26/12/2024

Hàng loạt chợ ở ĐBSCL bỏ hoang

Không ít chủ đầu tư tự xây chợ hoặc xây khu đô thị nhưng cố đưa chợ cùng trung tâm thương mại (TTTM) vào để tăng giá bán nền. Dân không chịu, nhiều chợ bỏ hoang.

 

Hàng loạt chợ ở ĐBSCL bỏ hoang

 Không ít chủ đầu tư tự xây chợ hoặc xây khu đô thị nhưng cố đưa chợ cùng trung tâm thương mại (TTTM) vào để tăng giá bán nền. Dân không chịu, nhiều chợ bỏ hoang.

 

 

 

Hàng loạt chợ ở ĐBSCL bỏ hoang
Trung tâm thương mại Vĩnh Đông nằm ngay khu du lịch ở phường Núi Sam, TP Châu Đốc (An Giang) xây xong bỏ hoang hơn chục năm nay, khu dân cư đô thị cũng còn thưa vắng – Ảnh: Đ.VỊNH

Tình trạng này khá phổ biến nên gần đây mỗi khi địa phương yêu cầu vào chợ mới thì bà con phản ứng quyết liệt, không chịu di dời…

Xây chợ hoành tráng rồi bỏ hoang

Tại An Giang, ngay giữa khu di tích Núi Sam, TP Châu Đốc, từ năm 2004 doanh nghiệp tư nhân Như Ý đã đầu tư TTTM bề thế, rộng 4ha quy mô 710 gian hàng.

Tuy nhiên, hơn chục năm nay dù địa phương cố đưa người vào mua bán nhưng phần lớn nơi đây còn bỏ hoang.

Cơ sở vật chất sớm xuống cấp nên hoả hoạn từng thiêu rụi 22 gian hàng thiệt hại bạc tỉ. Nội ô TP Châu Đốc vẫn còn vài khu chợ thưa vắng, trong khi chợ tự phát hình thành, mua bán tràn lan.

TTTM Nam Kênh Đào thuộc xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú xây năm 2006 với gần 23ha có mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng. Nhiều năm nay đường sá làm nơi tập lái xe, phơi lúa ngổn ngang. Còn hai khu bách hóa và thực phẩm rộng 6.000m2 lún nứt nghiêm trọng, chỉ có dăm hộ bán buôn.

“Mấy lần đưa dân vào nhưng do quá ế ẩm rồi ai cũng bỏ đi” – bà Lê Thị Hạnh ở đây cho biết.

Tại Kiên Giang, nằm giữa vùng U Minh Thượng, khu TTTM Thứ Bảy rộng 110ha trông hoang tàn đến lạnh người, rác thải vương vãi khắp nơi. Bà Trịnh Thị Mui, đang giặt đồ giữa chợ, cho biết các chủ kiôt đã bỏ đi nên một số hộ nghèo thuê lại để trú tạm, hằng ngày bán vé số dạo.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, giám đốc ban quản lý khu TTTM, nói dự án này khởi công năm 2009, được kỳ vọng là chợ đầu mối lớn nhất cả vùng. Đến nay ngân sách đã đầu tư 189 tỉ đồng trong gần 600 tỉ đồng tổng dự toán, chủ yếu từ đi vay.

“Chợ ế, nền nhà bán không ai mua, nợ đầu tư chồng chất. Dù được ưu đãi không tính thêm tiền lãi, nhưng hiện dự án vẫn còn nợ 75 tỉ đồng chưa có nguồn trả” – ông Hai rầu rĩ nói.

Không thuận lợi, ép dân cũng không vào

Tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), địa phương và nhà đầu tư là Tập đoàn Sao Mai cũng đang tìm cách “đưa” hàng trăm tiểu thương ở chợ cũ thị trấn Tân Hiệp sang khu chợ mới nằm giữa khu đô thị, do Sao Mai đầu tư quy mô 10,8ha.

Ban ngày loa liên tục thông báo chợ cũ đã ngừng hoạt động, ban đêm thì… tặng dầu ăn, đường cát cho khách hàng. UBND thị trấn Tân Hiệp còn dán thông báo việc cấp tiền cho tiểu thương nếu qua chợ mới 50.000-300.000 đồng/ngày đến 31-10 nhưng nhiều hộ dứt khoát không sang chợ mới.

Người dân nói chợ cũ Tân Hiệp vốn tồn tại lâu đời. Tiểu thương cùng địa phương góp tiền của trùng tu, nâng cấp nhiều lần. Bất ngờ vào tháng 3-2015 ai nấy đều tá hỏa khi nhận được thông báo buộc họ phải di dời sang khu chợ mới cách đó khoảng 1km, giữa khu đô thị mới của Tập đoàn Sao Mai.

“Khi vận động vô chợ, cho hỗ trợ tiền điện, nước, miễn giảm thuế thì mọi người đăng ký vô. Ai dè chợ ế, sau hai tháng đành trở lại chợ cũ kiếm kế sinh nhai” – ông Nguyễn Ngọc Hiến, bán gà vịt, kể.

Ông Nguyễn Văn Đức, chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp, cho biết việc quy hoạch chợ Tân Hiệp trong khu dân cư Sao Mai đã được thực hiện từ lâu nhằm đảm bảo an toàn cháy nổ, phù hợp với xu hướng phát triển ổn định lâu dài.

Trong khi đó, người dân lại nêu nếu cần nâng cấp thì tiểu thương sẵn sàng đóng góp, họ từng nhiều lần chung tay để duy trì ngôi chợ truyền thống suốt 60 năm qua.

“Chỉ vì khu đô thị Sao Mai bán nền nhà ế ẩm mà ép tiểu thương qua đó là quá vô lý. Chúng tôi dứt khoát không qua chợ mới” – nhiều tiểu thương bày tỏ.

Chính quyền nhiều nơi có biện pháp mạnh nhưng cũng chưa thay đổi được tình hình. Tại TP Long Xuyên, sau khi Công ty TNHH Thiên Ngọc đầu tư khu chợ ở phường Mỹ Thới, địa phương cho dời các hộ mua bán ở khu vực chợ Cái Sao.

UBND TP Long Xuyên đã thông báo các hộ kinh doanh nông sản dạng bán sỉ tại chợ Long Xuyên cần di dời về chợ mới nhưng hàng trăm hộ tiểu thương không đồng tình, phản ứng quyết liệt.

“Năm ngoái bảo chúng tôi vào nhận lô, đóng tiền, ai cũng vay mượn thêm tiền làm lô sạp để bán buôn, hiện còn nợ nần. Nay lại bắt dời chợ nữa là quá vô lý” – bà Huỳnh Thu Trang, chợ Mỹ Long, kêu khổ.

Nhiều hộ khác cũng than tại chợ trung tâm TP này họ có thể kiếm sống được, còn nếu dời về Mỹ Thới sẽ gặp vô vàn khó khăn, bởi ở đấy thuộc ngoại thành, vị trí bất tiện, ít người…

Hàng loạt chợ ở ĐBSCL bỏ hoang
Trung tâm thương mại Nam Kênh Đào ở Mỹ Đức, Châu Phú (An Giang) do Công ty Afiex đầu tư từ năm 2006 với hơn 100 tỉ đồng bỏ hoang nhiều năm nay – Ảnh: Đ.VỊNH

Nên hỏi dân trước khi xây

Tại Cái Bè (Tiền Giang), chợ An Bình tuy đã xuống cấp nhưng vẫn khá đông đúc. Cách đó mấy trăm mét là chợ An Cư do tư nhân đầu tư hơn 10 tỉ đồng, đưa vào sử dụng năm 2011 với gần 50 kiôt và trên 100 quầy sạp nhưng vắng tanh.

Cả ngày chỉ có kiôt làm tóc mở cửa, còn lại trong tình trạng “then cài”. Ông Võ Thanh Hiền, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Cái Bè, công nhận tiểu thương chê vào chợ mới này là do họ đã quen với cách bán buôn truyền thống ở chợ cũ, vị trí chợ lại không thuận lợi khiến buôn bán ế ẩm.

Ông Hiền cho rằng khi làm chợ mới cần lấy ý kiến của tiểu thương trước. “Có như vậy khi đầu tư chợ mới sát với nhu cầu thực tế của tiểu thương và người dân” – ông Hiền nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Vũ Hồng, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khẳng định sẽ kiểm tra lại việc di dời chợ Tân Hiệp trước thông tin người dân không muốn di dời.

Ông Hồng nêu theo báo cáo của UBND huyện Tân Hiệp, tới giờ đã có 87% hộ tiểu thương đồng thuận di dời. Nếu như thực tế còn có lấn cấn từ người dân, ông Hồng nêu sẽ phải kiểm tra lại, tỉnh đã dự kiến lịch làm việc với huyện.

Riêng chợ Thứ Bảy, ông Hồng khẳng định sắp tới sẽ khẩn trương quy hoạch lại chợ theo đúng tâm tư, nguyện vọng bà con. “Riêng mặt bằng và hạ tầng khu chợ đã đầu tư sẽ khai thác vào mục đích khác” – ông Hồng nói.

* Ông Võ Nguyên Nam (giám đốc Sở Công thương An Giang):

Sẽ tránh xây chợ để phân lô bán nền

Việc xây dựng các chợ ở các huyện thị, TP trong tỉnh do các địa phương này quy hoạch, quyết định.

Sở có nắm về tình hình xây chợ để trống vắng, nhất là các chợ vùng nông thôn, nên vừa yêu cầu các huyện thị báo cụ thể, sau đó sẽ kiểm tra và tiến hành điều chỉnh quy hoạch lại sao cho hoạt động hiệu quả.

Tới đây An Giang sẽ hoàn chỉnh quy hoạch lại hệ thống chợ trên địa bàn cho phù hợp với mục đích xây dựng chợ để phát triển thương mại thuận lợi, tránh việc xây chợ nhằm phân lô bán nền, tránh lãng phí trong đầu tư, xây rồi bỏ trống.

* Ông Trương Minh Nhựt (giám đốc Sở Công thương Bến Tre):

Xây chợ trên nền chợ cũ

Những tiểu thương không chịu vào chợ mới có lý do họ cho rằng mức thu phí của nhà đầu tư cao. Gần đây, khi vận động được nhà đầu tư giảm mức phí thì tiểu thương đã vào chợ và buôn bán ổn định.

Riêng về yếu tố vị trí chợ không phù hợp thì những chợ được đầu tư sau này đều được xây trên nền chợ cũ.

ĐỨC VỊNH – KHOA NAM – THANH TÚ – MẬU TRƯỜNG