Khi các trường sáng tạo: Kéo phụ huynh vào cuộc
Lâu nay phụ huynh chỉ đóng vai trò phối hợp bên ngoài nhà trường, chủ yếu là thụ động chấp hành các quy định mà thầy cô đề ra.
Khi các trường sáng tạo: Kéo phụ huynh vào cuộc
Lâu nay phụ huynh chỉ đóng vai trò phối hợp bên ngoài nhà trường, chủ yếu là thụ động chấp hành các quy định mà thầy cô đề ra.
Giờ thảo luận của các phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm về biện pháp tăng tính tự học cho học sinh ở trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội – Ảnh: CHU HÀ LINH |
“Phụ huynh không chỉ là những “cộng tác viên” của chúng tôi, mà còn là những người góp ý để giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và cả hiệu trưởng giỏi hơn, tốt hơn |
Và câu “trăm sự nhờ thầy” vẫn rất phổ biến với những phụ huynh bận rộn. Bắt đầu từ sáng kiến chủ động thiết kế chương trình dạy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó đã có nhiều trường học tìm những cách làm mới để lược bỏ những bất cập, cứng nhắc của chương trình hiện hành, chủ động thiết kế nội dung môn học, phát huy được năng lực, kỹ năng cho học sinh.
Tuy nhiên, đã có những nơi phụ huynh thật sự bước vào cổng trường để đồng hành cùng con.
Lớp học… toàn phụ huynh
Đó là một “lớp học” khá đặc biệt gồm 28 phụ huynh, đại diện cho ban phụ huynh của 28 lớp trong Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội. Vào đầu năm học, chủ đề được đưa ra để “lớp” thảo luận, trao đổi là “Tìm biện pháp giúp các con tự học hiệu quả hơn”.
Thầy hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm cho biết: “Đây là một trong những vấn đề cốt yếu phải quan tâm nếu muốn thúc đẩy chất lượng giáo dục. Vì thế chúng tôi đã biến cuộc họp phụ huynh cấp trường đầu năm học thành một cuộc thảo luận về vấn đề cụ thể, thiết thực với học sinh”.
28 phụ huynh được chia làm các nhóm nhỏ, có sự tham gia của 100% giáo viên chủ nhiệm các lớp của cả ba khối 10, 11, 12.
Cô Nguyễn Kim Anh, chủ nhiệm lớp 10 Trường Phan Huy Chú, cho biết: “Khi chia nhóm, các phụ huynh rất nhiệt tình trình bày quan điểm, phản biện, cùng bàn bạc. Mỗi nhóm đều viết lên bảng những giải pháp được thống nhất, thể hiện quyết tâm cùng thực hiện.
Nếu không được nghe những chia sẻ thật của phụ huynh, sự đóng góp sáng kiến của các bác ấy, thì chúng tôi cũng khó có được giải pháp tốt nhất khích lệ học sinh tự học”.
“Cấm hay không cấm con vào mạng xã hội?” là vấn đề được nhóm các phụ huynh lớp 10 trong tiết học đặc biệt này đặt ra. Một số phụ huynh đưa ra các ứng dụng công nghệ thông tin.
Với công nghệ, phụ huynh ngồi ở cơ quan cũng có thể theo dõi việc tự học của con như thế nào để nhắc nhở, chấn chỉnh. Nhưng nhiều phụ huynh lại cho rằng đó không phải giải pháp tốt.
“Làm bạn với con, tạo sự tin cậy” hay “tìm cách tạo động lực, hứng thú cho con hơn là ép buộc và giám sát”, đó là các ý kiến nhiều người cho rằng nên làm.
Tương tự, thay vào việc “cấm hoàn toàn con sử dụng Facebook, các phụ huynh thống nhất nên tận dụng Facebook vào việc có lợi như lập nhóm phụ huynh để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những sáng kiến hay trong việc khích lệ con tự học; khuyến khích các con lập nhóm để chia sẻ tài liệu, cùng giải các bài tập khó…
Ông Phan Đăng Lư, trưởng ban phụ huynh một lớp 10, đã tham gia nhóm nói trên cho biết: “Chúng tôi đã thống nhất đề ra được hướng đi trong việc đồng hành với con tự học”.
Ở nhóm của phụ huynh lớp 11 cũng có một cuộc bàn luận sôi nổi. Có phụ huynh cho rằng: “Không nên đáp ứng theo nhu cầu của con, nhất là các nhu cầu không liên quan tới việc học hành. Cần cùng con lập thời gian biểu tự học, bám sát yêu cầu của giáo viên ở trường”.
Nhưng lại có những ý kiến khác: “Nên theo sát các hoạt động ngoại khóa của con. Khuyến khích con chơi thể thao”… Tuy ý kiến khác nhau nhưng đa số phụ huynh đều hào hứng và cho biết họ “thu lượm được những thông tin, kinh nghiệm quý để hỗ trợ con mình”.
“Tôi đi họp phụ huynh cho con 9-10 năm, nhưng chưa bao giờ có một “giờ học” cho chính mình bổ ích như thế này” – một phụ huynh có con học lớp 12 chia sẻ.
Phụ huynh đứng trên bục giảng
Tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) có những giờ học mà chính phụ huynh là người đứng lớp.
“Có khi phụ huynh là một cán bộ ngành ngân hàng hay truyền thông. Các thầy cô giáo mời phụ huynh đến để trao đổi với học sinh về nghề mình đang làm, về một lĩnh vực công việc mà các em học sinh muốn tìm hiểu” – cô Thu Anh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
“Chính phụ huynh chia sẻ với học sinh về công việc của mình, những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần có để đáp ứng công việc… Hay tố chất như thế nào thì hợp với công việc đó. Điều này các phụ huynh làm tốt hơn chúng tôi.
Các bác ấy có những câu chuyện thực tế, sinh động nên có thể thu hút học sinh, thổi vào các em tình yêu, sự ham thích với một công việc nào đó trong tương lai” – một cô giáo chủ nhiệm lớp 12 Trường Nguyễn Tất Thành chia sẻ.
Theo cô Thu Anh, với định hướng “trường học mở” nên nhà trường luôn mong muốn phụ huynh cùng đồng hành với trường trong giáo dục học sinh.
Phụ huynh có thể tham gia các buổi trò chuyện về nghề nghiệp tương lai của con cái và bổ sung phần “thực tế đời sống” cho các bài học, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh.
“Để học sinh tiếp cận các cơ sở sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án học tập bằng trải nghiệm thực tế, chúng tôi cũng nhờ phụ huynh kết nối và trực tiếp tham gia cùng thầy cô giáo” – cô Thu Anh cho biết.
Tại Trường THPT Phan Huy Chú, theo cô giáo Nguyễn Kim Anh, thì ở ngay trong một tiết học ngữ văn, các thầy cô cũng có thể mời một phụ huynh đến lớp cùng tham gia tiết học.
“Khi dạy bài “Một người Hà Nội”, tôi đã mời một phụ huynh là người Hà Nội gốc đến lớp. Tôi dành cho bác ấy một khoảng thời gian để chia sẻ về những ký ức Hà Nội xưa.
Tôi cũng muốn học sinh nghe giọng nói Hà Nội gốc, những đức tính đặc trưng của người Hà Nội xưa và nay qua những câu chuyện thực tế để các em có thể liên tưởng tới nhân vật và cảm xúc của các nhân vật trong tác phẩm”.
Cũng ở trường này, trong các tiết sinh học, công nghệ hoặc các buổi ngoại khoá dạy học sinh nấu ăn, cách bài trí mâm cơm trong gia đình, cách xếp tủ quần áo… đều thường có sự hiện diện của phụ huynh. Khi thì họ là “chuyên gia”, nhưng cũng có khi họ là giáo viên dạy chính các con mình.
Khi phụ huynh đi… học thử! Ở Trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội, ngoài các môn học bắt buộc, nhà trường còn thiết kế nhiều môn học tự chọn theo sở trường, nguyện vọng của học sinh. Và để đo lường khả năng “chịu tải” của học sinh, cách sắp xếp thời gian môn học đã hợp lý hay chưa…, phụ huynh được mời đến trường để “học thử”. “Do nhà trường bố trí môn học không theo cơ cấu một lớp học cố định, nên tuỳ theo sự lựa chọn của mỗi học sinh sẽ có các lịch học khác nhau, ở các lớp khác nhau. Đây là việc nhiều học sinh còn bỡ ngỡ. Và phụ huynh phải làm thử như thật. Mỗi phụ huynh có trên tay một lịch học của con mình và tự tìm tới các lớp học theo các giờ khác nhau. Phụ huynh vào lớp học thử và có nhận xét riêng, trong đó có cả nhận xét về nội dung môn học và cách bố trí, thời gian hợp lý để học sinh “chạy từ lớp này sang lớp kia”. Thiết kế một chương trình học linh hoạt là việc không dễ và chính phụ huynh là những người cùng tham gia góp ý, hỗ trợ cho nhà trường” – cô Trà My, cán bộ truyền thông của trường, chia sẻ. |