26/12/2024

Thoả thuận ở Syria: ngừng mà vẫn bắn

Được kỳ vọng là lá bài có thể giúp cuộc xung đột dai dẳng Syria bước sang trang mới, nhưng thỏa thuận ngừng bắn vừa kết thúc chỉ mang tính hình thức, thậm chí còn tạo ra thêm nhiều diễn biến mới phức tạp.

 

Thoả thuận ở Syria: ngừng mà vẫn bắn 

Được kỳ vọng là lá bài có thể giúp cuộc xung đột dai dẳng Syria bước sang trang mới, nhưng thỏa thuận ngừng bắn vừa kết thúc chỉ mang tính hình thức, thậm chí còn tạo ra thêm nhiều diễn biến mới phức tạp.

 

 

 

Thỏa thuận ở Syria: ngừng mà vẫn bắn 
Một xe tải trong đoàn xe cứu trợ của LHQ bị phá huỷ trong vụ không kích ngày 19-9 – Ảnh: Reuters

Tối 19-9 (giờ địa phương, tức khoảng đầu giờ sáng 20-9 giờ Việt Nam), quân đội Syria tuyên bố thoả thuận ngừng bắn kéo dài một tuần trên khắp Syria đã chính thức hết hiệu lực.

Xe cứu trợ nhân đạo 
“ăn bom”

Chỉ vài giờ sau, theo Reuters, đoàn xe cứu trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Syria đóng gần TP Aleppo (Syria) trúng bom.

Người phát ngôn của tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric, xác nhận ít nhất 12 người chết, 18 trong tổng số 31 xe cứu trợ và 1 nhà kho bị phá huỷ trong vụ không kích nhưng không nói rõ do ai tiến hành.

7 ngày vi phạm 300 lần

Trong tuyên bố tối 19-9, quân đội Syria cáo buộc các nhóm nổi dậy đã “không tuân thủ bất kỳ một điểm nào trong thoả thuận ngừng bắn” và nhấn mạnh nó đã bị vi phạm hơn 300 lần chỉ trong 7 ngày.

Trong khi đó, Cơ quan giám sát nhân quyền Syria trụ sở tại London (Anh) cáo buộc vụ tấn công chỉ do quân Chính phủ Syria hoặc Nga tiến hành. Tổ chức này cũng nhấn mạnh ít nhất 35 vụ không kích đã được ghi nhận ở Aleppo kể từ khi lệnh ngừng bắn kết thúc, khiến 20 dân thường thiệt mạng.

Vụ tấn công một lần nữa cho thấy cuộc xung đột ở Syria vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tệ hơn nữa, thực tế ngay cả khi vẫn còn hiệu lực, giao tranh vẫn tiếp diễn tại một số nơi, bất chấp trong thoả thuận ngừng bắn có điều khoản yêu cầu các bên tạo điều kiện cho các chuyến hàng viện trợ nhân đạo được vào sâu những khu vực bị tàn phá nặng nề.

Điều này đã ngăn cản một đoàn xe cứu trợ gồm 20 chiếc của LHQ tiến vào khu vực phía đông Aleppo. Cho đến bây giờ, đoàn xe nói trên vẫn bị kẹt lại biên giới Syria, trong khi hơn 275.000 người dân phía đông Aleppo đang mong ngóng hàng cứu trợ từng ngày.

Điểm sáng nhân đạo duy nhất suốt một tuần qua có lẽ là thị trấn Talbiseh đang bị vây khốn ở tỉnh Homs. Lần đầu tiên kể từ tháng 7, các đoàn xe cứu trợ đã được tiếp cận và phân phát thực phẩm, nước uống cho hơn 84.000 người dân ở thị trấn.

Đứng trước tình hình ngày càng phức tạp ở Syria, ngày 20-9 Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế đã quyết định hủy tất cả đợt viện trợ tới bốn tỉnh của Syria. Điều đó đồng nghĩa người dân tại các khu vực này tiếp tục cảnh màn trời chiếu đất thêm một thời gian nữa.

Khẩu chiến Nga – Mỹ 
vẫn tiếp diễn

Những mâu thuẫn tồn đọng giữa Nga và Mỹ về cuộc chiến ở Syria tiếp tục là nguồn cơn cho các cáo buộc qua lại trong hơn bảy ngày qua. Trong khi Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thì Mỹ lại xem các nhóm đối lập như Lực lượng dân chủ Syria và Quân đội Syria tự do là đồng minh và tiến hành hỗ trợ.

Và cũng giống như các thoả thuận ngừng bắn trước đó, tranh cãi giữa Nga và Mỹ vẫn tiếp tục nổ ra xung quanh việc bên nào ở Syria đã nổ súng trước. Đỉnh điểm của những tranh cãi này là vụ không kích nhầm của liên quân do Mỹ dẫn đầu vào điểm đóng quân của quân đội Chính phủ Syria ngày 17-9, khiến hơn 80 binh sĩ thiệt mạng.

Matxcơva khi đó ngay lập tức đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn và cáo buộc Washington đang ủng hộ lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Phía Mỹ sau đó thừa nhận không kích nhầm, nhưng khẳng định các phi công đã nhầm lẫn quân đội chính phủ là các tay súng IS và nhấn mạnh rằng “liên quân sẽ không chủ ý tấn công nếu biết đó là một đơn vị quân đội Syria”.

Sự việc đã khoét sâu thêm bất đồng giữa hai nước đang bảo trợ cho các bên ở Syria và phủ bóng đen lên khả năng gia hạn lệnh ngừng bắn. Thực chất lệnh ngừng bắn ở Syria đã cho thấy sự mong manh ngay từ đầu.

Cả Washington và Matxcơva đều tiếp tục né tránh câu hỏi về số phận của Tổng thống al-Assad và nhiều vấn đề quan trọng khác ở Syria.

Một số nhóm đối lập cũng tuyên bố không chấp nhận thoả thuận ngừng bắn vì cho rằng nó có lợi cho chính phủ.

Trong khi đó, Tổng thống al-Assad tiếp tục cứng rắn, cương quyết quét sạch những kẻ mà chính quyền ông gọi là “khủng bố”.

Nổ súng ngay khi kết thúc thoả thuận ngừng bắn

Ngay sau khi tuyên bố kết thúc thoả thuận ngừng bắn, quân Chính phủ Syria đã tổ chức tấn công vào nhiều vị trí trong thành phố Aleppo dưới sự yểm trợ của không quân Nga.

Đến rạng sáng 20-9 (giờ địa phương), quân chính phủ đã chiếm lại quyền kiểm soát một khu vực phía nam ngoại ô Aleppo và tiếp tục đẩy mạnh thêm các hoạt động quân sự trong ngày. Chính quyền của Tổng thống al-Assad đang chứng minh lập luận của họ rằng thoả thuận ngừng bắn đã kết thúc và họ có quyền làm điều đó.

DUY LINH