27/12/2024

ASEAN hướng tới liên minh lúa gạo

Philippines đang thúc đẩy hợp tác với các thành viên ASEAN và những nước trồng lúa khác ở châu Á để đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn giá gạo trong vùng.

 

ASEAN hướng tới liên minh lúa gạo

Philippines đang thúc đẩy hợp tác với các thành viên ASEAN và những nước trồng lúa khác ở châu Á để đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn giá gạo trong vùng.




Nông dân Bà Rịa đang thu hoạch lúa	 /// Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Nông dân Bà Rịa đang thu hoạch lúaẢNH: DIỆP ĐỨC MINH

Hơn 90% sản lượng gạo thế giới được sản xuất và tiêu thụ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có hơn 3 tỉ người sinh sống. Theo tính toán của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), với tốc độ gia tăng dân số thế giới nhanh, lượng gạo 524 triệu tấn sản xuất được hằng năm hiện nay phải tăng lên khoảng 700 triệu tấn mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Nhiệm vụ đảm bảo tăng nguồn cung gạo này đang đối mặt với nhiều khó khăn, một phần do biến đổi khí hậu.
Nhận thức được thách thức này khi hiện tượng biến đổi khí hậu có thể gây ra cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, Philippines đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với các thành viên ASEAN để bình ổn thị trường cung cấp gạo trong vùng. Theo tờ Manila Bulletin, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Philippines đã trình bày một kế hoạch hành động gồm 10 điểm trước các quan chức hoạch định chính sách nông nghiệp hàng đầu của khu vực tại Hội nghị các quan chức cấp cao nông – lâm nghiệp ASEAN (SOM-AMAF), diễn ra tại tỉnh Palawan ở Philippines vào tháng 8.
Kế hoạch hành động trên phù hợp với Khung an ninh lương thực ASEAN và cũng bao gồm Sáng kiến tạo giống ASEAN+3 (gồm ASEAN và 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản). Sáng kiến này thiết lập hiệu quả nền tảng hợp tác công nghệ trong khu vực nhằm cải thiện hàng loạt giống lúa cho các nước ASEAN+3. Ngoài ra, sáng kiến còn tạo cơ hội hợp tác trên cơ sở song phương để thúc đẩy sự phát triển và triển khai các giống lúa “thông minh” thích nghi với điều kiện khí hậu đặc trưng trong khu vực, cụ thể như hạn hán, lũ lụt và nhiễm mặn do biến đổi khí hậu gây ra.
“Bây giờ là thời điểm để ASEAN thực hiện cam kết này. Ngành công nghiệp lúa gạo nuôi sống hơn 600 triệu người trong khu vực ASEAN mỗi ngày. Một sự đầu tư chung trong việc nhân giống lúa có thể giúp đạt được an ninh lương thực cho toàn bộ khu vực, cũng như tạo ra tăng trưởng kinh tế toàn diện trong ngành công nghiệp lúa gạo”, Tổng giám đốc Matthew Morell của IRRI chia sẻ.
Theo giới quan sát, mong muốn của Philippines là rất cần thiết trong bối cảnh thời tiết thất thường như hiện nay. Với việc ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cung cấp lúa gạo thì một khi gặp thiên tai bất ngờ ảnh hưởng trên phạm vi lớn thì liên minh lúa gạo sẽ có thể cung cấp gạo một cách linh hoạt và hữu hiệu cho người dân, qua đó đảm bảo được an ninh lương thực và ổn định giá gạo trong vùng.
Dự trữ gạo ở các nước xuất khẩu xuống thấp
Đó là cảnh báo của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), theo Hãng Reuters. Ông Samarendu Mohanty, Giám đốc Đơn vị khoa học xã hội thuộc IRRI cho biết hạn hán kéo dài do hiện tượng thời tiết El Nino có thể khiến dự trữ ở các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Cụ thể, tổng dự trữ gạo của các nước xuất khẩu hàng đầu gồm Ấn Độ, Thái Lan, VN, Pakistan và Mỹ có thể giảm xuống mức 19 triệu tấn vào cuối năm 2016, từ mức đỉnh 41 triệu tấn vào năm 2013. Còn nhớ việc các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bao gồm Ấn Độ, hạn chế xuất khẩu gạo vào năm 2008 đã gây ra cơn bấn loạn trên thị trường, khiến các nước chuyên nhập khẩu gạo như Philippines phải tăng cường thu mua, đẩy giá gạo tăng gần gấp 3 lần. Sau đó, nhiều nước nhập khẩu và xuất khẩu gạo, chủ yếu ở châu Á, đã thiết lập các kho dự trữ gạo để tránh một cuộc khủng hoảng tương tự.

 

Huỳnh Thiềm