Campuchia doạ ngừng hợp tác với LHQ
Chính phủ Campuchia tỏ dấu hiệu sẵn sàng ngừng hợp tác với cơ quan nhân quyền của LHQ sau khi bị chỉ trích về tình hình căng thẳng ở nước này.
Campuchia doạ ngừng hợp tác với LHQ
Chính phủ Campuchia tỏ dấu hiệu sẵn sàng ngừng hợp tác với cơ quan nhân quyền của LHQ sau khi bị chỉ trích về tình hình căng thẳng ở nước này.
Campuchia phản ứng mạnh mẽ tuyên bố chung do 39 quốc gia, bao gồm Mỹ và các thành viên EU, đưa ra trong phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva (Thuỵ Sĩ) vừa qua.
Theo tờ The Cambodia Daily ngày 16.9, ngay sau tuyên bố “không hoan nghênh” sự can thiệp từ bên ngoài vào nội tình Campuchia, Đại sứ nước này tại LHQ Ney Samol tỏ ý cảnh báo ngừng hợp tác với LHQ về vấn đề nhân quyền khi nói bản ghi nhớ giữa nước này với Văn phòng Cao uỷ LHQ về nhân quyền (UNOHCHR) vẫn đang trong tình trạng “không tiến triển”. “Dĩ nhiên, chúng tôi muốn có một cuộc đối thoại cởi mở với tất cả các đối tác nhưng đối thoại phải dựa trên tôn trọng lẫn nhau”, tờ báo dẫn lời ông Samol khẳng định.
Ông cũng tuyên bố sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình chính trị Campuchia có thể ảnh hưởng đến việc tiếp tục thực hiện bản ghi nhớ với UNOHCHR.
Đại sứ Samol cũng chỉ trích sự quan ngại của quốc tế về tình hình Campuchia là “không xác đáng” khi một số đảng phái đang “thao túng, kích động và làm to chuyện vì quyền lợi chính trị của mình”. Nhà ngoại giao Campuchia còn tuyên bố các bên đã “vi phạm nguyên tắc thượng tôn pháp luật và dân chủ” khi kêu gọi Phnom Penh bãi bỏ những lời buộc tội nhằm vào các chính khách đối lập. Về phần mình, đại diện UNOHCHR tại Campuchia Lee Wan-hea cho biết bản ghi nhớ “vẫn có thể được tiếp tục” nhưng cho rằng cơ quan này có trách nhiệm thúc đẩy “sự tuân thủ tốt hơn nữa các tiêu chuẩn về nhân quyền ở Campuchia”.
Căng thẳng hiện nay bắt nguồn từ việc đảng đối lập CNRP lên kế hoạch biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối các cuộc điều tra, xét xử nhằm vào các lãnh đạo đảng này. Trong đó, Phó chủ tịch Kem Sokha đang ẩn náu trong trụ sở CNRP để trốn tránh lệnh bắt liên quan đến nhiều cáo buộc. Hôm 13.9, quân đội Campuchia đã triển khai lực lượng lớn, bao gồm một số phương tiện thuộc đơn vị cận vệ của Thủ tướng Hun Sen, để bao vây, giám sát toà nhà trụ sở của CNRP. Một số nguồn tin tại Phnom Penh tiết lộ căng thẳng có thể còn kéo dài khi phe đối lập dự kiến sẽ tổ chức xuống đường vào khoảng ngày 23.10.
Cũng trong ngày 16.9, CNRP tiếp tục cáo buộc chính quyền có dấu hiệu gian lận bầu cử khi có “dấu hiệu bất thường” trong công tác đăng ký cử tri chuẩn bị cho tổng tuyển cử vào năm sau. Tờ Malaysia Sun dẫn lời giới chức CNRP tuyên bố đã gửi ít nhất 5 đơn khiếu nại lên Uỷ ban Bầu cử quốc gia về bất thường tại một số huyện ở tỉnh Siem Reap. Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen chưa có phản ứng về các cáo buộc mới.
Trùng Quang