Cơ quan thuế truy tiền trong tài khoản doanh nghiệp
Cơ quan thuế đang vào cuộc tổng truy thu doanh nghiệp nợ thuế khi buộc doanh nghiệp phải cung cấp tất cả thông tin về tài khoản ngân hàng để cưỡng chế thu thuế.
Cơ quan thuế truy tiền trong tài khoản doanh nghiệp
Cơ quan thuế đang vào cuộc tổng truy thu doanh nghiệp nợ thuế khi buộc doanh nghiệp phải cung cấp tất cả thông tin về tài khoản ngân hàng để cưỡng chế thu thuế.
Nhiều doanh nghiệp (DN) nợ thuế trên địa bàn Q.3 (TP.HCM) đồng loạt nhận được thông báo của chi cục thuế quận này đề nghị cung cấp các thông tin về tài khoản của DN để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản theo quy định. Theo đó, DN phải gửi số và ký hiệu các tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, số tiền hiện có trên tài khoản tại thời điểm cung cấp thông tin. Đồng thời, DN cũng gửi sao kê các giao dịch qua tài khoản trong vòng 3 tháng gần nhất. Các thông tin trên phải được cung cấp trong thời hạn 3 ngày. Nếu quá thời hạn, DN không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, Chi cục Thuế Q.3 sẽ phong tỏa tài khoản và tiến hành các biện pháp cưỡng chế tiếp theo quy định pháp luật.
Ông Đ.O., giám đốc một DN quy mô nhỏ trên địa bàn Q.3 cho biết, nhận được “tối hậu thư”, ông vội vã chạy đi vay đối tác để đóng 200 triệu đồng nợ thuế. “Cơ quan thuế đã tỏ thái độ rất kiên quyết: một là trả nợ thuế, hai là ngưng hoạt động. Dù đang túng nhưng tôi phải xoay xở trả ngay. Nếu không, để cơ quan thuế phong toả tài khoản ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh DN, hết đường làm ăn. Còn tài khoản “tê liệt” không chuyển tiền đi được thì làm mất niềm tin của đối tác”, ông cho biết.
Sáu tháng đầu năm, ngành thuế “bội thu” khi kết quả thu do Tổng cục Thuế quản lý đã tăng 6,3% so cùng kỳ năm ngoái, ước trên 393.000 tỉ đồng, đạt 48,6% dự toán. Tuy nhiên, tổng số tiền nợ đọng thuế trên cả nước vẫn cao với khoảng 76.000 tỉ đồng. Vì vậy, không chỉ riêng Chi cục Thuế Q.3, nhiều chi cục khác trên cả nước cũng vào cuộc quyết liệt tổng “rà quét” thu hồi nợ thuế từ vài tháng nay. Ngành thuế đã thu được 20.000 tỉ đồng tiền nợ thuế của năm 2015 chuyển sang, tăng 17,9% so với cùng kỳ, đạt 27,7% chỉ tiêu thu nợ năm nay. Một lãnh đạo của Cục Thuế TP.HCM cho biết, theo luật, DN phải thông báo số tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế. Nếu không thông báo, toàn bộ hóa đơn mua hàng qua tài khoản đó đều vô giá trị, không được tính vào chi phí DN, hoá đơn giá trị gia tăng thì không được khấu trừ. Ngoài ra, DN còn bị phạt.
Xoá nợ thuế có bình đẳng giữa các doanh nghiệp
Theo ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty kế toán Đồng Hưng, với cách thức cưỡng chế thuế hiện nay, DN “chạy trời không khỏi nắng” cơ quan thuế. Thứ nhất, khi DN nợ tiền thuế kéo dài, cơ quan thuế có các quyền như gửi thư cưỡng chế đến DN, cắt tài khoản DN. Nếu DN không còn tiền trong tài khoản, thì tiến đến khoá mã số thuế (đến đây là DN không thể kinh doanh rồi). Mạnh tay hơn nữa là không bán hóa đơn, công bố DN bỏ trốn, đến đây thì DN chỉ có nước đóng cửa. Thậm chí, nếu nghi ngờ DN gian lận, cơ quan thuế có quyền chuyển cơ quan điều tra. Còn trước đó, khi DN bắt đầu kinh doanh, nếu DN được xét có rủi ro cao về thuế, thì DN không được in hoá đơn mà phải mua hóa đơn từ cơ quan thuế. Chưa kể DN chậm nộp thuế ngày nào là bị tính tiền chậm nộp ngày ấy, với lãi suất 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp. “Như vậy, cơ quan thuế kiểm soát DN rất chặt chẽ, chi li. Trước đây, cơ quan thuế còn đòi trao thêm quyền điều tra hình sự DN để chống chuyển giá, chống thất thu thuế. DN kinh doanh đàng hoàng thì đâu thể thoát nợ thuế?”, ông Chung Thành Tiến phân tích và dẫn chứng câu chuyện của ông cho thấy sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thuế. Thời gian trước, cơ quan thuế liên tục gửi thư cưỡng chế thuế chỉ với 11.000 đồng đến công ty của ông. Đáng nói đây chỉ là lỗi hệ thống chứ không phải lỗi công ty. “Thư đến 5 lần 7 lượt không có phong bì, chữ cưỡng chế chình ình trên đó làm người khác tưởng công ty làm ăn be bét mới bị cưỡng chế. Công ty gầy dựng cả chục năm mới có được chữ tín, mà thuế hành xử vậy là thiệt hại cho DN rồi”, ông cho biết.
Dẫn câu chuyện trên, ông Chung Thành Tiến đặt câu hỏi, vì sao cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ đến từng DN như vậy, mà tính đến tháng 7 năm nay, con số nợ đọng thuế vẫn ở mức 76.000 tỉ đồng, tăng hơn so với cuối năm 2015.
Một chuyên gia tài chính lại đặt vấn đề, trong khi ráo riết đòi nợ thuế thì một mặt, mới đây, Bộ Tài chính còn rốt ráo xin xoá gần 8.000 tỉ đồng nợ thuế cho DN. Cụ thể, Bộ Tài chính để xuất xoá nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế thực tế đã phá sản, giải thể, bỏ kinh doanh… “Theo quy định, DN muốn giải thể phải thực hiện xong nghĩa vụ thuế mới được giải thể. Vậy tại sao DN đã giải thể mà chưa thu được tiền thuế? Việc xoá nợ thuế khó đảm bảo bình đẳng, sòng phẳng giữa các DN”, chuyên gia này nói.
Ông Chung Thành Tiến bức xúc DN ông chỉ nợ 11.000 đồng đã liên tục nhận thư cưỡng chế thuế, hay bị bêu tên (bất kể có khó khăn hay không), trong khi nhiều DN nợ thuế lớn và kéo dài vẫn chưa bị “sờ gáy”, vẫn hoạt động, vậy liệu có ưu đãi trong việc nợ thuế hay không?
Sức ép tăng thu
Bội chi ngân sách đã hơn 111.000 tỉ đồng trong 8 tháng qua. Mặc dù thu ngân sách nhà nước năm nào cũng vượt gần 10% so với dự toán Quốc hội giao, nhưng bội chi lớn khiến ngành thuế ngày càng phải chịu sức ép tăng thu. Trong năm nay, Thủ tướng cũng yêu cầu thu ngân sách vượt dự toán 10%. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các địa phương tăng thu lên đến 23.800 tỉ đồng trong nửa cuối năm nay để bù đắp hụt thu do giảm giá dầu thô. Thực hiện chỉ đạo này, Tổng cục Thuế đã triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, tăng cường chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng.
|
Hồng Sương