23/12/2024

Vào vùng biển nóng Hoa Đông – Kỳ 3: Sẵn sàng ứng chiến

Ngày chúng tôi (PV Tuổi Trẻ) ở Tokyo (Nhật), The Japan Times đăng 230 tàu cá Trung Quốc tràn vào vùng biển gần Senkaku cùng 6 tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Dân Tokyo đòi chính quyền mạnh tay với sự xâm phạm trắng trợn này.

 

Vào vùng biển nóng Hoa Đông – Kỳ 3: Sẵn sàng ứng chiến

Ngày chúng tôi (PV Tuổi Trẻ) ở Tokyo (Nhật), The Japan Times đăng 230 tàu cá Trung Quốc tràn vào vùng biển gần Senkaku cùng 6 tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Dân Tokyo đòi chính quyền mạnh tay với sự xâm phạm trắng trợn này. 

 

 

 

Vào vùng biển nóng Hoa Đông - Kỳ 3: Sẵn sàng ứng chiến
Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang neo đậu tại cảng Ishigaki trực chiến cho khu vực quần đảo Senkaku – Ảnh: TẤN VŨ

​Nhiều ngư dân Nhật Bản muốn trở lại ngư trường truyền thống của mình ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để đánh bắt nhưng chính quyền khuyến cáo ngư dân nên tránh đi vào nơi ấy. 

Việc bảo vệ biển đảo là việc của các cơ quan chấp pháp, còn sinh mạng ngư dân phải được bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Trung Quốc nên từ bỏ hành vi đế quốc của mình và trở thành một quốc gia đáng tin cậy

Giáo sư LOKIBE MAKOTO

Sẵn sàng ứng chiến

Ngày chúng tôi ở Tokyo, một bản tin xuất hiện trên báo The Japan Times đăng tải thông tin có 230 tàu cá Trung Quốc tràn vào vùng biển gần Senkaku cùng 6 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đi kèm. Tại thủ đô, một nhóm người đã tụ tập với băngrôn và loa phóng thanh đòi chính quyền mạnh tay với sự xâm phạm trắng trợn này.

Người thông dịch của chúng tôi giải thích: “Đó là việc bình thường của người dân nơi đây. Họ yêu cầu chính quyền phải mạnh mẽ hơn nữa trong các vấn đề chủ quyền của mình”.

Động thái Trung Quốc gây căng thẳng với Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước có nhiều bất đồng kể từ sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc hồi tháng 7-2016.

Được sự cho phép của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, chúng tôi vào thăm một căn cứ của các tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản đóng tại cảng Ishigaki. Đây là tiền đồn chính quan sát, theo dõi và xử lý các vấn đề liên quan đến tranh chấp tại Senkaku với Trung Quốc.

Trước những căng thẳng tại Hoa Đông, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản quyết định tăng cường đầu tư cho bến cảng. Một cầu tàu mới được xây dựng, nhiều con tàu bảo vệ biển vừa đóng có trọng tải từ 1.000 – 2.000 tấn, sau đuôi đều có các sân bay trực thăng được hạ thuỷ nằm trực chiến tại bến.

Cầu cảng tại Ishigaki có sức chứa khoảng 16 tàu nhưng khi cần thiết số lượng có thể nhiều hơn hoặc điều thêm các tàu từ Naha ra Senkaku làm nhiệm vụ. Những con tàu rất mới và hiện đại với tốc độ trên 25 hải lý/giờ. Tuỳ theo từng thời điểm mà số tàu này được điều động đến Senkaku.

Trên mỗi hông con tàu đều lắp các bảng điện tử hiện lên các dòng chữ tuyên truyền, những dòng chữ này có thể thay đổi theo từng chủ đề. Khi ra biển con tàu có thể thay đổi dòng chữ này thành các câu khẩu hiệu khẳng định khu vực biển chủ quyền của Nhật Bản, yêu cầu các tàu nước ngoài tránh xa khu vực lãnh hải Nhật Bản.

Hôm chúng tôi đến thăm, những con tàu này đang đăng tuyển các thuyền viên cho lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Tất cả các bảng biểu đều được thiết kế rất đặc biệt có khả năng chống phun nước, đâm va.

Giữ biển là việc của chúng tôi!

Biết chúng tôi có nhu cầu tìm hiểu về ngư dân, biển đảo quanh vùng Senkaku và Ishigaki, ông Taira, trưởng phòng thuỷ sản của thành phố Ishigaki, bỏ hẳn một ngày làm ở công sở để lái xe đưa chúng tôi đến những nơi cần gặp.

Ông Taira bảo vùng Ishigaki này là thủ phủ cá của tỉnh Okinawa, thuộc hàng lớn nhất nhì Nhật Bản. Cảng cá Tonoshiro có sức chứa đến 150 tàu cá các loại của ngư dân thành phố với gần 500 người hành nghề.

Công việc của ông Taira là liên lạc và kết nối giữa các hợp tác xã đánh bắt cá với nhau, cùng với ngư dân bảo vệ tối đa quyền của người lao động.

“Ở đây chúng tôi không khuyến khích ngư dân vào vùng tranh chấp hay các lãnh hải nguy hiểm. Các ngư dân, tài sản, tính mạng của họ phải đặt lên trên hết và phải an toàn” – ông Taira nói.

Vậy ngư dân Nhật Bản có được trang bị đặc biệt gì khi vào vùng tranh chấp không? Có được huấn luyện những kỹ năng khác để ứng phó sự cố khi cần thiết không?

Ông Taira bảo: “Không cần thiết phải như vậy bởi họ ra khơi đã có lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Ở Nhật Bản không có chuyện ngư dân làm “cột mốc sống” trên biển”.

Nói thêm về năng lực của lực lượng chấp pháp của Nhật Bản trên biển trước tình hình căng thẳng với Trung Quốc, giáo sư Iokibe Makoto – chủ tịch hội đồng quản trị Đại học Kumamoto, nguyên giám đốc Học viện Phòng vệ Nhật Bản – cho rằng Nhật Bản có đủ cơ sở hạ tầng và năng lực để giải quyết các vấn đề liên quan.

“Nhật Bản có các hệ thống trên không theo dõi các tàu Trung Quốc rất chặt chẽ. Khi các tàu của Trung Quốc xuất quân ở bến cảng chúng tôi đã biết về số lượng, thậm chí các loại tàu và năng lực. Trên cơ sở đó một lực lượng tương đối đủ để ứng phó các sự cố trên được điều động và giải quyết vấn đề” – giáo sư Iokibe Makoto chia sẻ.

Về vấn đề Trung Quốc xua tàu cá vào vùng biển gần Senkaku và phản ứng của Nhật Bản quanh vấn đề xử lý các tàu cá này ra sao?

Giáo sư Iokibe Makoto cho rằng thực tế năm 2010 tàu Trung Quốc đã vào vùng biển này và lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng đã xử lý các con tàu vi phạm lãnh hải đó theo luật định. Và sau khi toà xử các ngư dân Trung Quốc thì người dân Trung Quốc đã đập phá các cửa hàng, nhà máy của người Nhật đầu tư tại Trung Quốc.

“Tôi cho rằng đó là một vết nhơ trong quan hệ Trung – Nhật và điều này đã được cộng đồng quốc tế lên án”, ông nói.

Cũng trong câu chuyện bảo vệ ngư dân trên biển, trưởng phòng các vấn đề quốc tế, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, ông Motonari Adachi chia sẻ rằng về nguyên tắc các ngư dân là người đầu tiên báo cáo các sự vụ liên quan đến những vấn đề an toàn của mình kể cả việc cứu hộ, cứu nạn cho các cơ quan chức năng.

Nhưng các cơ quan chấp pháp của Nhật Bản luôn để mắt đến ngư dân của mình khi ra khơi. Cụ thể là các kênh liên lạc nhiều tầng gồm: liên lạc giữa các tàu cá với nhau, các hợp tác xã và các ngư dân, ngư dân cùng cảnh sát biển và cảnh sát biển với Bộ Ngoại giao…

Ông Motonari Adachi nhấn mạnh: “Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản luôn xuất hiện trước khi tàu nước ngoài có ý định tấn công tàu cá của chúng tôi. Việc bảo vệ ngư dân, bảo vệ biển đảo là việc của cảnh sát biển. Vì vậy chúng tôi không khuyến khích ngư dân của mình vào vùng tranh chấp để bảo đảm an toàn cho họ”.

Ông Motonari Adachi mang ra một tấm ảnh làm minh chứng, ông chỉ cho chúng tôi một con tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện gần tàu cá của ngư dân Nhật Bản và con tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản lập tức chen vào giữa và tách tàu hải giám Trung Quốc sang một bên để các tàu cá của ngư dân Nhật Bản được an toàn.

Ông Motonari Adachi khẳng định rằng để thực hiện tốt việc thực thi pháp luật trên biển thì cơ quan chấp pháp phải mạnh cả về phương tiện, trang thiết bị và tinh thần thái độ. Các tàu lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phải mạnh và số lượng luôn vượt trội so với tàu Trung Quốc tại vùng biển Senkaku.

“Chúng tôi cũng nghe nói việc ngư dân Việt Nam bị các tàu Trung Quốc tấn công nhưng về nguyên tắc thì bằng chứng rất quan trọng. Kinh nghiệm của chúng tôi là thu thập tất cả các chứng cứ bằng video và hình ảnh.

Tố cáo những việc làm sai trái như vậy với cộng đồng quốc tế, điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho tiếng nói của chúng ta. Về nguyên tắc chúng ta phải duy trì phong thái một cách đĩnh đạc, bình tĩnh dựa trên luật pháp” – ông Motonari Adachi chia sẻ.

__________

 

TẤN VŨ