28/12/2024

Tín dụng đen chiếm nhà máy

Do thiếu vốn sản xuất kinh doanh, một doanh nghiệp ở Đồng Nai đã tìm đến nguồn vốn ‘tín dụng đen’. Tưởng vớ được ‘phao cứu sinh’ nhưng sau đó doanh nghiệp tá hoả khi bị chủ nợ cưỡng đoạt luôn nhà máy.

 

Tín dụng đen chiếm nhà máy

Do thiếu vốn sản xuất kinh doanh, một doanh nghiệp ở Đồng Nai đã tìm đến nguồn vốn ‘tín dụng đen‘. Tưởng vớ được ‘phao cứu sinh’ nhưng sau đó doanh nghiệp tá hoả khi bị chủ nợ cưỡng đoạt luôn nhà máy.




Cổng Công ty Tân Thuyết đã bị tháo dỡ bảng hiệu /// Ảnh: Uyên Nghi

 

Cổng Công ty Tân Thuyết đã bị tháo dỡ bảng hiệuẢNH: UYÊN NGHI

Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Ngọc Tuyết (56 tuổi, chủ Công ty TNHH MTV Tân Thuyết, gọi tắt là Công ty Tân Thuyết, chuyên sản xuất gạch tuynel, có trụ sở tại ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), ngày 13.7.2015, bà có vay của bà T., ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu số tiền 4 tỉ đồng trong vòng 2 tháng.
“Giải ngân” 4 tỉ đồng
Tuy nhiên, bà Tuyết phải ký cam kết mượn của bà T. là 5 tỉ đồng, sau 2 tháng trả 6 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo là toàn bộ nhà máy gạch tại ấp Ông Hường, rộng 20.000 m2, trị giá hơn 30 tỉ đồng. Chưa hết, bà T. yêu cầu bà Tuyết làm thủ tục chuyển tên người đại diện pháp luật của công ty từ ông Nguyễn Ngọc Tấn (58 tuổi, giám đốc, em chồng bà Tuyết) sang ông Trần Xuân Đường (33 tuổi, em chồng bà T.) để bà hợp thức hóa hồ sơ vay ngân hàng. Cụ thể là bà T. sẽ vay ngân hàng từ 5 – 7 tỉ đồng cho bà Tuyết trong vòng 30 ngày, sau đó lấy lại số tiền cả gốc và lãi đã cho bà Tuyết vay. Còn bà Tuyết phải trả nợ vay ngân hàng, đồng thời chuyển lại tên giám đốc công ty từ ông Đường cho ông Tấn. Nhưng sau khi bà Tuyết nhận 4 tỉ đồng (chuyển tiền làm 3 đợt) và hoàn tất thủ tục sang tên giám đốc công ty, bà T. không làm hồ sơ vay ngân hàng như thỏa thuận ban đầu.
Trái lại, bà Tuyết kể: “Ngày 14.8.2015, tức là sau 30 ngày theo cam kết, bà T. không những không làm hồ sơ vay ngân hàng mà còn dùng pháp nhân Công ty Tân Thuyết ký giấy uỷ quyền cho băng giang hồ C. “Hải Phòng”, T. “Gò Vấp” vào chiếm giữ nhà máy gạch của tôi. Tại thời điểm này, gạch trong nhà máy có 4 triệu viên, trị giá khoảng 2,5 tỉ đồng. Bà T. dùng giang hồ khống chế không cho người của chúng tôi bán gạch. Ngày 2.12.2015, bà T., ông Đường và khoảng 15 người nữa đến nhà máy tôi tập hợp toàn bộ công nhân thông báo bà T. là chủ nhà máy, công nhân ai làm việc thì phải ký bản cam kết, ai không làm thì yêu cầu ra khỏi nhà máy. Ngày 20.12, bà T. cho tháo dỡ bảng tên Công ty Tân Thuyết xuống và cấu kết với Doanh nghiệp Tân Thắng Phát (có trụ sở tại Bình Dương nhưng đã ngưng hoạt động) bắt đầu tổ chức sản xuất, kinh doanh bất hợp pháp cho đến nay”.
“Kiểm soát nhà máy để thu hồi nợ”
Để tìm hiểu sự việc, PV Thanh Niên đã liên hệ với bà T. và người này cũng thừa nhận đã cho bà Tuyết vay 4 tỉ đồng, nhưng do bà Tuyết không trả nợ đúng hạn nên buộc bà phải kiểm soát nhà máy để thu hồi nợ.
“Tôi đã gọi cho bà Tuyết nhiều lần nhưng bà ấy không nghe máy, nhắn tin cũng không thấy trả lời. Tôi năm lần bảy lượt đi từ Vũng Tàu lên Đồng Nai tìm bà Tuyết như mò kim đáy bể, bà ấy có chịu gặp tôi đâu. Khi nào bà Tuyết có đủ tiền trả cho tôi 6 tỉ đồng thì tôi sẽ cho bà ấy chuộc lại nhà máy”, bà T. nói. Trả lời câu hỏi vì sao nhà máy đang tranh chấp mà vẫn tổ chức sản xuất và có sự xuất hiện của Doanh nghiệp Tân Thắng Phát, bà T. giải thích: “Tân Thắng Phát là của một ông anh trên Bình Dương. Tôi thấy máy móc để lâu bị hư hao, ông anh lại có nghề làm gạch nên tôi cho ông ấy mượn. Ông ấy chỉ ủ mấy xe đất trong đó chứ không có sản xuất gì hết. Khi cần tôi sẽ lấy lại nhà máy chứ không có bán cho ai cả”.
Trong khi đó, bà Tuyết cho hay từ tháng 2.2016 bà đã chuẩn bị tiền để trả cho bà T. và làm đơn xin trả tiền tại Công an tỉnh Đồng Nai. “Sau khi công an mời tôi và bà T. lên làm việc, tôi đồng ý trả cho bà T. 4 tỉ đồng nợ gốc, tiền lãi vay trong 3 tháng là 450 triệu đồng, tổng cộng là 4 tỉ 450 triệu đồng nhưng bà T. không chấp nhận, từ đó bà T. không hợp tác, không tạo cơ hội cho tôi trả nợ mà cưỡng đoạt luôn nhà máy của tôi”, bà Tuyết bức xúc. Từ ngày 21.4.2016, bà Tuyết đã chính thức có đơn gửi Công an tỉnh Đồng Nai tố cáo bà T. chiếm giữ trái phép nhà máy.
Tuy nhiên, đến tháng 9 vừa qua, khi chúng tôi đến nhà máy thì chứng kiến hoạt động sản xuất của “chủ mới” diễn ra hết sức nhộn nhịp. Có khoảng 30 người đang vận hành máy móc, bốc xếp từng lô gạch còn nồng mùi đất sét vừa ra lò. Một nhân viên bảo vệ chỉ cho chúng tôi người tên Đ., là quản lý nhà máy tại đây. Đ. tiết lộ: “Công ty Tân Thuyết không còn quản lý ở đây nữa mà nhà máy này tụi tui mua lại với giá 48 tỉ đồng. Mỗi ngày tụi tui sản xuất trung bình 140.000 viên gạch, giá bán bình quân từ 400 – 700 đồng/viên tùy loại và muốn mua bao nhiêu cũng có”.
Trả lời Thanh Niên, ông Võ Văn Phi – Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu – cũng bảo “đã nhận được đơn và đang chuyển qua công an xử lý”.
Có dấu hiệu “cưỡng đoạt tài sản”
Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), hai bên có hợp đồng vay mượn tiền, theo đó bà Tuyết sử dụng tài sản là nhà xưởng làm vật bảo đảm và đồng ý để bà T. thực hiện thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật.
Trong giao dịch này các bên vẫn chưa thực hiện xong quyền và nghĩa vụ cho nhau, cụ thể là bà T. vẫn chưa dùng tài sản mà bà Tuyết vừa chuyển tên để thế chấp vay vốn tại ngân hàng như đã thoả thuận và bà Tuyết cũng chưa bàn giao nhà xưởng cho bà T., thì lý ra bà T., phải làm đơn yêu cầu cơ quan thẩm quyền giải quyết.
Việc bà T. cho người thực hiện hành vi uy hiếp, đe doạ dùng vũ lực đuổi nhân viên của bà Tuyết ra khỏi nhà xưởng, mục đích là buộc người của bà Tuyết phải bàn giao tài sản là nhà máy gạch, có dấu hiệu phạm tội “cưỡng đoạt tài sản” quy định tại điều 135 bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.


 

Đức Nguyễn – Uyên Nghi