25/12/2024

Tự tạo cơ hội: Xây nhà nuôi… ong dú

Với mô hình nuôi ong dú trong nhà xây kiên cố, ông Lê Duy Vũ không còn lo đàn ong bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đặc biệt là mưa bão. Ong dú đem lại cho ông Vũ thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng.

 

Tự tạo cơ hội: Xây nhà nuôi… ong dú

Với mô hình nuôi ong dú trong nhà xây kiên cố, ông Lê Duy Vũ không còn lo đàn ong bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đặc biệt là mưa bão. Ong dú đem lại cho ông Vũ thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng.




Ông Lê Duy Vũ trong nhà nuôi ong dú của mình  /// Ảnh: Nguyễn Chung

Ông Lê Duy Vũ trong nhà nuôi ong dú của mìnhẢNH: NGUYỄN CHUNG

Ông Vũ (48 tuổi, trú xã Diên Sơn, H.Diên Khánh, Khánh Hoà) cho biết ông đến với nghề nuôi ong dú là cơ duyên. Năm 1999, tình cờ có một đàn ong đến trú ngụ trong nhà ông. Những con ong có kích thước nhỏ bé, trông như những chú ruồi nhỏ, màu xám đen.
Lúc này, ông Vũ vẫn chưa biết đây là loài ong gì, nhưng vẫn để chúng tự nhiên trong nhà mình. “Loài ong này rất hiền, không hề đốt người. Một thời gian sau, tôi thấy tổ ong cho mật, có màu cánh gián, ăn thử thì có vị ngọt hơi chua và rất thơm. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi mới biết đó là loài ong dú. Từ đó, tôi có ý định gầy dựng, nhân rộng đàn ong nuôi vì mục đích kinh tế”, ông Vũ nói.
Thời gian này, ông Vũ đang có công việc ổn định tại một nhà máy đường ở Khánh Hòa, nhưng ấp ủ việc làm giàu từ nuôi ong dú nên sau đó ông xin nghỉ việc, để “toàn tâm toàn ý” với ong.
Chỉ có một đàn ong dú trong nhà là quá ít ỏi, ông Vũ phải tự mình đi nhiều nơi tìm ong, đồng thời đặt mua từ những người thợ săn ong trên rừng. Sau gần 3 năm, ông đã đưa về được hơn 100 đàn ong dú. Ông chuyển các đàn ong vào thùng nuôi, đặt khắp vườn nhà. Tuy nhiên, thời gian đầu, do chưa nắm được đặc tính, kỹ thuật chăm sóc nên số lượng ong dú nuôi tại vườn không duy trì được.
“Ong dú vốn sống tự nhiên, quá trình mình đưa về, chuyển chúng vào thùng nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên làm đàn ong bị chấn động, chúng cứ bay dần đi. Thời gian này rất khó khăn, có khi đưa về 10 tổ, chỉ còn 2 – 3 tổ ở lại. Sau này, tôi cẩn thận hơn, đặc biệt là phải giữ ong chúa khỏe mạnh thì sẽ giữ được đàn”, ông Vũ kể.
Qua nhiều gian nan với việc gầy dựng và thuần hóa đàn ong dú, đến năm 2006, ông Vũ bắt đầu thành công trong việc nuôi ong. Ông duy trì được 100 đàn ong trong vườn nhà, lần thu hoạch đầu tiên được 40 – 50 lít mật ong, cho thu nhập khá.
Tuy nhiên, ông nhận thấy đàn ong của mình phải đối mặt với nhiều nguy cơ về thời tiết. Có năm, mưa lớn kéo dài, nhiều giông bão, thùng nuôi ong của ông Vũ chủ yếu đặt hoặc treo bên trong lán dựng bạt đơn sơ nên bị ảnh hưởng, hư hại nhiều. Năm 2011, ông Vũ quyết định “quy hoạch” lại khu nuôi đàn ong. Ông xây 2 dãy nhà gạch kiên cố, để tạo “chỗ ở” ổn định cho ong.
Theo thiết kế của ông Vũ, mỗi dãy nhà nuôi được xây dựng bằng gạch ống không cần tô trát. Ông chia ô để đặt thùng nuôi làm bằng ván gỗ lên, với khoảng cách mỗi thùng cách nhau 50 cm, chỉ để miệng tổ ra ngoài.
Với 2 dãy nhà nuôi, diện tích mỗi nhà 2×13 m, ông Vũ di chuyển số đàn ong từ bên ngoài vào nhà mới an toàn. “Việc nuôi ong dú trong nhà giúp cho đàn ong tránh được những nguy cơ về thời tiết, đặc biệt là mưa bão. Nắng nóng tại địa phương cũng không quá ảnh hưởng đến đàn ong, mà sợ nhất là thời tiết lạnh. Khi xây nhà nuôi, người nuôi chủ động để điều hòa nhiệt độ bằng cách đặt nhiệt kế theo dõi và điều chỉnh giàn điện sợi đốt để sưởi ấm khi trời lạnh”, ông Vũ cho biết.
Đến nay, ông Vũ duy trì nuôi 600 đàn ong dú. Sản phẩm mật ong dú luôn bán rất chạy, được nhiều người đặt mua. Hiện ông bán tại nhà với giá là 1,5 triệu đồng/lít; bán ong giống là 2,5 triệu/đàn (thùng). Trừ chi phí, mỗi năm thu nhập từ ong dú là 300 triệu đồng.
Ông Vũ cho biết thời gian ông khởi nghiệp, ong dú giống còn hiếm nên khó khăn, còn hiện nay do đã có những trại nuôi cung cấp ong giống nên thuận lợi hơn cho người nuôi. Nuôi ong dú rất thân thiện với môi trường, mang lại thu nhập ổn định. Nếu người nuôi muốn tìm hiểu về kỹ thuật nuôi ong dú, ông sẵn sàng hỗ trợ. Số điện thoại ông Lê Duy Vũ: 01654228481.

 

Nguyễn Chung