28/12/2024

Tổ tiên người Trung Quốc đến từ Ai Cập?

Một nhà khoa học nổi tiếng ở Trung Quốc đang gây tranh luận gay gắt khi cho rằng nền móng của văn minh nước này được tạo dựng bởi người di cư từ Ai Cập.

 

Tổ tiên người Trung Quốc đến từ Ai Cập?

Một nhà khoa học nổi tiếng ở Trung Quốc đang gây tranh luận gay gắt khi cho rằng nền móng của văn minh nước này được tạo dựng bởi người di cư từ Ai Cập.




Du khách Trung Quốc thăm di tích đền Luxor ở Ai Cập /// CNBC

Du khách Trung Quốc thăm di tích đền Luxor ở Ai CậpCNBC

Trong một hội thảo tại ĐH Khoa học và công nghệ ở Hợp Phì, thuộc tỉnh An Huy của Trung Quốc, Giáo sư địa hoá học Tôn Vệ Đông say sưa thuyết trình trước cử toạ gồm sinh viên, các chuyên gia và nhiều người thuộc mọi thành phần. Ông không chỉ nói về địa h học mà còn trích dẫn nhiều sử liệu, văn bản cổ của Trung Quốc.
Giáo sư Tôn đặc biệt nhấn vào một đoạn trong phần Hạ bản kỷ thuộc Sử ký của Tư Mã Thiên mô tả địa hình đất nước thời nhà Hạ, vốn được giới sử gia Trung Quốc coi là triều đại có thật đầu tiên trong lịch sử nước này và gán cho niên đại từ năm 2070 – 1600 trước Công nguyên (TCN). Đoạn mô tả như sau: “…phía bắc lại chia thành 9 sông, sau đó hợp lưu, gọi là Nghịch Hà, đổ ra biển” (bản dịch của Trần Quang Đức, NXB Văn học, 2014).
Nói cách khác, con sông “Nghịch Hà” chảy ngược ở đây không thể là dòng Hoàng Hà nổi tiếng của Trung Quốc, vốn chảy từ tây sang đông. “Chỉ có một con sông lớn trên thế giới chảy ngược lên phía bắc. Đó là?”, chuyên san Foreign Policy dẫn lời Giáo sư Tôn hỏi trong hội thảo. “Sông Nile”, ai đó trả lời. Ông tiếp tục trải ra bản đồ dòng sông Ai Cập trứ danh và vùng châu thổ với 9 nhánh đổ ra Địa Trung Hải.
Cử tọa bắt đầu xôn xao. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi thấy mô tả trong Sử ký lại gần với địa lý Ai Cập hơn là Trung Quốc. Và đó không phải là lần đầu tiên Tôn Vệ Đông khiến người ta “ngã ngửa” vì giả thuyết về liên hệ giữa Ai Cập và Trung Quốc.
Giả thuyết táo bạo
Hồi tháng 3.2016, Tôn và các cộng sự công bố trên chuyên san Scientific Reports, cùng nhà xuất bản với chuyên san uy tín Nature, bài nghiên cứu mang tên Origin of the mysterious Yin-Shang bronzes in China indicated by lead isotopes (tạm dịch: Tìm hiểu nguồn gốc của đồ đồng bí ẩn thời Ân Thương ở Trung Quốc qua đồng vị chì). Trong đó, nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc trình bày những khám phá mà ông đã buộc phải che giấu từ thập niên 1990.
Theo Foreign Policy, khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Khoa học và công nghệ, Tôn đã phân tích một số đồ đồng khai quật từ khu di tích Ân Khư, tỉnh Hà Nam. Giới chuyên gia Trung Quốc xác định nơi này là thủ đô của triều đại nhà Thương, được coi là tiếp nối nhà Hạ và có niên đại từ 1300 – 1046 TCN. Trong quá trình phân tích đồng vị phóng xạ, ông vô cùng kinh ngạc khi phát hiện thành phần của các hiện vật không hề giống với quặng đồng bản địa mà lại rất gần với đồ đồng Ai Cập cổ đại. Dường như tất cả đều có chung phương pháp chế tác và sử dụng nguyên liệu là quặng đồng châu Phi.
Lo ngại về tác động và độ tranh cãi của khám phá này, giáo sư hướng dẫn của Tôn đã không cho phép ông công bố. Tôn phải bàn giao lại toàn bộ dữ liệu và chuyển sang một dự án khác. Nay thì ông đã là một nhà khoa học uy tín và có thể lên tiếng về những ý tưởng “điên rồ” của mình.
Từ khám phá về đồ đồng, Giáo sư Tôn Vệ Đông cho rằng những triều đại được cho là đặt nền móng cho văn minh Trung Hoa như nhà Hạ và nhà Thương không phải là người bản địa, mà đến từ Ai Cập. Cụ thể, đó là dân tộc Hyksos được cho là xuất phát từ Tây Á. Theo sử liệu cổ của Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, người Hyksos di dân đến Ai Cập và thống trị miền bắc nước này trong giai đoạn thế kỷ 17 – 16 TCN, nhưng vào khoảng năm 1550 TCN thì bị người Ai Cập bản địa đánh đuổi hoàn toàn.
Theo Foreign Policy, Tôn Vệ Đông chỉ ra rằng ngay thời điểm bắt đầu xuất hiện ở Ai Cập (khoảng trước năm 1650 TCN), người Hyksos đã sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến như luyện đồng, xe ngựa, chữ viết… những gì mà giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng được phát minh dưới thời nhà Hạ và Thương. Từ đó, Giáo sư Tôn lập luận rằng khi tháo chạy khỏi Ai Cập, một nhóm người Hyksos tiến về phía đông và cuối cùng đặt chân lên đồng bằng thung lũng sông Hoàng Hà, mang đến văn minh của thời đại đồ đồng để “khai hóa” cho các nền văn hóa thời đại đồ đá mới bản địa.
Hồi tháng 9.2015, giả thuyết của Tôn Vệ Đông lần đầu tiên xuất hiện trên internet với cái tựa gây sốc Khám phá khảo cổ bùng nổ: Tổ tiên người Trung Quốc đến từ Ai Cập. Ngay lập tức, đây trở thành chủ đề vô cùng nóng bỏng, được bàn luận, mổ xẻ sôi nổi trên các diễn đàn và mạng xã hội lớn như Sohu, Tiexue, Weibo… Tạp chí nổi tiếng Tài Tân cũng vào cuộc đưa tin, bình luận. Trong cái thời mà chủ nghĩa dân tộc đang sùng sục ở Trung Quốc như hiện nay, không có gì ngạc nhiên khi ông bị “ném đá” không thương tiếc. “Nực cười! Cái ông chuyên gia này nhận bừa phứa tổ tiên” hay “Cái này là bằng chứng cho tâm lý tự ti nhược tiểu của tác giả”, là những bình luận phổ biến.
Nhận tổ tiên “theo định hướng”
Có một thực tế mà những người chỉ trích Tôn Vệ Đông không nhớ hoặc “cố tình quên”. Đó là câu hỏi “người Trung Quốc đến từ đâu?” luôn mang nặng tính chính trị. Suốt thời phong kiến, để phục vụ tư tưởng thiên triều, các đời sử quan nhấn mạnh sự phát triển của Hán tộc từ trung nguyên mở mang, đánh bại và khai h cho các “man di nhung địch” ở bốn phương.
Đến thời Thanh mạt đầu thế kỷ 20, một Trung Quốc lạc hậu bị các đế quốc phương Tây “đè đầu cưỡi cổ” khiến giới trí thức trăn trở tìm con đường mới cho dân tộc và một trong những điểm xuất phát của họ là nhìn lại cội nguồn.
Theo Foreign Policy, vào năm 1892, nhà Đông phương học người Pháp Albert Terrien de Lacouperie đưa ra quan điểm văn minh Trung Hoa “xuất phát từ vùng Lưỡng Hà”. Ông cho rằng các quẻ trong Kinh Dịch rất tương đồng với văn tự hình nêm của các nền văn minh Lưỡng Hà, còn hệ thống can chi chính là biến thể của hệ đếm lục thập phân của người Babylon. Giả thuyết này nhanh chóng bị các học giả phương Tây thời đó bác bỏ, nhưng lại là “nguồn sáng” mới đối với các nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc. Cốt lõi ở đây là “người Trung Quốc có cùng nguồn gốc với các nền văn minh vĩ đại khác và không có lý do gì để đất nước không thể bắt kịp các quốc gia tiên tiến Âu Mỹ”.
Vào những năm đầu sau khi Trung Hoa Dân Quốc vừa được thành lập, tư tưởng này vô cùng phổ biến. Dưới thời Viên Thế Khải, quốc ca Trung Hoa Dân Quốc có câu mô tả đất nước là “hậu duệ rạng rỡ của đỉnh Côn Luân”. Trong thần thoại Trung Quốc, núi Côn Luân là nơi ở của Tây Vương Mẫu và là nơi diễn ra hôn phối giữa Nữ Oa và Phục Hy. Vậy là để phục vụ nhu cầu chiến lược khi đó, đã có sự nhập nhằng giữa thần thoại và khảo cổ để rồi cái nôi của văn minh Trung Hoa được “chuyển” từ đồng bằng Hoàng Hà sang núi Côn Luân ở cực tây.
Tuy nhiên, tình hình hoàn toàn thay đổi vào cuối thập niên 1920 đầu thập niên 1930. Nhật Bản thay thế phương Tây trở thành thế lực chính áp đảo Trung Quốc. Nỗi hận lép vế trước một quốc gia cùng là Á Đông khiến thuyết nguồn gốc từ phương Tây trở nên thất sủng và điểm khởi nguyên văn minh Trung Hoa được “trả” ngược về Hoàng Hà. Quan điểm này càng được củng cố mạnh mẽ sau năm 1949.
Từ thời điểm đó đến nay, giới chuyên gia Bắc Kinh ra sức công bố lập luận, bằng chứng cho thấy văn minh Trung Quốc “phát triển rực rỡ từ nội tại suốt 5.000 năm một cách thống nhất, không gián đoạn và không có sự ảnh hưởng từ bên ngoài”. Ẩn hiện trong đó là mục tiêu xây đắp chủ nghĩa dân tộc cùng ý đồ về các yêu sách chủ quyền. Năm 1972, Viện trưởng Viện Khảo cổ Hạ Nãi viết thẳng là nhà khảo cổ “phải bắt quá khứ phục vụ hiện tại”.
Đến năm 1996, Trung Quốc khởi động dự án quy mô cực lớn mang tên “Hạ Thương Chu đoạn đại công trình” nhằm xác định niên đại của 3 triều đại nhà Hạ, Thương và Chu với sự tham gia của 200 chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau và ngân sách hơn 1,5 triệu USD vào thời điểm đó. Tháng 11.2000, những kết quả đầu tiên đã được công bố.
Tuy nhiên, nhiều học giả uy tín trên thế giới đã đặt câu hỏi về động cơ và phương pháp của “Hạ Thương Chu đoạn đại công trình”. Theo họ, dự án này không nhằm tìm kiếm các khám phá mới mà cố gắng “ép” lịch sử vào khuôn khổ quan điểm “văn hiến 5.000 năm không gián đoạn” với Hạ, Thương, Chu là những triều đại hùng mạnh, văn minh nhất khu vực.
Tờ The New York Times dẫn lời sử gia Edward L.Shaughnessy thuộc ĐH Chicago (Mỹ) nhận định: “Mục tiêu ở đây là phải đẩy nguồn gốc về tận thiên niên kỷ thứ 3 TCN, đưa Trung Quốc sánh ngang với Ai Cập. Điều này mang tính chính trị và dân tộc chủ nghĩa hơn là khoa học”. Trong khi đó, nhà khảo cổ Li Liu thuộc ĐH Stanford chỉ trích việc nghiễm nhiên coi nhà Hạ là triều đại có thật và cố định niên đại cho nó trong khi vẫn chưa có bằng chứng thực địa nào. Khảo cổ và lịch sử trở thành công cụ để phục vụ mục tiêu chính trị đối nội, đối ngoại cũng như biện minh cho các yêu sách chủ quyền lãnh thổ.
Đến nay, giả thuyết của Tôn Vệ Đông dù đang “gây bão” trên mạng nhưng vẫn chưa có phản hồi nào từ giới học thuật chính thống. Ông có thể đúng, có thể sai lầm hoặc những gì ông đưa ra sẽ không bao giờ được chứng minh phân định rõ ràng. Tuy nhiên, không thể loại trừ rằng vào một tương lai xa nào đó, để phục vụ một nhu cầu chiến lược nào đó thì quan điểm của ông sẽ lại được công nhận.
Bí ẩn Tam Tinh Đôi
Tổ tiên người Trung Quốc đến từ Ai Cập ?

    Ảnh: Mythologica

Khu di chỉ Tam Tinh Đôi nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, miền tây Trung Quốc lần đầu phát lộ năm 1929 và chính thức được khai quật quy mô lớn năm 1987. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều cổ vật có niên đại khoảng thế kỷ 12 – 11 TCN. Trong số này bao gồm lượng lớn đồ tạo tác bằng đồng cực kỳ tinh xảo, thể hiện một nền văn minh phát triển rất cao, tách biệt với văn minh Hán ở lưu vực sông Hoàng Hà. Đặc biệt, mặt nạ đồng Tam Tinh Đôi (ảnh) đến nay vẫn là một bí ẩn lớn khi miêu tả những khuôn mặt có đặc điểm hoàn toàn khác với người Á Đông như mắt to và lồi, miệng rộng, mũi cao và to, lông mày rậm. Theo tờ China Daily, Tam Tinh Đôi đã làm rung chuyển quan điểm cho rằng nền văn minh Trung Hoa lan toả từ cái nôi duy nhất ở đồng bằng trung tâm Hoàng Hà. Để “chữa cháy”, giới khảo cổ Trung Quốc đã bắt đầu đề cập về “nhiều trung tâm văn hoá cùng phát triển và dung hợp thành văn minh Trung Hoa”.


 

Trọng Kha