23/12/2024

Phnom Penh trong vòng xoáy địa ốc

Thủ đô của Campuchia đang bị cơn lốc nhà cao tầng tràn đến. Xét về mặt kinh tế thì đó là dấu hiệu tốt nhưng các nhà xã hội học đang có phần lo lắng.

 

Phnom Penh trong vòng xoáy địa ốc

Thủ đô của Campuchia đang bị cơn lốc nhà cao tầng tràn đến. Xét về mặt kinh tế thì đó là dấu hiệu tốt nhưng các nhà xã hội học đang có phần lo lắng.

 

 

 

Phnom Penh trong vòng xoáy địa ốc
Một khu nhà cao tầng đang được xây dựng tại thủ đô Phnom Penh – Ảnh: AFP

Những dàn cần cẩu khổng lồ đang tạo nên một hình hài mới cho thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Chúng liên tục tạo ra các khu cao ốc mới khiến những người ít có thời gian đến nơi này sẽ thấy ngỡ ngàng. Những cao ốc căn hộ, cao ốc văn phòng kinh doanh, trung tâm thương mại cứ như nối đuôi nhau trồi lên từ mặt đất nhưng quan trọng là giá cả cứ tăng vùn vụt.

“Thành phố phát triển cũng giúp cho gia đình tôi sống khá giả hơn

Bopha (nữ sinh viên người Campuchia nói với Hãng tin AFP)

Nhắm đến khách 
nước ngoài

Theo báo The Phnom Penh Post, cho đến năm 2009, khu trung tâm của thủ đô Campuchia vẫn còn chủ yếu là các toà nhà vila thấp có sân vườn, những cửa hiệu tư nhân nhỏ hoặc khu chung cư nhỏ chừng 30 hộ dân.

Thế rồi khi cuộc khủng hoảng 2008 được quên đi, cơn lốc đô thị hoá cũng tràn đến thủ đô của đất nước chùa tháp. Hiện tượng này xét ra không mới, nó chỉ xảy đến chậm với thành phố Phnom Penh mà thôi. Những toà nhà cao tầng bắt đầu xuất hiện trong khoảng năm 2010 và luật năm 2010 cho phép người nước ngoài mua bất động sản trong các t nhà cao tầng.

Người dân Campuchia có đất bắt đầu biết bắt tay với các chủ đầu tư châu Á để thực hiện các dự án bất động sản quy mô hơn. Đến cuối năm 2015, tổng cộng có 13 dự án chung cư căn hộ đã được hoàn thành. Công ty tư vấn bất động sản Knight Frank Campuchia cho biết con số được rao bán hoặc cho thuê các căn hộ cao cấp này lên đến 2.836 căn.

Theo AFP, trong bốn năm tới sẽ có thêm 56 dự án hoàn thành đưa vào thị trường khoảng 18.200 căn hộ với phân nửa trong số này tập trung ở quận Chamkarmon. “Nếu tất cả dự án trên được hoàn tất thì số căn hộ rao bán sẽ tăng đến 641% trong bốn năm tới” – báo cáo của Knight Frank cho biết.

Câu hỏi luôn đặt ra hiện nay là liệu cung có vượt quá cầu không? Quả thực nhu cầu nội địa của Campuchia hiện còn hạn chế dù các nhà đầu tư cũng đang tìm cách hướng đến nguồn khách trẻ mong muốn sống theo thời đại. Chính báo cáo của Knight Frank cho thấy có rất ít người dân Campuchia mua và ở căn hộ chung cư.

Các nhà đầu tư xây dựng căn hộ cao cấp ở Campuchia hẳn nhắm đến thị trường khách nước ngoài. Theo báo Phnom Penh Post, đối tượng khách hàng được nhắm đến là người Trung Quốc, Singapore, Nhật và Malaysia. Đây là một hiện tượng đã được ghi nhận qua thực tế: những khu chung cư cao cấp có lượng khách lấp đầy đến 72%, kể cả mua lẫn thuê.

Trong đầu tư, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Các ông chủ dĩ nhiên nhìn thấy ở xứ sở chùa tháp một tương lai đầy hứa hẹn với tỉ lệ phát triển kinh tế gần đây xấp xỉ mức 7%; nền kinh tế còn nhiều lĩnh vực có thể khai phá, sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư đến làm ăn và như thế họ phải cần có chỗ ở phù hợp.

Giá tăng chóng mặt

Giá căn hộ ở Campuchia vì thế tăng chóng mặt trong vài năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Công ty Knight Frank cho rằng thị trường bất động sản ở Campuchia thuộc hàng tăng nhanh nhất ở toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương và hiện chỉ mới bão h ở phân khúc căn hộ cao cấp.

Ở ngoại ô, giá căn hộ ở khoảng dưới 2.000 USD/m2 trong khi ở khu vực trung tâm thủ đô Phnom Penh, giá căn hộ cao cấp khoảng 3.000 USD/m2, thậm chí một số căn hộ có cảnh quan đẹp hoặc có sân đạt đến mức giá 5.000 USD/m2.

Theo Đài VOA, vậy mà hầu hết các đại lý bất động sản đều có tỉ lệ lấp đầy tại các chung cư cao tầng đạt mức lành mạnh là 60-70%. Lý do là người nước ngoài đến làm việc có thu nhập ổn định và sẵn sàng chi tiền cho chỗ ở.

Ông Grant Fitzgerald, tổng giám đốc Công ty Dịch vụ bất động sản quốc tế, giải thích: “Tiền thuê của mỗi người hằng tháng khoảng 1.200-1.500 USD. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đây, họ thuê chỗ ở nhờ tiền lương bổng, trợ cấp của công ty, vì vậy thị trường khá ổn định”. Theo ông Fitzgerald, người dân Campuchia không có thói quen sống trong chung cư nhưng hiện đã biết bỏ tiền đầu tư vào các căn hộ để cho thuê lại.

Trong khi đó, ông Sam Yang – nhà đầu tư bất động sản người Canada, 30 tuổi – đánh giá rằng có rất nhiều người nước ngoài, người châu Âu, kể cả người Mỹ, đặc biệt là người Trung Quốc, đang bỏ tiền mua bất động sản ở Campuchia trong năm nay.

Hiện tượng nhà đầu tư Trung Quốc cũng không quá khó hiểu bởi mối quan hệ đặc biệt của chính quyền trung ương đã góp phần thúc đẩy các nhà đầu tư chấp nhận đổ tiền sang xứ chùa tháp. Thêm vào đó là tình hình thị trường chứng khoán của Trung Quốc không ổn định nên nhiều người rút tiền đi đầu tư ở nơi sinh lãi tốt hơn.

Theo VOA, trong chín tháng đầu năm 2015, hàng tỉ USD từ Trung Quốc được đổ vào Campuchia. Ông George McLeod, giám đốc tại Thái Lan của PriceWaterhouseCoopers, nhận định các nhà đầu tư Trung Quốc xem thị trường bất động sản của Campuchia như một kênh lý tưởng để chuyển đổi tiền nhân dân tệ sang đồng USD ổn định.

Ở Campuchia, theo VOA, cũng chưa có yêu cầu cao về việc kiểm tra nguồn gốc nguồn tiền đầu tư nên trước mắt thị trường bất động sản vẫn còn phát triển tốt.

Phát triển lộn xộn

Chỉ trong một vài năm qua, theo AFP, thành phố Phnom Penh đã thay đổi đến mức không thể nhận ra, chuyển từ kiểu kiến trúc nhà thấp tầng, nhà vila sân vườn kiểu thời thuộc địa của Pháp sang kiểu xây dựng lộn xộn giống như thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Hầu như không có bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy thành phố có quy hoạch hay tầm nhìn dành cho phát triển đô thị, chỉ thấy dãy phố nội thành nào cũng có các khu chung cư cao tầng mới tinh hoặc đang xây dở.

Vì thế nhiều nhà xã hội học lo lắng “hòn ngọc của châu Á” sẽ mất đi nét duyên dáng, trầm mặc từng một thời lưu dấu trong ký ức của nhiều người.

HOÀNG DUY LONG