25/12/2024

Người tiêu dùng có đòi được 230 tỉ đồng vì… nhắn tin?

Doanh nghiệp “ăn” trên 230 tỉ đồng của gần 94.000 người tiêu dùng VN qua dịch vụ tin nhắn có liên quan đến cả 4 nhà mạng lớn. Tuy nhiên ngoài mức xử phạt nhẹ, chưa có dấu hiệu nào người tiêu dùng lấy lại được tiền…

 

Người tiêu dùng có đòi được 230 tỉ đồng vì… nhắn tin?

Doanh nghiệp “ăn” trên 230 tỉ đồng của gần 94.000 người tiêu dùng VN qua dịch vụ tin nhắn có liên quan đến cả 4 nhà mạng lớn. Tuy nhiên ngoài mức xử phạt nhẹ, chưa có dấu hiệu nào người tiêu dùng lấy lại được tiền…

 

 

 

Người tiêu dùng có đòi được 230 tỉ đồng vì... nhắn tin?
Truy cập theo các tin nhắn mời tham gia trò chơi trúng thưởng các sản phẩm hấp dẫn có thể sẽ bị trừ tiền – Ảnh: CHÂU ANH

Theo công bố của thanh tra Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) Hà Nội, từ tháng 1-2013 đến tháng 3-2016 đã có hàng chục ngàn khách hàng của bốn nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile phải chi trả tổng cộng hơn 230,4 tỉ đồng cho dịch vụ tin nhắn của SAM MEDIA.

Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết nhiều khách hàng khi được hỏi đều không hề biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền do Công ty SAM MEDIA hợp tác với ba công ty của VN (Công ty cổ phần đầu tư ACOM, Công ty cổ phần truyền thông VMG và Công ty cổ phần truyền thông Gapit) cung cấp.

Cố tình gây nhầm lẫn?

Công ty SAM MEDIA (tên nước ngoài là SAM MEDIA LIMITED, Hong Kong) đã được Sở Công thương thành phố Hà Nội cấp phép thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội. Văn phòng này đã triển khai hoạt động hợp tác kinh doanh với ba công ty tại VN để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động qua các đầu số tin nhắn ngắn.

SAM MEDIA đã tiếp cận khách hàng bằng cách tổ chức hoạt động quảng cáo trúng thưởng điện thoại, máy tính bảng, thẻ điện thoại trên Internet với phương thức quảng cáo sử dụng Landing Page (trang đích có tên miền là vn-mozzi.biz/vn).

Nội dung quảng cáo trúng thưởng được thiết kế dạng các biểu tượng phần thưởng kèm những câu hỏi vui để người dùng trả lời, làm theo hướng dẫn. Với thời gian xuất hiện ngắn, hình thức và địa chỉ quảng cáo liên tục được thay đổi nên người tiêu dùng có muốn cũng khó lưu lại được.

Trên trang đích, giao diện về các giải thưởng, mã lệnh đăng ký dịch vụ… có kích thước và cỡ chữ lớn nhưng phần nội dung về thể lệ của chương trình khuyến mãi (gồm cách hủy dịch vụ, giá cước của dịch vụ…) lại có cỡ chữ nhỏ hơn nhiều.

Sở TT&TT Hà Nội công nhận nhiều khách hàng nhận các tin nhắn mời gọi tham gia chương trình trên đã tưởng nhầm đó là tin rác, mà không biết đây là các tin nhắn dịch vụ mất tiền.

Phạt nhẹ vì quy định “chậm chân”

Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội khẳng định Công ty SAM MEDIA đã có vi phạm như “thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước”.

Doanh nghiệp này cũng vi phạm khi cung cấp dịch vụ qua tin nhắn trên trang vn-mozzi.biz/vn nhưng thông tin giá cước lại quá nhỏ.

Và dù đã “moi” được số tiền rất lớn từ khách hàng, dù những vi phạm là cơ sở quan trọng để SAM MEDIA thu về số tiền 230 tỉ đồng nhưng Sở TT&TT chỉ xử phạt được SAM MEDIA có 55 triệu đồng. Và chưa có khả năng nào số tiền của những khách hàng bị “mất” do nhầm lẫn có thể quay lại với người dân…

Lý giải về việc tại sao Công ty SAM MEDIA thu được hơn 230,4 tỉ đồng từ tin nhắn nhưng chỉ bị xử phạt hành chính 55 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Minh – trưởng phòng thanh tra Sở TT&TT Hà Nội – cho biết: do pháp luật tại thời điểm đó (thời điểm công ty này mở dịch vụ – PV) chưa có quy định quản lý liên quan.

Theo ông Minh, đến tận tháng 8-2016 thông tư 17/2016 mới có hiệu lực, đưa những dịch vụ như của Công ty SAM MEDIA vào quản lý. Vì vậy khi Sở TT&TT Hà Nội thanh tra (vào tháng 7-2016 cho những hoạt động của công ty này trong giai đoạn từ tháng 1-2013 đến tháng 3-2016) chỉ có thể xử lý như đã công bố.

Khi được hỏi về trách nhiệm của các nhà mạng, ông Nguyễn Văn Minh giải thích trong vụ việc này các nhà mạng “không có lỗi” vì họ đã thực hiện đúng quy định liên quan, đó là nghị định 90/2008 về… chống thư rác.

Trong khi đó Công ty SAM MEDIA đã lách các quy định, cung cấp dịch vụ cho khách hàng với những hành vi vi phạm nhỏ (đã bị xử phạt). Một số người không tìm hiểu kỹ đã chấp nhận dịch vụ, làm theo hướng dẫn như nhập mã, gửi tin nhắn… dẫn đến bị tự động trừ tiền.

Tuổi Trẻ đã liên hệ các doanh nghiệp viễn thông liên quan để hỏi về trách nhiệm và khả năng có thể cảnh báo người tiêu dùng nhưng không thực hiện, đặc biệt là việc khi ký hợp đồng với công ty trung gian của Sam Media thì các nhà mạng có tính đến điều khoản bảo vệ người tiêu dùng hay không, tuy nhiên chưa doanh nghiệp nào trả lời.

Ông Nguyễn Văn Minh khẳng định vấn đề người dân mất cảnh giác dẫn đến bị mất tiền như với SAM Media đến nay đã được thông tư 17/2016 điều chỉnh bằng quy định “Bảo đảm cho người sử dụng khả năng từ chối, hủy, tra cứu về các dịch vụ nội dung thông tin đã đăng ký bằng hình thức phù hợp mà không bị thu phí (nhắn tin tới số dịch vụ, gọi điện đến tổng đài hỗ trợ, truy cập trang thông tin điện tử cung cấp thông tin của doanh nghiệp, các hình thức khác).

Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết ngoài xử phạt hành chính đối với Công ty SAM Media, sở cũng đã kiến nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp của VN liên quan, trong đó có 4 nhà mạng lớn nhất của VN, cần thông báo ngay cho khách hàng biết họ đang sử dụng dịch vụ mất tiền qua các đầu số và chỉ được tiếp tục cung cấp dịch vụ khi khách hàng đồng ý đăng ký gia hạn dịch vụ mất tiền này.

Cảnh giác với tin nhắn trò chơi có thưởng

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đến nay chỉ có thể đề nghị Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cảnh giác với các nội dung tin nhắn quảng cáo mời gọi tương tự SAM Media, từ đó tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi sử dụng điện thoại di động…

THANH HÀ