23/12/2024

Lò lửa mới giữa Ấn Độ và Pakistan

Khu vực Kashmir đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan một lần nữa trở thành tâm điểm thử lửa quan hệ giữa 2 cường quốc Nam Á.

 

Lò lửa mới giữa Ấn Độ và Pakistan

Khu vực Kashmir đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan một lần nữa trở thành tâm điểm thử lửa quan hệ giữa 2 cường quốc Nam Á.



Lực lượng Ấn Độ trong một cuộc tuần tra ở Kashmir  /// Chennai Online

Lực lượng Ấn Độ trong một cuộc tuần tra ở KashmirCHENNAI ONLINE

Tình hình tại khu vực dọc Đường kiểm soát (LOC), biên giới thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir đang diễn biến phức tạp sau các cuộc “tấn công chính xác” của Ấn Độ nhằm vào “mục tiêu khủng bố” bên phía Pakistan.
Hôm 28.9, Ấn Độ triển khai một nhóm biệt kích xâm nhập qua biên giới “nhằm vào các mục tiêu khủng bố”. Giới chức New Delhi khẳng định thu được “thông tin đáng tin cậy” rằng một số phần tử khủng bố đang chuẩn bị “xâm nhập và tấn công khủng bố” tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Đáp lại, Pakistan cáo buộc nước láng giềng “nã pháo qua biên giới” và cho biết đã có 2 binh sĩ nước này thiệt mạng trong cuộc giao tranh kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Đến ngày 30.9, Pakistan thông báo đã tiến hành tấn công trả đũa, “khiến 8 lính Ấn thiệt mạng và bắt giữ 1 người”. Tuy nhiên, Đài NDTV dẫn lời phát ngôn viên quân đội Ấn Rohan Anand bác bỏ thông tin nói 8 binh sĩ thiệt mạng. Ông xác nhận có 1 người bị phía Pakistan bắt giữ nhưng nói thêm là người này không thuộc nhóm “tấn công chính xác” của New Delhi mà “vô tình băng qua LOC”.
200 biệt kích tham gia
Chiến dịch của Ấn Độ được cho là để phản ứng vụ tấn công do các tay súng xuất phát từ Pakistan nhằm vào một căn cứ quân sự khiến ít nhất 18 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Tờ The Times of India hôm qua 30.9 dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết các cuộc “tấn công chính xác” đã tiêu diệt khoảng 40 – 55 tay súng khủng bố. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1971, lục quân Ấn Độ công khai vượt qua LOC với sự tham gia của khoảng 200 biệt kích được hỗ trợ bằng “hỏa lực tập trung”, ý chỉ các trận nã pháo.
Các cuộc đột kích bí mật nhằm vào những cơ sở mà New Delhi gọi là “bệ phóng khủng bố” cũng như 3 chốt quân sự của Pakistan. Sau khi nhận được dữ liệu từ các máy bay không người lái và các nguồn tin tình báo khác, các đội biệt kích nhận được chỉ thị hành động từ chiều tối 28.9. Họ âm thầm đi vòng qua các chốt quân sự của Pakistan ở độ cao 600 – 1.800 m, tiến đến các mục tiêu đã định vào khoảng 3 giờ sáng và hoàn thành nhiệm vụ vào khoảng 4 giờ 30 sáng 29.9. Vào cuối đợt tấn công, lực lượng Pakistan phát hiện nhóm biệt kích Ấn nên nổ súng, dẫn đến giao tranh. Sau khi các binh sĩ trở về an toàn vào sáng 29.9, trung tướng Ranbir Singh, chỉ huy các chiến dịch quân sự của Ấn Độ, mới gọi điện báo cho người đồng cấp Pakistan để thông báo “chiến dịch vô hiệu hóa khủng bố đã kết thúc”.
Căng thẳng đập nước
Theo tờ The News, Đại sứ Pakistan tại LHQ Maleeha Lodhi hôm qua kêu gọi Chủ tịch HĐBA LHQ triệu tập cuộc họp để thông báo về tình trạng leo thang căng thẳng với Ấn Độ. Bà cũng cho biết sẽ sớm thảo luận vấn đề này với TTK LHQ Ban Ki-moon. Tờ báo dẫn lời bà Lodhi đã cảnh báo Pakistan “đang hết sức kiềm chế nhưng tất cả đều có giới hạn”. Bà cũng báo động về “động thái bất thường đáng quan ngại” dọc biên giới với những đợt điều động binh sĩ, xe tăng và sơ tán dân của nước láng giềng.
Trong khi đó, theo Reuters, một số quan chức Ấn Độ cho biết quân đội nước này chưa có kế hoạch tiến hành thêm các cuộc tấn công mới. Tuy nhiên, họ tiết lộ chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang cân nhắc vận dụng sức mạnh kinh tế và ngoại giao để gây áp lực buộc Pakistan “chấm dứt dung túng khủng bố”. “Mục tiêu không phải là băng qua biên giới và giết vài chục người, mà là buộc Pakistan thay đổi hành vi. Muốn đạt được điều đó, bạn cần phải hành động ở nhiều cấp độ”, một quan chức cấp cao tại New Delhi tuyên bố.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia nhận định kế hoạch thủy điện mới của Ấn Độ có thể cũng nằm trong chuỗi hành động gây sức ép với Pakistan. Theo Đài Geo TV, New Delhi đang xem xét xây 3 đập thuỷ điện trên các con sông chảy sang nước láng giềng và Thủ tướng Modi vừa chủ trì một cuộc họp với nội dung nghiên cứu xem xét lại Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn ký với Pakistan từ năm 1960.
Giới chức Pakistan đang rất lo ngại việc xây dựng đập Chenab, Jhelum và Indus sẽ ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nông dân nước này. Vì thế, một số thượng nghị sĩ đã lên tiếng đe doạ có thể sử dụng vũ lực tiến hành “tấn công chính xác” nhằm vào các cơ sở cung cấp và xử lý nước của Ấn Độ. Tờ Tribunedẫn lời nghị sĩ Nauman Wazir Khattak tuyên bố 400 chiến đấu cơ của Pakistan “có thể dễ dàng tấn công các cơ sở nước của Ấn Độ trong vòng vài phút”. Trước nguy cơ căng thẳng bùng nổ khó lường giữa 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, LHQ hôm qua cho biết đang theo dõi sát sao tình hình với “mối quan ngại lớn” và kêu gọi cả hai kiềm chế.
Ấn Độ “triển khai chiến đấu cơ Rafale” gần Pakistan
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực Kashmir đang thu hút sự quan tâm của Trung Quốc. Nước này có biên giới chung với Pakistan tại khu vực Kashmir do Islamabad kiểm soát và 2 nước là đồng minh vô cùng thân thiết của nhau. Theo tờ The Indian Express, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đang tiếp xúc với Ấn Độ và Pakistan qua nhiều kênh đồng thời kêu gọi 2 nước giải quyết mâu thuẫn “bằng cách thích hợp”. Đến hôm qua 30.9, Hoàn Cầu thời báo loan tin Ấn Độ sẽ triển khai chiến đấu cơ Rafale có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật gần các khu vực tranh chấp với Pakistan và Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn và ứng phó với những diễn biến bất ngờ. Hồi tuần trước, Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua 36 chiếc Rafale của Pháp với giá khoảng 8,7 tỉ USD.


 

Trùng Quang