Liên Triều thống nhất chương trình thượng đỉnh
Gần như hoàn thành các bước chuẩn bị cuối cùng cho cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong tuần này tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nhưng hai miền Triều Tiên đến nay vẫn lấn cấn vấn đề giải trừ hạt nhân.
Liên Triều thống nhất chương trình thượng đỉnh
Gần như hoàn thành các bước chuẩn bị cuối cùng cho cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong tuần này tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nhưng hai miền Triều Tiên đến nay vẫn lấn cấn vấn đề giải trừ hạt nhân.
Người phát ngôn Phủ tổng thống Hàn Quốc Kwun Hyuk Ki ngày 24-4 thông báo hai bên đã thống nhất tất cả chi tiết của cuộc gặp lịch sử.
“Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành ba vòng đàm phán cấp chuyên viên về nghi thức lễ tân, các biện pháp an ninh và việc đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 27-4” – Hãng tin Yonhap dẫn lời người phát ngôn Kwun, cho biết hai bên sẽ tập dượt lần cuối vào ngày 25-4.
Sẵn sàng
Theo chương trình dự kiến, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ có cuộc họp vào sáng 27-4. Dự kiến ông Kim bước qua đường phân định ranh giới quân sự sang phía Hàn Quốc, trong khi ông Moon sẽ đón nhà lãnh đạo Triều Tiên ngay trước đường phân định ranh giới làm bằng bêtông này. Nhiều khả năng ông Kim sẽ đi bộ qua biên giới. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 sẽ được truyền hình trực tiếp.
Các chi tiết như khi nào hai nhà lãnh đạo sẽ bắt tay lần đầu tiên, lối đi dành cho ông Kim bước qua biên giới… cũng được tính toán cẩn thận. Đặc phái viên đàm phán hạt nhân cấp cao của Hàn Quốc Lee Do Hoon nhận định khoảng thời gian vài tháng tới sẽ “rất quan trọng” trong việc đặt nền tảng phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. “Hội nghị thượng đỉnh liên Triều chỉ còn vài ngày, chúng ta sẽ có nhiều thứ để đàm phán” – ông Lee nói và khẳng định Hàn Quốc sẽ tham vấn với Mỹ, nước cũng có cuộc họp thượng đỉnh với Bình Nhưỡng sau đó.
Bên trong Phòng Hoà Bình nơi sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh liên Triều ở làng Bàn Môn Điếm – Ảnh: REUTERS
Lấn cấn giải trừ hạt nhân
Vấn đề hạt nhân cũng sẽ là trọng điểm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim. Victor Cha, cựu quan chức Nhà Trắng, cho rằng Washington và Bình Nhưỡng ít nhất thống nhất được tuyên bố về hòa bình và phi hạt nhân. “Càng đến gần hội nghị, mọi người sẽ nhận ra không ai muốn hội nghị thất bại. Cả thế giới sẽ theo dõi hội nghị, do đó tổng thống Mỹ cũng không thích thất bại” – ông Cha nhận định.
Tuy nhiên, đến nay các kỳ vọng của ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên về vấn đề hạt nhân vẫn còn cách biệt. Cuối tuần qua, tổng thống Mỹ vội vàng ăn mừng trên Twitter rằng Bình Nhưỡng “đã đồng ý giải trừ hạt nhân”. Bộ trưởng quốc phòng James Mattis cũng chia sẻ: “Có nhiều lý do để lạc quan rằng các cuộc đàm phán sẽ thành công”.
Nhưng thực tế nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa từng nhắc đến việc xoá sổ kho hạt nhân. Thông báo của Bình Nhưỡng nói rõ nước này sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, bởi việc này không còn cần thiết khi Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc xây dựng lá chắn hạt nhân. Thậm chí ông Kim gọi chương trình hạt nhân của nước này là một thành công, góp phần xoa dịu căng thẳng và xây dựng hoà bình trên bán đảo Triều Tiên…
Vậy liệu có khả năng Triều Tiên sẽ chấp nhận từ bỏ hạt nhân? Wall Street Journal đưa tin Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ chấp nhận giải trừ “theo giai đoạn”, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ muốn một sự nhượng bộ lớn hơn. Ông Trump dự kiến nói tại cuộc gặp rằng Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đến khi Triều Tiên “có hành động cụ thể” nhằm phi hạt nhân hoá.
Vẫn duy trì bãi thử hạt nhân
Trang mạng 38 North của Mỹ chuyên theo dõi Triều Tiên mới đây đưa tin bãi thử hạt nhân của Triều Tiên ở đông bắc Punggye-ri vẫn “sẵn sàng để hoạt động đầy đủ”, dù các hoạt động đã được hạn chế từ tháng trước. “Điều đó có nghĩa hoặc các đường hầm đã được hoàn tất và sẵn sàng cho các vụ thử mới trong tương lai, hoặc đây chỉ đơn giản là việc giảm tiến độ để phục vụ các thay đổi chính trị đang diễn ra hiện nay” – trang này đặt vấn đề.