24/12/2024

Chân dung “Người dũng cảm nhất” ở Philippines

Được mệnh danh là “người thừa hành” của Tổng thống Duterte trong cuộc chiến chống ma tuý, cảnh sát trưởng quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa được thuộc cấp phong là “người dũng cảm nhất”.

 

Chân dung “Người dũng cảm nhất” ở Philippines

 Được mệnh danh là “người thừa hành” của Tổng thống Duterte trong cuộc chiến chống ma tuý, cảnh sát trưởng quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa được thuộc cấp phong là “người dũng cảm nhất”.

 

 

 

Chân dung “Người dũng cảm nhất” ở Philippines
Tư lệnh cảnh sát Philippines Ronald Dela Rosa phát biểu trong một cuộc họp báo hồi tháng 7-2016 – Ảnh: Reuters

Họ gắn mác chúng tôi là những kẻ giết người nhưng chúng tôi làm điều này chỉ vì người dân Philippines”

Tư lệnh cảnh sát Ronald Dela Rosa của Philippines

Chuyến thăm gần đây của tư lệnh cảnh sát Dela Rosa đến Luzon – hòn đảo lớn và đông dân nhất Philippines – tiếp nối một loạt động thái cổ vũ tinh thần cho lực lượng cảnh sát Philippines, những người đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống ma tuý đẫm máu.

“Chúng tôi đang trong tình trạng chiến tranh”

Nói đến chống ma tuý, có thể gọi ông Dela Rosa là “người thừa hành” hoặc “tướng tiên phong” của Tổng thống Rodrigo Duterte. Hơn 3.400 con nghiện và tội phạm ma t đã thiệt mạng chỉ trong ba tháng kể từ khi ông Duterte phát động cuộc chiến.

“Tôi phải động viên họ thực hiện công việc. Chúng tôi đang trong tình trạng chiến tranh” – ông Dela Rosa tuyên bố với phóng viên Reuters trong chuyến đi Luzon.

Trong một hành động thể hiện sự ủng hộ dành cho tư lệnh Dela Rosa, cảnh sát Luzon đã tặng ông bản sao thanh gươm từng được tài tử người Mỹ Mel Gibson sử dụng trong bộ phim Trái tim dũng cảm của Hollywood. Họ gọi ông là “trái tim dũng cảm nhất trong những trái tim dũng cảm”.

Ngày 3-10, cảnh sát Philippines thông báo họ đã bắn chết 1.375 người trong các chiến dịch truy quét ma túy tính từ lúc Tổng thống Duterte lên nắm quyền ngày 1-7. Khoảng 2.066 cái chết khác “đang được điều tra”, phần nhiều trong số đó bị đồn đoán là do các “biệt đội tử thần” gây ra.

Số người bị giết tại Philippines đến nay chưa ai kiểm chứng được. Chiến dịch thanh trừng này bị quốc tế không tiếc lời chỉ trích nhưng tại Philippines nó lại nhận được sự ủng hộ từ công chúng, những người đã quá chán nản, mệt mỏi với tình trạng tội phạm.

Tại một quốc gia nơi cảnh sát chủ yếu bị dân ghét và sợ vì “thành tích” tham nhũng và bạo lực, ông Dela Rosa có thể nói là một ngôi sao. Chỉ sau hai tháng giữ cương vị cảnh sát trưởng quốc gia, truyền thông Philippines đã tung hô ông là “người kế nhiệm của ông Duterte”.

Tư lệnh Dela Rosa hay nhắc lại lời kêu gọi thẳng tay với tội phạm ma túy của ông Duterte. Trong bài diễn văn tháng trước, ông khuyến khích người nghiện giết các tay trùm ma túy, những kẻ làm giàu từ bóc lột người nghèo.

“Các anh biết ai là ông trùm mà, cứ đi đến nhà chúng, đổ xăng rồi châm lửa. Cho chúng thấy là các anh giận dữ ra sao” – ông Dela Rosa “gợi ý”.

Chịu nhiều áp lực

Do nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống ma túy, một số ý kiến cho rằng ông Dela Rosa có thể trở thành mục tiêu nếu một ngày nào đó xuất hiện một cuộc điều tra độc lập về những cái chết. Tất nhiên hiện tại khó mà hình dung người nào đủ “lực” để thực hiện công việc đó.

Tư lệnh Dela Rosa tuyên bố ông tin rằng các vụ giết người do cảnh sát thực hiện hoàn toàn hợp pháp, trong khi những cái chết “đang điều tra” chủ yếu do các băng đảng ma t tàn sát lẫn nhau.

Dù có vẻ ngoài điềm tĩnh và cứng rắn nhưng Dela Rosa thừa nhận ông chịu rất nhiều áp lực. “Nỗi lo của tôi là tôi không làm tròn những gì được kỳ vọng” – ông bày tỏ.

Dù hôm 18-9 ông Duterte thông báo sẽ kéo dài chiến dịch chống ma túy thêm sáu tháng, nhưng Dela Rosa nói ông vẫn còn chịu áp lực về thời gian. Thử thách lớn nhất trong nhiệm vụ này là công tác cai nghiện cho những người “hàng đá” hay còn gọi là shabu, và ngăn chặn việc vận chuyển chất cấm này từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Dela Rosa khẳng định số người bị giết trong cuộc chiến này sẽ tiếp tục tăng. “Cứ mỗi ngày sẽ có người chết. Cứ mỗi ngày sẽ có người bị bắt và đầu hàng” – ông khẳng định. Bình luận về những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, tư lệnh Dela Rosa cho rằng “nó làm tim ông nhói đau”.

“Họ gắn mác chúng tôi là những kẻ giết người nhưng chúng tôi làm điều này chỉ vì người dân Philippines” – ông giãi bày. Chỉ ra sự khác biệt, ông nói trước đây người dân sợ ra khỏi nhà, còn bây giờ mọi thứ đã ngược lại: “Người tốt đi ra đường, còn tội phạm phải lẩn tránh”.

Nhưng rủi ro với bản thân Dela Rosa cũng không phải là ít. Thậm chí trong trụ sở chính của mình, ông lúc nào cũng phải có sáu cận vệ đi kèm. “Bọn chúng có thể giết tôi bất cứ lúc nào” – ông nói về các tay trùm ma túy.

Các phóng viên Philippines đưa tin về Dela Rosa nói họ chưa bao giờ thấy ông hút thuốc hay uống rượu, thú vui duy nhất của ông là sưu tầm súng. “Mỗi khi ông ấy thấy khẩu súng tốt là sẽ mua ngay” – ông Aaron Aquino, cảnh sát trưởng Luzon, người từng phục vụ cùng Dela Rosa ở Davao, kể lại.

Bạn của ông Duterte

Ông Dela Rosa, 54 tuổi, thuở còn trẻ từng mơ trở thành một tay đấm quyền anh. Biệt danh của ông là “Bato”, đặt theo địa danh quê nhà nằm ở phía nam thành phố Davao. Nó còn có nghĩa là “tảng đá” trong ngôn ngữ địa phương Tagalog. Người cha quá cố của Dela Rosa chỉ là một người đạp xích lô và không đủ tiền để cho con đi học.

Thành phố Davao là nơi Tổng thống Duterte từng làm thị trưởng trong suốt 22 năm. Ông Dela Rosa đã tham gia chiến dịch chống ma túy cùng ông Duterte tại đây và nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ cảnh sát.

“Tôi thích những gì ông ấy làm và ông ấy cũng thích những gì tôi làm. Chúng tôi trở thành bạn bè” – Dela Rosa hồi tưởng. Ông Duterte trao chức cảnh sát trưởng Davao cho Dela Rosa hồi năm 2012, rồi sau này là chức cảnh sát trưởng quốc gia, thậm chí bỏ qua rất nhiều sĩ quan kỳ cựu và có thâm niên hơn ông.

Trong cương vị mới, tư lệnh Dela Rosa đã “nhân rộng” mô hình chống ma túy ở Davao trên khắp đất nước Philippines như hiện nay.

MINH TRUNG