28/12/2024

Bầu cử Mỹ đang bị Nga “phá bĩnh”?

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 có lẽ sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ như một sự kiện “kỳ quặc” có một không hai với sự tham gia của… Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 

Bầu cử Mỹ đang bị Nga “phá bĩnh”?

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 có lẽ sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ như một sự kiện “kỳ quặc” có một không hai với sự tham gia của… Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

 

 

 

Bầu cử Mỹ đang bị Nga "phá bĩnh"?
Ứng viên Donald Trump (thứ hai từ trái sang) tham gia một sự kiện với cộng đồng người gốc Ấn Độ ở Mỹ tại TP Edison, bang New Jersey ngày 15-10. Trong những ngày này, có tin bà Hillary nghỉ ngơi vài ngày chờ đối thủ sa chân – Ảnh: Reuters

Đài CNN của Mỹ mới đây dẫn nguồn tin các quan chức chính phủ cho biết cuộc điều tra của họ ngày càng tìm được nhiều bằng chứng về việc Chính phủ Nga “phá bĩnh” cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra. Cụ thể, Washington tin rằng Matxcơva đang sử dụng các phương tiện như trang WikiLeaks để phát tán dữ liệu (đánh cắp) nhạy cảm liên quan đến các đảng phái chính trị và nhóm vận động tranh cử.

Nạn nhân mới nhất bị “vạch áo” là ông John Podesta – người đứng đầu nhóm vận động tranh cử của bà Hillary Clinton…

“Cơn bấn loạn cố tình”

Nhà Trắng đã chính thức lên tiếng cáo buộc Nga “phá hoại” cuộc bầu cử vừa cách đây hơn một tuần. Trước đó, Văn phòng Tình báo quốc gia (DNI) và Bộ An ninh nội địa Mỹ đã cảnh báo về “yếu tố Nga” sau hàng loạt vụ tấn công mạng nhắm vào các ủy ban của Đảng Dân chủ và nhiều cá nhân quan trọng như ông John Podesta, bà Hillary Clinton. Theo tạp chí Fortune, tình báo Mỹ nhận định “chỉ có các quan chức cao cấp nhất của Nga” mới phê chuẩn được hoạt động đánh cắp và phát tán thông tin dạng này, và mục đích của họ là “can thiệp vào tiến trình dân chủ của Mỹ”.

“Cuộc bầu cử không có gian lận, nó chỉ bị tấn công thôi”

Tạp chí Fortune bình luận về cáo buộc “gian lận bầu cử” của ông Donald Trump và “bàn tay can thiệp” của Nga

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Matxcơva vài ngày trước, Tổng thống Nga Putin mô tả cáo buộc của Washington là “cơn bấn loạn” với mục đích đánh lạc hướng dư luận Mỹ khỏi nội dung của thông tin bị phát tán. “Mọi người đều nói về chuyện ai là thủ phạm. Nó có thành vấn đề không? Quan trọng là những thông tin đó chứa cái gì. Nga không có lợi gì trong chuyện này cả” – ông Putin “nhẹ nhàng” bác bỏ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đồng thanh “mỉa mai” lời cáo buộc là “sự tâng bốc”, “ngớ ngẩn” và “vô căn cứ”.

Nguồn tin từ chính phủ của Đài CNN tiết lộ tình báo Mỹ vẫn đang điều tra về mức độ liên quan giữa Nga và WikiLeaks dù đã tin chắc Matxcơva không phải “đạo diễn” thì cũng là “diễn viên”. Nhưng giữa lúc này, với hàng loạt thông tin thuộc hàng “nhạy cảm” được tung lên mặt báo, các chính khách Mỹ sẽ còn mất nhiều hơi sức để bào chữa cho những gì họ từng nói nhưng lại không muốn công chúng hoặc các đối tác nước ngoài biết.

Ông Podesta, nạn nhân mới nhất, khẳng định Nga đang “âm mưu” đẩy ứng viên Donald Trump của bên Cộng hòa lên làm tổng thống. Ông Trump đáp lại: “Tôi có liên quan quái gì đến Putin đâu!”.

Tâm lý chiến

Bình luận về xìcăngđan ngoại giao mới nhất với Nga, hai nhà báo Eric Chemi và Mark Fahey của Đài CNBC (Mỹ) nhận xét “mối đe dọa Nga” về bản chất thật ra hơi khác so với những gì người Mỹ hình dung. Dẫn ý kiến của các chuyên gia an ninh mạng, ông Chemi và Fahey nhận định tổn thất do các vụ tấn công mạng gây ra chủ yếu mang yếu tố tâm lý. Trái với nỗi lo lắng của một bộ phận truyền thông, bản thân DNI và Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng nhìn nhận “cực kỳ khó” để một quốc gia khác (thậm chí là Nga) tấn công mạng và thay đổi kết quả kiểm phiếu trong hệ thống bầu cử phân cấp của Mỹ.

“Các vụ tấn công có phá huỷ được dữ liệu hay không vẫn chưa rõ, nhưng chính ý tưởng ai đó muốn xâm nhập vào hệ thống (của Mỹ) mới thật sự gây tổn hại” – ông Rahul Telang, giáo sư Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), giải thích. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần một cuộc tấn công mạng thành công, dù nhỏ, cũng đủ gieo nghi ngờ vào cử tri Mỹ về cuộc bầu cử. “Bạn cứ thử hình dung một thành phố nào đó bị tấn công để cho ra kết quả toàn là phiếu ủng hộ Trump hoặc Clinton, và thế là toàn bộ hệ thống bầu cử bị đặt dấu hỏi” – ông Kenneth Geers, cựu chuyên viên phân tích thuộc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, dẫn chứng.

Cho đến nay, các vụ tấn công mạng ở Mỹ chủ yếu là đánh cắp thông tin chứ chưa dẫn đến thay đổi dữ liệu, tuy nhiên nó cũng khiến nhiều người quan ngại. Trong một thăm dò do báo Washington Post và ABC News thực hiện hồi tháng 9, một nửa số người ủng hộ ông Donald Trump thậm chí đã nói không tin tưởng các lá phiếu sẽ được kiểm đếm chính xác. Tuần trước, Bộ trưởng An ninh nội địa Jeh Johnson cho biết 33 bang của Mỹ đã liên hệ chính phủ nhờ giúp đỡ về vấn đề bảo mật thông tin và ông đã đề xuất đưa hệ thống bầu cử của Mỹ vào danh sách hạ tầng trọng yếu.

Donald Trump: “Bầu cử bị gian lận!”

Trong khi bà Hillary Clinton đã có Nhà Trắng “đỡ đạn” về các email rò rỉ, đối thủ Donald Trump lại tỏ ra vất vả đối phó với cáo buộc tấn công tình dục của một loạt phụ nữ “bỗng đâu hiện về từ quá khứ”. Trong lần xuất hiện ngày 15-10 trước đám đông ủng hộ ở bang New Hampshire, ông Trump cáo buộc cuộc bầu cử đang có “gian lận” gây bất lợi cho ông. Đây cũng là quan điểm nhà tỉ phú đã công khai trên mạng xã hội Twitter trong những ngày qua: “Truyền thông biến chất đã gian lận cuộc bầu cử này bằng cách đăng tải cáo buộc sai trái và những lời dối trá với mục đích bầu cho Hillary xấu xí!”.

Theo kết quả thăm dò cử tri gần nhất của một số nguồn khác nhau, bà Clinton đang dẫn trước ông Trump 7-9% về tỉ lệ ủng hộ.

MINH TRUNG