Cỗ máy chống khủng bố hoang phí của Mỹ
Hàng ngàn tỉ USD đã được Mỹ ném vào cuộc chiến chống khủng bố trên khắp thế giới sau sự kiện 11-9. Kết quả bây giờ ra sao?
Cỗ máy chống khủng bố hoang phí của Mỹ
Hàng ngàn tỉ USD đã được Mỹ ném vào cuộc chiến chống khủng bố trên khắp thế giới sau sự kiện 11-9. Kết quả bây giờ ra sao?
Các binh sĩ Mỹ trong một chiến dịch tại Iraq. Gần đây, các binh sĩ Mỹ bắt đầu quay trở lại chiến trường Trung Đông trong vai trò cố vấn hoặc trực tiếp tham gia hỗ trợ binh sĩ địa phương – Ảnh: AFP |
“Chính quyền Mỹ lẽ ra không nên can thiệp vào Iraq” – ứng cử viên tổng thống Donald Trump đả kích chính sách sai lầm của các triều lãnh đạo trước trong lần trả lời phỏng vấn với nhà báo kỳ cựu Larry King |
Chính xác thì Chính phủ Mỹ đã chi 3.600 tỉ USD cho “an ninh quốc gia” từ sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, theo báo cáo mới đây của Viện Watson các vấn đề quốc tế và công cộng thuộc Đại học Brown (Mỹ).
Đáng lưu ý là trong hai năm trở lại đây, cỗ máy chiến tranh của Mỹ ngốn bạc đặc biệt nhiều, chỉ riêng năm 2015 là 300 tỉ USD. Nếu tính luôn ngân sách dự kiến cho năm 2017, con số sẽ lên đến 4.790 tỉ USD.
80 triệu USD thiết kế… chương trình tra tấn
Ngoài những con số chính thức, tạp chí The Intercept của Mỹ nhận định khó lòng tính toán chính xác kinh phí của cuộc chiến chống khủng bố do Washington phát động trong 15 năm qua.
Chỉ riêng các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, trong đó gồm khoản chăm sóc sức khoẻ cho cựu binh, ước tính sẽ tiêu tốn từ tiền thuế của dân Mỹ ít nhất 4.000 tỉ USD.
Trong giai đoạn này, Quốc hội Mỹ còn phải tăng gấp đôi ngân sách để nuôi “đàn con” gồm 16 cơ quan tình báo, trong đó có Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cục Tình báo trung ương (CIA)… bên cạnh hơn 800 tỉ USD chi cho “an ninh nội địa”.
Xài nhiều đã đành, nhưng một số người Mỹ sẽ giật mình nếu biết hàng tỉ USD tiền thuế của họ bị ném vào một loạt dự án vô tích sự.
Tiêu biểu có thể kể đến ý tưởng lắp đặt máy dò bức xạ ở các sân bay Mỹ – cú này tiêu tốn 230 triệu USD. Bộ An ninh nội địa Mỹ thì lãng phí 1,1 tỉ USD xây dựng “hàng rào ảo” gồm các thiết bị cảm biến dọc biên giới với Mexico. Hiện chương trình này đã bị hủy.
“Ảo” hơn nữa, CIA từng trả cho một nhà thầu 20 triệu USD để xây dựng phần mềm phát hiện thông điệp khủng bố trong chương trình tin tức của Đài truyền hình Al-Jazeera, rồi hai nhà “tâm lý học” được trả 80 triệu USD để thiết kế… chương trình tra tấn.
Mới năm ngoái, Lầu Năm Góc chi 43 triệu USD xây… một trạm xăng ở Afghanistan. Bình luận trên báo The Intercept, nhà phân tích Alex Emmons hóm hỉnh cho rằng Chính phủ Mỹ và bên khủng bố ai thắng chưa biết nhưng sau 15 năm thì mấy ông nhà thầu rõ ràng là… “vô địch”.
Theo The Daily Caller, những khoản chi khổng lồ cho an ninh nội địa là thủ phạm chính khiến nợ công của Mỹ tăng vọt – đang tiến gần tới ngưỡng 20.000 tỉ USD.
Một vấn đề khác là tình trạng lạm dụng ngân sách tràn lan. Những chương trình hệ thống vũ khí tốn kém, đôi khi không giúp ích gì cho cuộc chiến chống khủng bố, khiến ngân sách quốc phòng ngày càng phình to.
Ngoài ra, gian lận và lạm dụng trong công trình tái thiết cũng đã làm thất thoát hàng tỉ USD, đặc biệt tại Afghanistan.
Người Mỹ không cảm thấy an toàn hơn
Trớ trêu là dù hàng ngàn tỉ USD đã đội nón ra đi, dân Mỹ nói họ chẳng cảm thấy an toàn hơn chút nào so với trước thời điểm 11-9!
Một thăm dò gần đây của tổ chức Hội đồng Chicago các vấn đề toàn cầu cho thấy có 42% người Mỹ thừa nhận hiện tại họ thấy bất an hơn, tăng vọt từ con số 27% của lần khảo sát hồi năm 2014.
Có lẽ khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn hành động quân sự chống lại tổ chức đứng sau vụ 11-9 cách đây 15 năm, ít có người Mỹ nào hình dung cuộc chiến chống khủng bố này sẽ mở rộng từ Tây Phi sang tận Philippines, và kéo dài hơn bốn nhiệm kỳ của hai ông tổng thống.
Hiện nay, can thiệp quân sự của Mỹ tại Trung Đông không có dấu hiệu chấm dứt mà ngày càng tỏ ra… bền bỉ. Hiện Lầu Năm Góc đang ném bom ở Iraq, Syria, Libya… và còn giúp thêm Saudi Arabia mở mặt trận ở Yemen.
Tuy nhiên, kết quả cuộc chiến của Mỹ cho đến nay không mấy khả quan: ở Afghanistan, Taliban hiện đang chiếm giữ vùng lãnh thổ rộng lớn nhất kể từ năm 2001; thăm dò cho thấy 90% thanh niên Iraq xem Mỹ như kẻ thù;
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – “quái thai” của cuộc chiến Iraq do Mỹ phát động – đã chứng tỏ năng lực khủng bố toàn cầu của chúng; Al Qaeda – thủ phạm vụ 11-9, hiện đã tăng quân số gấp bốn lần tại bán đảo Ả Rập nhờ lợi dụng sự hỗn loạn của cuộc nội chiến Yemen…
Và cái giá cho thực tế u ám này trong 15 năm qua là gì? Mỹ mất gần 2.300 binh sĩ ở Afghanistan, gần 4.500 ở Iraq, hàng trăm ngàn người bị tổn thương vĩnh viễn… trong khi Afghanistan và Iraq mất ít nhất 43.000 binh lính.
Tổn thất về người ở các quốc gia Mỹ tấn công chưa được thống kê nhưng ước chừng từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu người, và cũng phải kể thêm hàng ngàn người bị giết bởi các cuộc không kích của máy bay không người lái ở Yemen, Pakistan, Somalia…