23/12/2024

Mối đe doạ ‘bom bay’ của IS

Cuộc chiến thiết bị bay không người lái bước sang một chương mới sau khi Lầu Năm Góc phát hiện IS nỗ lực biến những thiết bị thương mại rẻ tiền thành “bom bay”.

 

Mối đe doạ ‘bom bay’ của IS

Cuộc chiến thiết bị bay không người lái bước sang một chương mới sau khi Lầu Năm Góc phát hiện IS nỗ lực biến những thiết bị thương mại rẻ tiền thành “bom bay”.




Một thiết bị bay của IS bị vô hiệu hóa  /// Defense Tech

Một thiết bị bay của IS bị vô hiệu hóaDEFENSE TECH

Cách đây một tuần, các lực lượng vũ trang người Kurd chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại miền bắc Iraq đã bắn hạ một thiết bị bay không người lái có kích thước cỡ một mô hình máy bay thu nhỏ. Họ cho rằng đây là một trong hàng chục thiết bị trinh sát được tổ chức khủng bố tung ra nhằm theo dõi nhất cử nhất động của địch thủ tại khu vực, vì thế nó được mang về căn cứ để giám định. Tuy nhiên, thiết bị bay này đã phát nổ trong lúc các tay súng rã nó, khiến họ thiệt mạng. Theo tờ The New York Times dẫn nguồn thạo tin, đây được xem là lần đầu tiên IS dùng thiết bị bay nhồi chất nổ tiêu diệt thành công lực lượng đối địch trên chiến trường.
Lúng túng trong ứng phó
Hồi tháng trước, IS đã tấn công bằng “bom bay” tự tạo ít nhất 2 lần, buộc các chỉ huy Mỹ tại Iraq nhanh chóng phát lệnh cảnh báo cho các lực lượng chống khủng bố tại quốc gia vùng Vịnh cần cẩn trọng trước mọi dạng máy bay mô hình mà họ tìm được. Dạo gần đây IS đã bắt đầu tung thiết bị bay cỡ nhỏ trên chiến trường, nhưng các vụ tấn công kiểu mới nhằm vào binh sĩ Iraq cho thấy tổ chức này đã thành công trong việc áp dụng công nghệ phổ biến thành vũ khí huỷ diệt. Các cố vấn Mỹ nhận định rằng bước kế tiếp IS sẽ sử dụng những thiết bị bay không người lái để tấn công liên quân trong trận chiến giằng co tại TP.Mosul.
Đối với một số nhà phân tích quân sự và chuyên gia về thiết bị bay không người lái, diễn biến tại chiến trường Iraq đã xác nhận quan điểm của họ: Lầu Năm Góc hiện vẫn chưa tìm ra cách xử lý “bom bay” và phản ứng khá chậm chạp trước thực tế bọn khủng bố có thể biến thiết bị bay thành vũ khí sát thương. Tờ The New York Times dẫn lời giới chức quân sự cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ đã dồn nguồn lực đáng kể để ngăn chặn thiết bị bay của kẻ thù trên chiến trường, nhưng không có nhiều đơn vị vũ trang người Kurd và Iraq được cung cấp những thiết bị phức tạp để xử lý chúng. Mùa hè năm nay, Bộ Quốc phòng đã đề nghị quốc hội chi bổ sung 20 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu các biện pháp vô hiệu hoá “bom bay”.
Trong những tháng gần đây, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục Tình báo quốc phòng (DIA) đều đẩy nhanh tiến độ đánh giá nguy cơ từ hoạt động sử dụng thiết bị bay của IS. Bộ trưởng Lục quân Eric Fanning vừa thành lập một văn phòng đặc biệt chuyên xử lý các vấn đề có liên quan đến việc vũ khí hóa thiết bị bay không người lái. Không giống như quân đội Mỹ chuyên dùng các máy bay không người lái cỡ dòng phi cơ thương mại, có nghĩa là cần đường băng cất và hạ cánh, IS sử dụng phiên bản đơn giản hơn và dễ mua bán như DJI Phantom, loại chỉ cần đặt hàng qua trang mua sắm Amazon. Sau khi mua, IS cài các thiết bị nổ tự tạo vào máy bay, biến chúng thành “bom bay” kích nổ từ xa.
Mối đe dọa 'bom bay' của IS 1

Thiết bị bay đánh bom do IS triển khaiẢNH: QUORA

Sẽ còn nguy hiểm hơn
Trong số 3 vụ tấn công bằng thiết bị bay ở Iraq, chỉ có một vụ gây thương vong vào ngày 2.10. “Thiết bị nổ bên trong được nguỵ trang thành pin. Chỉ có một lượng rất nhỏ chất nổ nhưng vẫn đủ sức lấy mạng 2 binh sĩ Kurd”, theo một quan chức cấp cao của Mỹ. Hồi tuần trước, IS dùng thiết bị bay nhồi chất nổ tấn công một trạm kiểm soát. Không ai thiệt mạng nhưng tòa nhà bị phá huỷ. Đến ngày 1.10, lính Iraq bắn hạ thiết bị bay cỡ 30 x 30 cm, được gắn chất nổ cỡ nhỏ bên trong, theo Đài Fox News dẫn lời tướng Tahseen Sayid của quân đội Iraq.
Trên các chiến trường Iraq và Syria, Mỹ đã chi đậm để đối phó các năng lực trinh sát, dò tìm bằng thiết bị bay của IS. Trong vòng 18 tháng, Lầu Năm Góc đã triển khai ít nhất 8 cuộc không kích nhằm phá huỷ chúng tại các căn cứ. Bất chấp những nỗ lực trên, giới phân tích quân sự cho rằng thiết bị bay không người lái sẽ tiếp tục ám ảnh liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Iraq, Syria và các nơi khác.
Một báo cáo mới của Trung tâm chống khủng bố ở West Point (Mỹ) cảnh báo rằng trong tương lai gần, những dòng thiết bị bay được cải tiến của IS có thể chứa khối lượng chất nổ lớn hơn, bay xa hơn và lảng vảng lâu hơn xung quanh các mục tiêu. “Số lượng và độ phức tạp của các thiết bị bay nhiều khả năng sẽ khiến các đòn tấn công của IS thêm uy lực và nghiêm trọng hơn”, theo Giám đốc Trung tâm Don Rassler.

 

Thuỵ Miên