Bị dân phản đối, nhà máy thép “chạy” lên… núi
Nhà máy thép Việt Pháp ở Điện Bàn, Quảng Nam bị người dân phản đối đã xin chuyển lên miền núi của tỉnh này. Dân Điện Bàn vui nhưng người miền núi lo sốt vó…
Bị dân phản đối, nhà máy thép “chạy” lên… núi
Nhà máy thép Việt Pháp ở Điện Bàn, Quảng Nam bị người dân phản đối đã xin chuyển lên miền núi của tỉnh này. Dân Điện Bàn vui nhưng người miền núi lo sốt vó…
Người dân sống quanh Nhà máy thép Việt Pháp (Điện Bàn, Quảng Nam) đối thoại với chính quyền về tình trạng ô nhiễm của nhà máy – Ảnh: TR.TRUNG |
Những ngày qua, dư luận tỉnh Quảng Nam lẫn TP Đà Nẵng xôn xao khi UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH thép Việt Pháp nghiên cứu đầu tư nhà máy luyện cán thép ở thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang sau khi nhà máy này (đang đóng ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) gây ô nhiễm, khiến người dân thường xuyên tập trung trước cổng phản đối.
Dân lo lắng
Có mặt tại thị trấn Thạnh Mỹ ngày 6-10, quanh các quán ăn, giải khát người dân bàn tán và nhiều người bày tỏ sự lo lắng khi Nhà máy thép Việt Pháp sắp chuyển về.
Ông Nông Văn Quảng (thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ) cho biết đã được chính quyền thông tin có dự án nhà máy thép sắp chuyển đến và hiện dân nơi đây đang lo lắng dự án có thể gây ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Lăng Mai nêu hồi tháng 7-2016, doanh nghiệp có lên khảo sát, xin đất.
Ông Mai kể khi thăm Nhà máy thép Việt Pháp ở Điện Bàn, đúng là có thấy trong quá trình sản xuất phát sinh tiếng ồn, có khói đen, bụi bặm ra ngoài, nhưng… lan toả không xa. Đồng thời ông cho biết huyện cũng lo và có họp bàn nhưng thẩm quyền quyết định là của tỉnh.
Ông A Lăng Mai bày tỏ có nghe thông tin nhà máy gây ô nhiễm môi trường Điện Bàn, nhưng doanh nghiệp thông báo họ sẽ đầu tư mới toàn bộ nhà máy.
Ông thể hiện kỳ vọng khi cho rằng “doanh nghiệp sẽ phải rút kinh nghiệm, chứ… dại gì mà xách nguyên nhà máy lên đây, mắc lại những hạn chế cũ”. Ông Mai thông tin hiện đã đến bước triển khai giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ, bà Võ Thị Hạnh, giám đốc Công ty TNHH Thép Việt Pháp, cho biết việc di dời nhà máy lên huyện Nam Giang là để xa nơi người dân ở.
Bà Hạnh xác nhận nhà máy khi lên Nam Giang vẫn hoạt động theo quy trình và công nghệ như cũ bởi không phải do ô nhiễm trầm trọng để phải di dời. Dù dân lo nhưng bà Hạnh khẳng định “khi đi vào sản xuất, tôi cam đoan là không gây ô nhiễm môi trường về bụi, khói, tiếng ồn”…
Nhà máy thép Việt Pháp (ở phường Điện Nam Đông) hiện đang hoạt động cầm chừng do người dân phản ứng về môi trường – Ảnh: V.Hùng |
Sở Kế hoạch – đầu tư nói “không”
Nhận thấy việc di dời dự án Nhà máy thép Việt Pháp rất được sự quan tâm dư luận, nhất là khả năng nhà máy xả thải xuống vùng hạ lưu sông Bung, hệ sông Vu Gia – Thu Bồn nên UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Ban xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh họp với các sở ngành, huyện Nam Giang.
Ngày 22-8, Sở Kế hoạch – đầu tư đã có văn bản không thống nhất việc làm Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.
Sở Kế hoạch – đầu tư cho rằng dù doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường nhưng sản xuất thép có thể ảnh hưởng đến môi trường, nhất là từ các loại kim loại nặng và khói bụi.
Đặc biệt, dự án luyện cán thép Việt Pháp chưa nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp được tỉnh phê duyệt, hiệu quả mang lại chưa thuyết phục.
Thực tế, Nhà máy thép Việt Pháp đang hoạt động cũng đóng góp ngân sách không đáng kể: năm 2014 nộp ngân sách chỉ 3 triệu đồng, năm 2015 là… 12,6 triệu đồng.
Nếu nhà máy thép lên huyện Nam Giang, họ sẽ được miễn giảm thuế do đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nên cũng không đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương.
Đồng thời, Sở Kế hoạch – đầu tư đưa ra cảnh báo địa điểm dự án có quy mô 17,3ha ở thôn Hoa là khu vực đầu nguồn lưu vực sông, cần xem xét kỹ việc ảnh hưởng về môi trường đối với khu dân cư.
Di chuyển vì khó đóng cửa nhà máy
Qua nhiều cuộc họp bàn địa điểm để di chuyển không thành, đến tháng 9-2016, tỉnh Quảng Nam bất ngờ thống nhất cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại huyện Nam Giang với quy mô 17ha.
Tại hội nghị Tỉnh uỷ Quảng Nam ngày 4-10, trước nhiều ý kiến về nhà máy, ông Đinh Văn Thu – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – công nhận việc di chuyển chỉ là “chữa cháy”, chứ doanh nghiệp đầu tư 300-400 tỉ đồng rồi, nếu đuổi đi chắc họ… phá sản luôn.
“Chủ yếu nhà máy phát sinh tiếng ồn thôi” – ông Thu nêu. Nhà máy thép thường phát huy công suất tầm 21g-22g để hưởng giá điện giờ thấp điểm khiến dân không ngủ được, nên ông Thu công nhận dân kêu là đúng.
Ông Nguyễn Viễn, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường, cho rằng nhà máy chỉ phát sinh tiếng ồn và bụi, “có mùi” chứ nước thải khoảng 19,5m3/ngày chủ yếu là nước làm mát thiết bị, nước sinh hoạt. Dù giám sát vất vả nhưng ông Viễn nêu giờ cho đóng cửa nhà máy cũng không được.
Trao đổi Tuổi Trẻ, ông Võ Hồng, phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho rằng nhà máy ở Điện Bàn quá gần khu dân cư nên tỉnh cố gắng di dời càng sớm càng tốt.
Ông Hồng nêu cũng chưa biết thép Việt Pháp có đầu tư thêm công nghệ mới hay không nên dự kiến UBND tỉnh sẽ họp các ngành để tính toán chặt chẽ. “Di dời là đúng, là bình thường, xa khu dân cư là được”- ông Hồng nói.
Ông Trương Thanh Hoài (vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công thương): Định hướng sẽ đóng cửa dự án thép nhỏ lẻ, ô nhiễm Điểm yếu các dự án thép VN là manh mún, nhỏ lẻ. Theo định hướng quy hoạch phát triển ngành thép mà Bộ Công thương đang xây dựng theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, về tổng quan, các dự án manh mún, nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường sẽ phải đóng cửa. Bộ Công thương định hướng tới đây sẽ chỉ hình thành một số cụm liên hợp thép có quy mô lớn. Nguyên tắc là sẽ hạn chế dự án mới sản xuất thép xây dựng… Dân gửi đơn phản đối dự án thép Cà Ná Theo thông tin của Tuổi Trẻ, hàng trăm người dân đã có đơn gửi Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận phản đối dự án thép Cà Ná của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. Ông Phạm Văn Hậu – phó chủ tịch UBND tỉnh – xác nhận đã nhận được đơn và đang cho văn phòng UBND tổng hợp, trả lời kiến nghị của người dân. Cũng theo thông tin của Tuổi Trẻ, khi nghe có đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri ở xã Cà Ná, hơn 300 bà con các khu vực lân cận đã kéo về. Nhiều người dân yêu cầu không cho xây dựng nhà máy thép ở đây. Trưa 7-10, ông Trần Văn Định – chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Ninh Thuận – xác nhận sáng 7-10, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri ở UBND xã Cà Ná (huyện Thuận Nam). Tại đây, nhiều cử tri phản ảnh tâm trạng lo lắng khi có tin sắp tới Nhà máy luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná đặt tại địa phương. Theo ông Định, người dân yêu cầu đại biểu Quốc hội thông tin cụ thể dự án bởi họ lo ngại có thể lặp lại sự cố tương tự như ở Formosa. |