01/11/2024

Tội phạm thẻ vẫn hoành hành

Sau hàng loạt chiêu đánh cắp tiền trong tài khoản như mạo danh người thân quen qua Facebook, lập trang web giả… bị lật tẩy, các tội phạm mạng chuyển sang gắn thiết bị ghi lén thông tin cũng như mật mã ATM rồi làm thẻ giả để rút tiền.

 

Tội phạm thẻ vẫn hoành hành

Sau hàng loạt chiêu đánh cắp tiền trong tài khoản như mạo danh người thân quen qua Facebook, lập trang web giả… bị lật tẩy, các tội phạm mạng chuyển sang gắn thiết bị ghi lén thông tin cũng như mật mã ATM rồi làm thẻ giả để rút tiền.

 

 

 

Tội phạm thẻ vẫn hoành hành
Trước tình trạng tội phạm thẻ bùng phát, NH khuyến cáo khách hàng phải che tay khi nhập mật khẩu để tránh bị lộ thông tin – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều chủ thẻ từng khiếu nại rằng đang cầm thẻ trong tay nhưng vẫn bị mất tiền. Mới đây Vietcombank đã phải khóa hàng loạt thẻ ATM của khách hàng do nghi ngờ bị lộ thông tin khi giao dịch.

Ngân hàng đau đầu
đối phó

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vietcombank cho biết ngân hàng (NH) biết được thông tin do một số chủ thẻ khiếu nại bị mất tiền. Khoanh vùng những máy bị nghi ngờ, NH đã khoá những thẻ ATM từng giao dịch ở những máy ATM nghi bị cài lén thiết bị đánh cắp thông tin.

“Đây là bước hành động trước của NH, tránh việc bọn tội phạm chế tạo thẻ giả từ những thông tin mà chúng đánh cắp được rồi rút tiền”, vị này cho biết.

Cũng theo vị này, khi chủ thẻ nhận được tin nhắn do NH gửi hoặc rút tiền không được sẽ liên hệ với tổng đài. Sau khi tổng đài xác nhận thông tin, NH sẽ mở thẻ nhưng khuyến cáo khách hàng đổi ngay mã PIN để đảm bảo an toàn. Bởi nếu có thông tin thẻ nhưng không có mã PIN, bọn tội phạm dù chế tạo thẻ giả cũng không rút được tiền. Nếu chủ thẻ có nhu cầu NH sẽ đổi thẻ mới.

“Chúng tôi chỉ có thể áp dụng các biện pháp này để đảm bảo an toàn cho chủ thẻ lẫn NH”, vị này nói.

Liên quan đến việc một số chủ thẻ phản ảnh rằng không nhận được tin nhắn, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-10, đại diện Vietcombank khẳng định đã chủ động gửi tin nhắn đến số điện thoại mà chủ thẻ đăng ký với NH.

“Có thể chủ thẻ đã đổi số điện thoại nhưng chưa cập nhật với NH hoặc đôi khi không chú ý đến tin nhắn”, vị này nói.

Vietcombank cũng cho biết đã có thông báo nội bộ cho các chi nhánh hướng dẫn những khách hàng tạm thời khóa thẻ phải đổi mật khẩu sau khi mở lại thẻ. NH cũng đang triển khai chương trình đổi thẻ miễn phí đến 31-10. Trường hợp chi nhánh nào thu phí NH sẽ chấn chỉnh.

Giám đốc vùng một NH cổ phần lớn cho biết nạn lắp thiết bị đánh cắp thông tin chủ thẻ sau đó chế tạo thẻ giả gần đây bùng phát khá mạnh, trong đó NH cũng thụ lý rất nhiều vụ.

Trong thực tế, nhiều khách hàng không đánh mất thẻ, không mua hàng trên các trang web lạ, thẻ vẫn đang giữ trên tay… nhưng vẫn mất tiền trong tài khoản.

“Với những trường hợp xét thấy khiếu nại của khách hàng là thật, NH phải ứng tiền trước để trả cho khách trong khi chờ kết luận của cơ quan điều tra”, ông này cho biết.

Thủ đoạn ăn cắp 
thông tin thẻ tinh vi

Đại diện trung tâm thẻ của một NH có số lượng thẻ phát hành lớn cho biết đã có rất nhiều vụ khiếu nại được NH chuyển đến cơ quan điều tra nhưng chưa vụ nào NH nhận được kết quả chính thức vì điều tra những vụ việc này thực sự rất khó.

Hơn nữa mỗi vụ chỉ mất vài triệu đồng, nhiều là vài chục triệu, chỉ vài trường hợp lên đến vài trăm triệu nên cơ quan điều tra cũng không có nguồn lực để làm xuể.

Theo vị này, chiêu thức của bọn tội phạm ngày càng tinh vi hơn nhằm qua mặt NH cũng như làm cho quá trình điều tra khó khăn hơn.

Dù lắp thiết bị ghi lén thông tin tại ATM của NH A nhưng bọn tội phạm thường chỉ dùng thông tin của chủ thẻ NH khác có giao dịch tại máy của NH A để chế tạo thẻ giả. Sau đó lại dùng thẻ giả đi rút tiền tại máy ATM ở một NH khác.

“Như vậy quá trình điều tra sẽ khó khăn hơn vì việc thu thập thông tin sẽ mất thời gian hơn. NH cũng khó mà hành động kịp thời như với chủ thẻ giao dịch trên chính máy ATM của NH phát hành thẻ”, vị này cho biết.

Ngoài ra, tội phạm cũng thường “né” các máy ATM đặt tại trụ sở hoặc chi nhánh NH vì có bảo vệ túc trực. Thay vào đó, chúng thường chọn những ATM ở xa trung tâm, hoặc khu vực vắng để dễ bề hành động.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều NH tiết lộ đang xem xét đến việc mua bảo hiểm thẻ để trong những trường hợp rủi ro xảy ra công ty bảo hiểm sẽ đứng ra tạm ứng tiền bồi hoàn trong lúc đợi kết luận của cơ quan điều tra. Việc mua bảo hiểm này sẽ áp dụng với cả thẻ ATM lẫn thẻ tín dụng.

Ngoài ra, thay vì lắp ATM rải rác như trước nay, NH sẽ gom thành các cụm và thuê bảo vệ túc trực.

Ngoài ra, các NH cũng phát đi các cảnh báo để chủ thẻ chủ động phòng ngừa. Tại các máy ATM khi chủ thẻ nhập mật khẩu, màn hình ATM sẽ hiện ra thông báo chủ thẻ che tay để tránh bị lộ mật khẩu, hoặc nhiều NH lắp thiết bị che bàn phím nhằm đề phòng trong trường hợp máy ATM bị ghi lén thông tin, bọn tội phạm cũng không có mật khẩu để rút tiền.

Nhiều khách hàng không che tay khi nhập mật khẩu

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, giám đốc trung tâm thẻ VCB, cho biết trong thời gian gần đây một số nhóm người nước ngoài lắp các thiết bị đánh cắp thông tin tại một số máy ATM của nhiều NH chứ không chỉ của VCB. Khi chủ thẻ cho thẻ vào ATM để rút tiền, thiết bị này đọc được toàn bộ dữ liệu của khách hàng.

Song song đó bọn tội phạm cũng lắp camera quay mã PIN của khách hàng khi giao dịch. Chính vì thế, khách hàng phản ảnh không thực hiện giao dịch mà vẫn bị mất tiền.

Khi phát hiện trường hợp máy ATM bị lắp thiết bị ghi lén thông tin, để đảm bảo an toàn NH khóa thẻ và thông báo với khách hàng. Hiện nay số lượng trong diện đổi mã PIN rất nhiều.

Cũng theo bà Hằng, NH không thể khoanh vùng được tội phạm vì họ đi theo từng nhóm, khi ở Quảng Ninh và Hải Phòng, mới đây là TP.HCM…, chưa kể camera càng ngày càng nhỏ.

Để đảm bảo an toàn cho khách hàng trong việc bảo mật dữ liệu, bà Hằng cho biết VCB đã có cảnh báo trên màn hình của máy ATM và có hướng dẫn khách hàng nên che tay khi nhập mã PIN. Tuy nhiên qua rà soát, nhiều khách hàng không che tay.Lê Thanh

ÁNH HỒNG