26/12/2024

Người thợ máy mở quán cà phê khuyến học

Câu chuyện thú vị về một người thợ máy ở Cần Thơ mở quán cà phê giúp sinh viên trải nghiệm thực tế, hiện thực hoá ý tưởng sáng tạo.

 

Người thợ máy mở quán cà phê khuyến học

Câu chuyện thú vị về một người thợ máy ở Cần Thơ mở quán cà phê giúp sinh viên trải nghiệm thực tế, hiện thực hoá ý tưởng sáng tạo.

 

 

 

Người thợ máy mở quán cà phê khuyến học
Ông Nhan Thanh trả lời câu hỏi của sinh viên, giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM về máy in 3D do ông chế tạo – Ảnh: NGỌC KHÔI

Thất bại của mình, nếu không chia sẻ cho lớp trẻ, có khi các em lại đi vào thất bại tương tự. Tui tư vấn để khả năng thành công của các em cao hơn. Tui còn có đồ cho các em mượn. Nếu thành công, các em có thể tự mua làm tiếp, nếu thất bại thì trả lại tui. Hạn chế tốn kém”

Ông NHAN THANH

Lặn lội từ Cần Thơ lên Sài Gòn, ông Nhan Thanh, thợ máy 52 tuổi, tham gia phiên chợ khởi nghiệp công nghệ tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM. Xông pha không kém 9X, ông Thanh giới thiệu máy in 3D ông tự làm nhờ học qua mạng và CLB điện tử cho sinh viên mới được 3 tháng tuổi.

Suốt năm giờ triển lãm, ông Thanh từ tốn đón nhận hàng loạt câu hỏi của sinh viên, thanh niên Sài Gòn bằng nụ cười hiền hậu, thiệt tình của người miền Tây.

Tự nhận mình không tài giỏi gì, ông Thanh cho rằng: “Chỉ cần chịu khó tìm hiểu nhiều mẫu máy sẽ chọn được kiểu dáng tốt. Chưa một lần thấy máy in 3D ngoài đời, nhưng với kiến thức tự học qua mạng và mấy chục năm kinh nghiệm sửa máy, tui mất một tháng để làm xong cánh tay robot in 3D đầu tiên, và 15 ngày nữa để hoàn thành phiên bản dạng khối lập phương 500x500mm”.

Chế máy in 10 triệu đồng để hỗ trợ sinh viên

Tốt nghiệp sư phạm lý Đại học Cần Thơ năm 1985, sẵn niềm đam mê máy móc, sau này ông Thanh định hướng con cái theo công nghệ thông tin, điện tử và ấp ủ tạo ra sân chơi để những người có cùng quan tâm chia sẻ kiến thức, linh kiện, thiết bị…

Nghe một người bạn nói ở Sài Gòn có những chỗ cho học sinh mượn thiết bị lắp ráp, học về cơ khí, tự động hóa, ông Thanh suy nghĩ lắm… Nhưng một bộ robot lego quá đắt, sau đó ông vô tình biết đến mạch Arduino chỉ 200.000 đồng nên mua về làm thử.

Càng làm càng say mê, ông Thanh càng muốn giới thiệu loại mạch này đến các bạn trẻ ở Cần Thơ, để có thể tự làm những thiết bị tự động hoá nhỏ trong nhà như báo động, báo trộm, tưới cây…

Cuối năm 2015, ông Thanh lao vào đề tài máy in 3D, vì thấy nhu cầu in của sinh viên, người thiết kế. Tự gia công, lắp ráp từng chi tiết máy nhưng do hạn chế về phần mềm, ông Thanh phải tải firmware (phần sụn, vi chương trình) miễn phí trên mạng để điều khiển máy in. Với phiên bản máy này, phần cơ khí được ông Thanh gia công vững, vật in đứng yên, đầu in di chuyển nên sản phẩm có độ mịn tốt mà không cần xử lý đánh bóng.

Ông Thanh xác định chỉ làm máy in 3D theo kiểu “văn nghệ” vì máy ít ai mua, chủ yếu người ta cần in số lượng nhỏ.

“Giới kỹ thuật ai cũng nghe về máy in 3D, nhưng không biết nó hoạt động thế nào. Cơ sở sản xuất có máy cũng không thể in lẻ hoặc cho người bên ngoài tham quan. Giờ mình đặt máy trong quán cà phê để ai cũng có thể sờ, sử dụng, hỏi han” – ông Thanh chia sẻ.

“Do sản xuất nhỏ lẻ nên giá thành máy khá cao, khoảng 10 triệu đồng/cái, và chỉ mới bán được ba máy. Tui cũng chưa tính tới chuyện hiệu quả, nhưng sẵn sàng in “phá giá” (30.000 đồng/giờ) để hỗ trợ các em sinh viên làm đề tài, chi tiết phục vụ nghiên cứu”.

“Kiến thức nếu không chia sẻ, chẳng lợi gì”

Sau hai năm mày mò tự học, ông Thanh sưu tập được tám bộ mạch Arduino và linh kiện kèm theo. Để giới thiệu sự hữu ích của loại mạch này tới các bạn trẻ, ông sửa nhà thành phòng thí nghiệm nhỏ trong không gian quán cà phê sau lưng công viên Lưu Hữu Phước, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Từ tháng 6 đến nay, quán của ông Thanh trở thành địa điểm tụ họp của nhiều sinh viên yêu thích kỹ thuật, điện tử đến tự học.

“Các em cứ đến, mượn bảng mạch, màn hình, cảm biến… thoải mái làm tại quán. Trong quá trình thực hành, các em có thắc mắc gì, tui sẽ tư vấn trong khả năng. Riêng thứ năm hằng tuần, quán có buổi sinh hoạt tập trung, mời các anh chị chuyên về một số lĩnh vực kỹ thuật tới nói chuyện.

Dần dần, tại quán cà phê hình thành CLB Arduino Cần Thơ, với khoảng 100 người tham gia. Một bo mạch hiện tại không đắt, chỉ khoảng 125.000 đồng nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận. Nhưng thường thì một khi đã đam mê các bạn tự mua, không cần mượn mình nữa. Tám bộ thí nghiệm thật ra có lúc dùng không hết” – ông Thanh cho biết.

Trong không gian mở của quán cà phê, sinh viên các ngành giao lưu với nhau, từ cơ khí, điện tử, tự động hóa đến công nghệ thông tin. Ông Thanh cũng kết hợp 2-3 sinh viên để làm nhóm thực hiện ý tưởng, đề tài…

Chung tay với ông Thanh, một số anh em thợ máy, người đi làm có linh kiện cũ gửi về quán. Cũng không phải món đồ quý giá, vài bóng đèn led, môtơ đã qua sử dụng… để chia sẻ với sinh viên.

Sau ba tháng hoạt động, có nhóm sinh viên hoàn thành thiết bị báo động trộm bằng rađa và máy làm giá tự động trong ba ngày. Đây là hướng sản phẩm mà ông Thanh muốn giới thiệu, thương mại hóa tại phiên chợ khởi nghiệp, góp phần tìm đầu ra cho sáng chế của sinh viên.

Ban ngày đi làm, buổi tối ông Thanh ra quán tư vấn kỹ thuật, sinh hoạt với các bạn trẻ. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ vầy, mình đã trải qua mấy chục năm cuộc đời rồi, thất bại có, thành công có. Thất bại của mình, nếu không chia sẻ cho lớp trẻ, có khi các em lại đi vào thất bại tương tự. Tui tư vấn để khả năng thành công của các em cao hơn.

Tui còn có đồ cho các em mượn. Nếu thành công, các em có thể tự mua làm tiếp, nếu thất bại thì trả lại tui. Hạn chế tốn kém. Mình cũng lớn tuổi rồi, kiến thức nếu không chia sẻ cho cộng đồng thì khi mình ra đi nó cũng không ích lợi gì. Mục đích cuối cùng vẫn là giúp các em đi nhanh hơn, tránh những vấp ngã không hay”.

Quán cà phê được vợ và con ông Thanh quản lý như một nguồn thu nhập của gia đình. Nhưng quán lại được duy trì bởi tâm huyết và đam mê của một người đặt kỳ vọng vào lớp trẻ. Có lẽ vậy mà dù quán có quy định 22g đóng cửa, nhưng ông chủ và khách vẫn thường mải mê ngồi nói chuyện đến giữa khuya về… mạch điện, kỹ thuật. Ham học hỏi có lẽ là điểm chung giữa họ.

Mô hình quán giúp sinh viên sáng tạo

Nhận xét về CLB Arduino, ông Viên Tuấn Thanh, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên TP Cần Thơ, cho rằng: “Đây là mô hình quán giúp sinh viên trải nghiệm thực tế, hiện thực hoá ý tưởng sáng tạo, tương tự workshop chia sẻ cách thức vượt qua khó khăn khi nghiên cứu, chế tạo…

Một phần sinh viên ở Cần Thơ còn khá thụ động, nên cần thêm những môi trường như CLB Arduino do ông Thanh tạo ra, khuyến khích sinh viên dám nói, dám làm. Mô hình này cần được duy trì thường xuyên, với lộ trình cụ thể, để mọi người tiện theo dõi tham gia. Tôi nghĩ nên đặt thêm áp lực thời gian để các nhóm tích cực hoàn thành đề tài, sản phẩm, chứ không chỉ đến quán học cho vui…”.

TƯỜNG HÂN