25/12/2024

Vào vùng biển nóng Hoa Đông – Kỳ 1: Trong căn cứ Naha

Vùng biển Hoa Đông những năm qua trở thành tâm điểm dư luận với sự xuất hiện của Trung Quốc và tranh chấp về quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nổ ra.

 

Vào vùng biển nóng Hoa Đông – Kỳ 1: Trong căn cứ Naha

Vùng biển Hoa Đông những năm qua trở thành tâm điểm dư luận với sự xuất hiện của Trung Quốc và tranh chấp về quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nổ ra. 

 

 

 

 

​ Vào vùng biển nóng Hoa Đông - Kỳ 1: Trong căn cứ Naha
Máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại căn cứ Naha, cách Senkaku 420km, sẵn sàng cất cánh – Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản cung cấp

Trong khi Trung Quốc gia tăng sự xuất hiện, người Nhật sẵn sàng cho mọi tình huống. Phóng viên Tuổi Trẻ vừa có chuyến công tác đến vùng biển nóng này.

Cách quần đảo Senkaku 420km, một căn cứ phòng thủ không phận của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản luôn sẵn sàng với những chiến đấu cơ trong tư thế xuất kích.

Dù căn cứ hùng hậu của Hoa Kỳ ở Okinawa chỉ cách Naha (chuỗi đảo phía tây nam của tỉnh Okinawa) khoảng 20km, nhưng người Nhật vẫn tự chủ cho mình trong tình huống xấu nhất về Senkaku.

Canh chừng không phận

Chuyến bay sớm từ Hiroshima đáp xuống đảo Naha lăn bánh trên đường băng đưa khách vào nhà ga. Bên ngoài cửa sổ, những cây bàng biển bình yên lung lay trước gió. Naha đang im lìm chợt bị xé toạc bởi tiếng gầm thét của động cơ.

Chiếc F-15 màu xám, mũi nhọn lao vút lên bầu trời xanh để lại vệt lửa đẩy phía sau đuôi đỏ rực. Ít giây sau, một chiếc F-15 khác lấy đà trên đường băng rồi tung thẳng lên trời lao mình ra phía biển.

Hai chiếc chiến đấu cơ gầm rú rồi mất hút sau màn mây. Người dân thành phố Naha dường như quen thuộc với cảnh tượng này.

Dù căn cứ Naha nằm ngay trong khu vực sân bay dân sự, nơi máy bay chúng tôi vừa hạ cánh, nhưng phải mất hơn 15 phút taxi mới về được đơn vị.

Người đồng hành của chúng tôi ở Bộ Ngoại giao Nhật Bản liên tục dặn dò rằng chuyến tham quan căn cứ phòng thủ trên không Naha có những nơi không được chụp ảnh, cũng không thể ghi tên tuổi những người trao đổi với chúng tôi trong các câu chuyện.

Ở cổng chính, người lính gác đẩy cánh cửa nặng nề bằng thép để đoàn xe vào bên trong. Nếu không có những chiếc xe chở tên lửa phòng không và các tháp rađa quay tít đang nhận tín hiệu, chắc chắn chẳng ai trong chúng tôi nhận ra đây là một căn cứ phòng thủ trên không.

Những đồi cỏ nhấp nhô, những tuyến đường nhựa phẳng lì, sạch sẽ chạy vòng vèo qua các ngọn đồi phía xa xa là biển. Cảm giác như đang đi dạo ở một resort hạng sang ngập nắng đâu đó ở Việt Nam hơn là trong khu vực phòng thủ đặc biệt được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trụ sở chỉ huy là căn nhà cao tầng, nơi các phi công trong bộ đồ bay màu xanh lá đang bước hối hả ra vào với khuôn mặt luôn căng thẳng.

Căn phòng khách được giảm ánh sáng, ánh đèn từ máy chiếu hiện lên giữa phòng, trên màn hình là hai chiếc máy bay đang lượn trên đỉnh núi Phú Sĩ của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản.

Một tấm bản đồ được phóng to trên màn hình, vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Nhật Bản được khoanh vùng bằng những đường viền màu đỏ.

Trên bản đồ hiện diện khoảng cách từ Naha đến Senkaku 420km, đến Đài Loan 650km, đến Trung Quốc là 820km và cách thủ đô Tokyo 690km.

Theo Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, Naha là một trong bốn khu vực quan trọng của Nhật Bản để phòng vệ đất nước.

Và đây cũng là một điểm nóng nhất mà không quân phải canh chừng nghiêm ngặt để bảo vệ Senkaku trong tình huống xấu.

Trên màn hình máy chiếu hiện rõ những chiến đấu cơ của Trung Quốc như Y8, H-6 được các phi công Nhật Bản chụp hình khi họ bay vào không phận Nhật.

Những chiếc IL-38 và Su-24 của Nga cũng nằm trong danh sách xâm phạm không phận này. Và điều người Nhật lo lắng là việc xuất hiện các chiến đấu cơ Trung Quốc với tần suất ngày càng tăng.

Năm 2014, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản phải cất cánh 104 lần để chặn các máy bay nước ngoài xâm phạm thì năm 2015 là 110 lần và trong quý 1-2016 con số này lên đến 193 lần.

​ Vào vùng biển nóng Hoa Đông - Kỳ 1: Trong căn cứ Naha
Một hòn đảo lớn trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Vào hang ổ của “đại bàng bất bại”

Chiếc xe chở đoàn chúng tôi đi lòng vòng từng điểm trong khu căn cứ. Bên dưới những đồi cỏ xanh đẹp đẽ kia là những dãy nhà kho.

Đẩy cánh cửa sắt vào một nhà kho lớn sát đường băng, đón chúng tôi là một người lính trẻ nụ cười rất tươi trên môi.

Nhiệm vụ của anh là giới thiệu về các tính năng của chiếc chiến đấu cơ F-15 mang số hiệu 835 mà anh là người cầm lái.

Cạnh chiếc máy bay 835 là hàng loạt máy bay cùng chủng loại đang đậu. Bên dưới là những chiếc xe màu xám chuyên dụng lăn bánh dưới bụng của các máy bay.

Theo lời giới thiệu, F-15 được người Mỹ thiết kế và phát triển năm 1972, 10 năm sau chiến đấu cơ mang biệt danh “đại bàng bất bại” này đã nằm trong biên chế của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Chiếc máy bay giới thiệu cho chúng tôi là loại “chưa nâng cấp”, tuy nhiên với những tính năng ưu việt thì đối thủ của F-15 phải là Su-35S của Nga.

Chiếc cầu thang bắc lên buồng lái của máy bay khá cao. Bên trong buồng lái chỉ một người ngồi điều khiển máy bay với chi chít các loại đồng hồ trước mặt. Cần điều khiển nằm ngay giữa hai chân phi công với các thiết bị điều khiển vũ khí được tích hợp tại đây.

Người giới thiệu vui vẻ bảo: “Nếu ở tốc độ cực đại thì chỉ cần 30 giây chúng tôi đã ở trên đỉnh núi Phú Sĩ với độ cao hơn 3.700m”.

Và với khoảng cách 420km từ Naha đến Senkaku nếu xung đột nổ ra, với ưu thế về tốc độ, chỉ cần hơn 15 phút là không phận của Nhật Bản ở vùng biển này đã có mặt của F-15.

Một phi công kỳ cựu thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản với 26 năm trong nghề và từng điều khiển F-4 Fantom cho biết việc khó nhất của các máy bay chiến đấu là phương pháp bay đêm dưới các đám mây.

Khi ánh đèn của máy bay chiếu vào các đám mây sẽ phản xạ ngược lại trên mắt phi công điều khiển và mọi thứ sẽ loà đi rất khó xử lý.

“Naha vừa là nơi tập luyện cho các phi công trẻ, vừa là nơi sẵn sàng chiến đấu. Có hơn 40 chiếc F-15 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được bố trí ở đây để phòng thủ phía nam và Senkaku. Việc huy động số lượng máy bay và thời gian phản ứng tác chiến thuộc về năng lực phòng thủ nên chúng tôi không được tiết lộ” – người hướng dẫn cho biết.

Trên đường băng của sân bay ngoài những phi đội máy bay F-15 được xếp hàng ngay ngắn, hàng loạt máy bay tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, máy bay trực thăng và máy bay vận tải cũng sẵn sàng xuất kích làm nhiệm vụ.

Phía sau đuôi những chiếc F-15 đều có một biểu tượng của khuôn mặt người hung dữ với mặt đỏ, mày châu, cái mũi dài quá cỡ.

Người phi công giải thích rằng đó là khuôn mặt thần Tengu, trong truyền thuyết Nhật Bản còn gọi là thần Thiên Cẩu.  Nơi cư ngụ của thần là các đỉnh núi cao.

Theo truyền thuyết, thần Thiên Cẩu từng là ác thần, mang lại chiến tranh, điềm dữ, chuyên cám dỗ người tu hành, nhưng nay đã trở thành một vị thần bảo hộ, may mắn bình an, hạnh phúc của người Nhật.

Người giới thiệu cho biết việc các phi công Nhật Bản vẽ khuôn mặt thần Tengu phía sau đuôi cánh máy bay chiến đấu với mong ước may mắn, hạnh phúc, an lành sẽ đến muôn dân ở đất nước của xứ sở mặt trời mọc.

 

TẤN VŨ