23/12/2024

Ước mơ mới của Gương

Trần Thị Gương là thí sinh cách đây sáu năm đã phải bán đi con chó lấy tiền đi thi đại học, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn (“Vượt gian nan đi thi đại học”, Tuổi Trẻ ngày 9-7-2010).

 

Ước mơ mới của Gương

 Trần Thị Gương là thí sinh cách đây sáu năm đã phải bán đi con chó lấy tiền đi thi đại học, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn (“Vượt gian nan đi thi đại học”, Tuổi Trẻ ngày 9-7-2010).

 

 

 

Ước mơ mới của Gương

Trần Thị Gương trong ngày đến Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, để về đi xin việc – Ảnh: HÀ BÌNH

Chiều 30-9, sinh viên Trần Thị Gương (Bình Phước) đã đến Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời ngành thư viện thông tin của trường. Giờ đây, mong ước của Gương là có được việc làm.

Trần Thị Gương là thí sinh cách đây sáu năm đã phải bán đi con chó lấy tiền đi thi đại học, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn (“Vượt gian nan đi thi đại học”, Tuổi Trẻ ngày 9-7-2010).

Sáu năm qua, để có được ngày hôm nay, ngoài nghị lực vượt khó, Gương kể bạn còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Đoàn trường, thầy cô, bạn bè và cả những mạnh thường quân. Sau khi báo đăng trường hợp của Gương, Đoàn trường đã hỗ trợ học phí, mạnh thường quân hỗ trợ chỗ ăn, ở cho Gương trong quá trình học đại học.

Đặc biệt, một người xin không nêu tên tại Đức đã liên lạc với phóng viên, bàn cách phẫu thuật khối u trên lưng cho Gương. Với chi phí phẫu thuật là 169 triệu đồng, ân nhân này hỗ trợ 85 triệu đồng, số tiền còn lại do các thầy cô ở khoa thư viện thông tin, hội cột sống – khoa cột sống A Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM lo cho Gương…

Để nuôi giấc mơ giảng đường, ngoài giờ học Gương đi làm thêm với công việc gia sư, tư vấn viên điện thoại, nhập liệu. “Mong ước lớn nhất của tôi lúc này là có một công việc làm ổn định, phù hợp với chuyên môn đã học, để nuôi sống bản thân mình” – Gương nói.

Vượt qua nhiều khó khăn, Gương tốt nghiệp đại học chính quy loại khá, với điểm tổng kết là 7,7. Trong đó, có những môn điểm rất cao như nhập môn cơ sở dữ liệu: 9,0; marketing sản phẩm dịch vụ thông tin – thư viện: 9,0; thực tập giữa khóa: 9,5; thiết kế web căn bản: 9,0 và thực tập tốt nghiệp: 
10 điểm.

Cách đây hơn một năm, cha của Gương mất vì căn bệnh ung thư. Năm Gương học lớp 9, mẹ bạn cũng đã ra đi sau một cơn bạo bệnh. Lúc ấy mẹ mất, cha già yếu, Gương toan bỏ học nhưng được thầy cô, bạn bè động viên trở lại trường.

Để theo đuổi việc học, Gương đạp xe 12km mỗi ngày để đến Trường THPT Thanh Hòa (huyện Bù Đốp, Bình Phước). Sau giờ học, Gương lại đi mót mủ cao su, cạo hạt điều để lo cho mình, cho cha. Cũng cần nói thêm là Gương bị một khối u trên lưng, cứ trở trời là đau nhức.

Nhưng bạn đã vượt qua tất cả những thương đau đó để vừa học vừa làm. Quần quật như thế nhưng năm lớp 10, lớp 11 Gương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Đến ngày thi đại học, Gương đăng ký thi vào ngành thư viện thông tin vì “không biết ngành nào hợp với mình nữa”. Đến ngày con thi, cha của Gương – ông Trần Văn Việt – đi vay nóng khắp nơi nhưng không có tiền cho con.

Hết cách, ông Việt cầm sổ đất của gia đình đi vay ngân hàng, lại được hẹn “từ từ giải quyết”. Ông Việt kêu người bán mảnh ruộng sau nhà nhưng cũng không có người mua. Người anh rể thương tình cầm sổ đỏ của mình đi vay nóng giúp em 1 triệu đồng cũng không được…

Cuối cùng, ông Việt đành kêu người đến bán một con chó trong đàn chó bốn con của gia đình, được 270.000 đồng đưa cho con đi thi. Tiết kiệm tiền xe, Gương nhờ anh họ chở bằng xe máy từ Bình Phước đến TP.HCM.

Khi ấy, không đủ tiền ở trọ gần điểm thi tại đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM), Gương ở nhờ phòng trọ của anh họ trên đường Tô Ký (Q.12). Sáng hôm thi, từ 4g30 người anh họ đã dậy đưa em đi thi cho kịp giờ…

Nhắc lại những câu chuyện cũ rất buồn ấy, để thấy rằng tấm bằng đại học hôm nay của Gương quý giá biết nhường nào. Tấm bằng ấy là sự nỗ lực hết sức mình của một bạn trẻ, cùng với sự cộng hưởng của những tấm lòng trong xã hội.

Sáu năm qua, tôi luôn giữ liên lạc với Gương để hỏi thăm việc học của bạn. Nhiều lúc quá khó khăn, tôi những tưởng Gương đã lùi bước ở con đường đại học. Khi Gương báo tin đã được công nhận tốt nghiệp đại học, tôi thấy lòng mình dâng lên một niềm vui khó tả.

Hỏi Gương động lực nào để bạn vượt qua những khó khăn ấy, cô tân cử nhân tâm sự: “Nhiều anh chị trong gia đình khuyên em nên… nghỉ học. Học đại học quá tốn kém, nhưng không biết ra trường có xin việc được không.

Đó là chưa kể ở quê nhiều người quan niệm: xin được việc phải có tiền, trong khi em phải đang chạy ăn từng bữa, trả nợ cho cha. Nhưng em nghĩ cứ cố gắng học, nếu mình có năng lực rồi cũng có nơi nhận mình làm việc”.

Em nợ mọi người nhiều lắm…

Ngày đến Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, hẹn tôi, Gương đưa ra một tờ giấy viết tay, nói rõ với tôi: “Anh giúp em gửi lời cảm ơn đến tất cả những mạnh thường quân, những ai đã hỗ trợ giúp đỡ em trong lúc em khó khăn…”.

Trong tờ giấy này, Gương kể chi tiết những người đã giúp bạn học phí, phẫu thuật, trị bệnh, cho vay tiền làm đám tang cho cha… rồi kết luận: “Em nợ mọi người nhiều lắm…”.

HÀ BÌNH