Indonesia quyết thu hồi tài sản ‘lưu vong’
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực thu hồi hoặc đánh thuế số tài sản trị giá khoảng 300 tỉ USD mà giới nhà giàu nước này đang giữ ở nước ngoài.
Indonesia quyết thu hồi tài sản ‘lưu vong’
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực thu hồi hoặc đánh thuế số tài sản trị giá khoảng 300 tỉ USD mà giới nhà giàu nước này đang giữ ở nước ngoài.
Tình trạng người giàu Indonesia phân tán tài sản ra nước ngoài đã diễn ra từ nửa thế kỷ qua và không phải là điều khó hiểu. Dù là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, bộ máy kinh tế và hệ thống tài chính, tiền tệ của Indonesia được cho là khá bấp bênh. Cộng với nền chính trị nhiều biến động, hệ thống luật pháp và tính pháp trị có phần mập mờ, một bộ phận dân nước này không cảm thấy yên tâm về tài sản mà họ tích lũy được.
Lịch sử hiện đại ghi nhận 3 giai đoạn người Indonesia dồn dập tuồn tài sản ra nước ngoài: Đó là vào thập niên 1960 với cuộc thanh trừng Hoa kiều của Tổng thống Sukarno; năm 1998 với các cuộc bạo động chống Hoa kiều giữa lúc đế chế Suharto sụp đổ; và gần đây với sự nổi lên của những người giàu trẻ tuổi.
Singapore – bến đỗ an toàn
Với khoảng cách chưa đầy 1 giờ đi phà hoặc máy bay, Singapore là địa chỉ giao thương, đi lại thuận lợi đối với người Indonesia. Là quốc gia Hoa kiều chiếm đa số, Singapore cũng là nơi hàng ngàn người Indonesia gốc Hoa tìm đến lánh nạn trong các cuộc thanh trừng nói trên. Chưa hết, “người Indonesia xem Singapore với nền chính trị ổn định là một bến đỗ an toàn” cho tài sản của họ, chuyên gia chiến lược thị trường toàn cầu Jasslyn Yeo của Hãng tài chính JPMorgan Chase & Co. nhận định. Các ngân hàng Singapore cũng có chế độ bảo mật cao với lãi suất hấp dẫn cho khách hàng nước ngoài.
Theo đánh giá của các hãng tài chính quốc tế, tài sản của người Indonesia ở nước ngoài trị giá trên 300 tỉ USD. Trong khi một số nằm rải rác ở Úc, Hồng Kông, Thuỵ Sĩ, Anh, Mỹ…, khoảng 85% còn lại nằm ở Singapore. Mới đây, ngày 20.9, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Mulyani Indrawati cho biết tại phiên điều trần trước Tòa bảo hiến: “Nghiên cứu của một công ty tư vấn quốc tế cho thấy có 250 tỉ USD tài sản của người Indonesia đang nằm ở nước ngoài, trong đó khoảng 200 tỉ USD nằm ở Singapore”. Đây là lần đầu tiên một quan chức Indonesia chính thức công khai các con số có tính nhạy cảm này.
Ân xá thuế và nguồn thu ngân sách
Hồi tháng 6.2016, quốc hội Indonesia thông qua Đạo luật ân xá thuế (TAB) với mục tiêu khuyến khích người dân nước này mang tài sản xưa nay không nộp thuế từ nước ngoài về lại quê hương. “Đây là một cách giúp người đóng thuế rút tài sản ở nước ngoài về đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, cũng như giúp họ có điều kiện trung thực về tài sản và thu nhập của mình”, Bộ trưởng Mulyani Indrawati lập luận. Theo các chuyên gia kinh tế, TAB gây áp lực lớn lên Singapore, nơi mà 30 – 50% “công ăn việc làm” của các ngân hàng đến từ các khách hàng Indonesia.
Bộ trưởng Indrawati cũng nói rằng TAB giúp cải thiện hệ thống dữ liệu thuế, bởi hiện chỉ có 27,6 triệu trong tổng số 115 triệu lao động nước này kê khai thuế. Nhưng mục tiêu lớn nhất của chương trình này là hút về khoảng 76 tỉ USD tài sản ở nước ngoài và thu thuế khoảng 12,6 tỉ USD, để bù đắp cho thâm hụt ngân sách vốn gần chạm mức nguy hiểm 3% GDP.
Có hiệu lực từ tháng 7.2016 – 3.2017 và được chia làm 3 thời đoạn, TAB cho phép chủ sở hữu kê khai đến cuối tháng 9.2016 các tài sản trong và ngoài nước trốn thuế xưa nay và chỉ bị đánh thuế 4%. Nếu mang các tài sản từ nước ngoài về, mức thuế chỉ 2%. Sau thời hạn 30.9, mức thuế tăng dần đến tối đa 10%. Ngày 23.9, thời hạn 30.9 đã được nới thêm bằng cách cho phép cá nhân kê khai, đóng thuế trước ngày này nhưng có thể bổ sung chứng từ đến ngày 31.12.2016.
Tranh cãi hiến pháp
TAB, được cho là phỏng theo mô hình thành công của Ý, dù được quốc hội ủng hộ, nhưng cũng vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ các tổ chức xã hội là “rửa tội” cho kẻ gian. Một liên minh gồm 4 tổ chức xã hội và công đoàn đã đệ đơn yêu cầu Toà bảo hiến tuyên bố huỷ bỏ TAB vì vi hiến.
“Công nhân như chúng tôi là những người đóng thuế nghiêm túc, trong khi những kẻ tham nhũng, buôn lậu, buôn ma tuý lại được ân xá theo đạo luật này”, Chủ tịch Liên đoàn Công nhân Indonesia Said Iqbal chỉ trích.
Sau điều trần của bộ trưởng tài chính ngày 20.9, Toà bảo hiến dự kiến sẽ ra phán quyết cuối cùng về TAB vào ngày 28.9. Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng tòa vô hiệu hóa TAB là thấp.
Tính tới cuối ngày 23.9, số liệu công khai của Tổng cục Thuế Indonesia cho hay đã có hơn 100.000 người kê khai theo chương trình TAB, với tổng giá trị tài sản khai báo hơn 126 tỉ USD, đạt 41% mục tiêu, và số thuế đóng 3 tỉ USD, đạt 23,8% mục tiêu. Chuyên gia chiến lược của Ngân hàng Citi Bank Ferry Wong đánh giá TAB của Indonesia là một trong những chương trình thành công nhất thế giới.
Thành công này, theo các chuyên gia, có tác động của thoả thuận chống trốn thuế mà 51 quốc gia, gồm cả Singapore và Indonesia, ký kết năm 2014. Khi thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực vào năm 2018, các tài sản “vượt biên” sẽ có khả năng bị lộ diện bởi ngân hàng các quốc gia thành viên phải chia sẻ thông tin tài sản khách hàng nước ngoài với các cục thuế liên quan.
Chương trình TAB đã thu hút những doanh nhân tên tuổi như Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Lippo James Riady, doanh nhân ngành truyền thông và Chủ tịch CLB bóng đá Inter Milan Erick Thohir, con trai cố Tổng thống Suharto là Tommy Suharto (tên trên giấy tờ Hutomo Mandala Putra), doanh nhân kiêm cố vấn kinh tế trưởng của Phó tổng thống Jusuf Kalla là Sofjan Wanandi… trực tiếp đi kê khai và cổ vũ cho chương trình.
|
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)