Hi vọng gì ở Syria?
Sự chấp thuận tích cực qua lại này giữa Mỹ và Nga lần đầu tiên lóe lên tia hi vọng cho cuộc chiến chống khủng bố tại địa bàn hết sức rối rắm này. Nhưng triển khai thỏa thuận không hề đơn giản.
Hi vọng gì ở Syria?
Sự chấp thuận tích cực qua lại này giữa Mỹ và Nga lần đầu tiên lóe lên tia hi vọng cho cuộc chiến chống khủng bố tại địa bàn hết sức rối rắm này. Nhưng triển khai thỏa thuận không hề đơn giản.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) bắt tay người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo chung về vấn đề Syria ngày 9-9 – Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria chính thức có hiệu lực từ ngày 12-9, đúng vào dịp Lễ hiến tế trọng đại của thế giới Hồi giáo.
Tương tự như những lần “thỏa thuận ngừng bắn” được đưa ra trước đây, khi chữ ký chưa ráo mực, lời tuyên bố vẫn còn dư âm, thì tiếng súng, tiếng bom lại râm ran đây đó, đe dọa lấn át mọi hi vọng về một sự lắng dịu mong manh.
Lần này cũng thế. Nhưng nếu nhìn vào thoả thuận Nga – Mỹ vừa được công bố, thì có một số nội dung mang tính đột phá thực sự so với trước đây.
Đây là lần đầu tiên có sự đồng thuận từ phía Mỹ với điều mà Nga đã nhiều lần đề nghị, về một cơ chế phối hợp giữa Nga với Mỹ để “chống khủng bố” tại Syria.
Theo thoả thuận lần này, trong bảy ngày đầu của đợt ngừng bắn, nếu có những yếu tố lạc quan về sự nghiêm túc của các bên đối với thoả thuận này, Mỹ và Nga sẽ thành lập một trung tâm phối hợp để cùng thực hiện các hoạt động quân sự chống khủng bố đồng thời với theo dõi và phối hợp kiềm chế các bên đối nghịch, đảm bảo cho ngưng bắn và hoạt động cứu trợ nhân đạo được thực thi nghiêm túc.
Sự chấp thuận này của phía Mỹ được coi là một thắng lợi của Nga. Nhưng thực ra, thái độ này của Mỹ lại xuất phát từ diễn biến khác từ phía Nga. Đó là lần đầu tiên Nga đồng ý diện “khủng bố” tại Syria chỉ là hai tổ chức IS và Mặt trận Fath Sham. (Fath Sham vốn là Mặt trận Nusra, mới đổi tên và tuyên bố “ly khai” khỏi al-Qa’eda hồi cuối tháng 8).
Trước đây, Nga bao giờ cũng coi tất cả các nhóm đối lập vũ trang tại Syria (chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad) đều là khủng bố. Sau lần thoả thuận ngừng bắn (đổ vỡ) gần đây nhất hồi đầu tháng 3 năm nay, Nga đã chỉ đích danh IS và Nusra, nhưng vẫn kèm theo một số nhóm vũ trang thánh chiến chủ công khác như Jeish Sham…
Nay, Nga đồng ý chỉ coi IS và Fath Sham là khủng bố và hai tổ chức này bị loại ra ngoài phạm vi được hưởng ngừng bắn. Chính nhờ sự thay đổi này của Nga, mà Mỹ đồng ý sẽ phối hợp với Nga đánh khủng bố tại Syria.
Sự chấp thuận tích cực qua lại này giữa Mỹ và Nga lần đầu tiên lóe lên tia hi vọng cho cuộc chiến chống khủng bố tại địa bàn hết sức rối rắm này. Nhưng triển khai thoả thuận không hề đơn giản. IS thì quá rõ cả về danh xưng và địa bàn hoạt động của chúng, bởi IS gần như hoàn toàn biệt lập khỏi phe đối lập Syria.
Nhưng Fath Sham thì khác. Nhóm vốn mang tên “Mặt trận Nusra” này là một thành phần chủ công trong liên minh các nhóm vũ trang thánh chiến mạnh nhất của phe đối lập Syria. Liên minh thánh chiến này hiện đang làm chủ hoàn toàn tỉnh Idleb ở tây – bắc Syria và đang đánh nhau dữ dội với quân đội Syria, được Nga và Iran hậu thuẫn, tại mặt trận tây – nam Aleppo.
Khi chấp nhận chỉ còn hai danh xưng khủng bố tại Syria, Nga đòi Mỹ phải tách bạch cho được Fath Sham ra khỏi các nhóm đối lập khác mà Mỹ coi là “ôn hòa”.
Yêu cầu này của Nga thực ra cũng như thách đố Mỹ! Bởi Fath Sham, trước đây là Mặt trận Nusra. Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và một số quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác trợ giúp trực tiếp cho tổ chức khủng bố này.
Fath Sham lại là nòng cốt của các nhóm thánh chiến chống chính quyền Syria. Mỹ không bảo trợ cho Fath Sham thì làm sao thuyết phục được các bên nước ngoài khác ngưng ủng hộ tổ chức mà bản chất vẫn là al-Qa’eda này?
Phản ứng đầu tiên đến là từ Jeish Sham, khi tổ chức này tuyên bố không chấp nhận tham gia thỏa thuận ngưng bắn, để phản đối điều khoản buộc các nhóm đối lập phải chấm dứt liên minh với Fath Sham!
Nếu Fath Sham không bị tách ra khỏi phe đối lập, thì Nga hoàn toàn có cớ oanh tạc vào các khu vực đối lập có Fath Sham trộn lẫn. Ranh giới nào cho bom đạn đây?
Cả Nga và Mỹ đều không phải là những người cầm súng đánh nhau trên thực địa ở Syria. Các bên đang tỉ thí lẫn nhau tại chiến trường không dễ gì tuân thủ những thoả thuận do người ngoài áp đặt, nếu cảm thấy thoả thuận ấy đẩy họ vào đường cùng!
Nỗ lực tạo ra một thực tế đã rồi Chỉ còn vài tháng nữa thôi, Tổng thống Barack Obama sẽ rời Nhà Trắng. Diễn biến cuộc tranh cử gay cấn đang diễn ra giữa cựu ngoại trưởng Hillary Clinton với tỉ phú Donald Trump cho thấy khả năng dù ai trong họ trở thành tổng thống, thì chính sách của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng tại Syria cũng sẽ không còn dễ chịu như thời Obama. Phương án tối ưu cho cả chính quyền Obama và Tổng thống Vladimir Putin lúc này là cần đạt được một thoả thuận chấp nhận được cho cả đôi bên, để tạo ra một thực tế đã rồi cho người kế nhiệm tại Nhà Trắng. Đây cũng là một thành quả ghi công cho Obama và đảm bảo cho sự tồn tại của thế lực Nga tại Syria vậy. |