ông Duterte đứng về phía nỗ lực do Mỹ và Nhật thúc đẩy nhằm đạt được các mục tiêu an ninh chung trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều biến động.
Theo nguồn tin cấp cao, chính phủ Nhật đã lên kế hoạch tiếp đón trọng thị cũng như sắp xếp các cuộc gặp kín với Tổng thống Philippines. Cụ thể, Thủ tướng Abe sẽ gặp riêng ông Duterte tại tư dinh ở Tokyo vào tối 26.10, sau cuộc hội đàm chính thức. Giới chức Nhật cho biết đây là “động thái bất thường nhằm ứng phó tình huống bất thường” của ông Abe.
Trước đó, Ngoại trưởng Fumio Kishida cũng sẽ đón tiếp Tổng thống Duterte đến dự bữa tiệc tối thân mật vào ngày 25.10. Reuters dẫn các nguồn tin cho biết phía Nhật sẽ tránh nói đến những vấn đề nhạy cảm để không gây căng thẳng và tạo không khí thuận lợi cho những chủ đề cấp thiết hơn. Trong đó, phía Tokyo sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần thượng tôn pháp luật và tự do đi lại trên biển nhưng nhiều khả năng sẽ không cố gắng can thiệp vào “cơn giận” đối với Mỹ của ông Duterte.

 

Trùng Quang