Hàn Quốc tung kế hoạch san bằng Bình Nhưỡng
Quân đội Hàn Quốc vừa phát triển kế hoạch dùng pháo và tên lửa san bằng Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào về một cuộc tấn công hạt nhân.
Hàn Quốc tung kế hoạch san bằng Bình Nhưỡng
Quân đội Hàn Quốc vừa phát triển kế hoạch dùng pháo và tên lửa san bằng Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào về một cuộc tấn công hạt nhân.
Thông tin trên do một nguồn tin quân sự Hàn Quốc tiết lộ với Hãng tin Yonhap ngày 11.9, chỉ 2 ngày sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công đầu đạn hạt nhân có thể gắn cho tên lửa. Đây là lần thử hạt nhân lần thứ 5 và được đánh giá là đợt thử mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên.
Nguồn tin nói rõ: “Mỗi quận thuộc Bình Nhưỡng, đặc biệt nơi giới lãnh đạo Triều Tiên có thể trú ẩn, sẽ bị phá huỷ hoàn toàn bởi tên lửa đạn đạo và pháo có sức công phá lớn ngay khi miền Bắc thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào về một cuộc tấn công hạt nhân. Hay nói cách khác, thủ đô của Triều Tiên sẽ bị biến thành tro bụi và biến mất khỏi bản đồ”.
Tấn công phủ đầu
Kế hoạch nói trên được tiết lộ sau khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hồi tuần trước trình quốc hội khái niệm “Korea Massive Punishment & Retaliation” (tạm dịch:Đáp trả và trừng phạt ồ ạt kiểu Hàn Quốc, viết tắt là KMPR). Nguồn tin còn tiết lộ rằng với KMPR, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc muốn tấn công phủ đầu vào lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và giới chỉ huy quân đội nước này nếu họ phát hiện có bất kỳ dấu hiệu Bình Nhưỡng chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc trong trường hợp chiến tranh bùng nổ.
Để có thể tấn công theo khái niệm KMPR, Seoul lên kế hoạch huy động kho tên lửa đạn đạo đất đối đất. Trong đó có tên lửa đạn đạo Hyunmoo 2A, 2B và Hyunmoo 3, với tầm bắn tương ứng 300, 500 và 1.000 km. Dự kiến vào năm tới, quân đội Hàn Quốc sẽ hoàn tất việc thử nghiệm và nhanh chóng mở rộng kho tên lửa Hyunmoo.
Ngoài ra vào cuối năm nay, quân đội Hàn Quốc có kế hoạch trang bị hàng chục tên lửa hành trình không đối đất Taurus cho đội chiến đấu cơ F-15K nhằm tăng cường khả năng tấn công Triều Tiên, theo Yonhap. Quân đội Hàn Quốc khẳng định nếu được trang bị Taurus (với tầm bắn trên 500 km), F-15K có thể tấn công Bình Nhưỡng từ bầu trời TP.Daejeon ở miền trung Hàn Quốc, cách Seoul 164 km về phía nam. F-15K cũng có thể khai hỏa Taurus trên bầu trời vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản để tấn công cơ sở phóng tên lửa ở phía bắc Triều Tiên.
Chưa hết, một nguồn tin khác còn tiết lộ với Yonhap rằng quân đội Hàn Quốc vừa lập đội đặc nhiệm phụ trách tấn công giới lãnh đạo Triều Tiên. “Đơn vị quân sự này có nhiệm vụ nhắm vào giới lãnh đạo Triều Tiên và tiến hành tấn công đáp trả”, nguồn tin khẳng định, nhưng không cung cấp chi tiết.
Hồi tháng 3.2016, quân đoàn thuỷ quân lục chiến Hàn Quốc cũng đã lập một đội đặc nhiệm, gồm 3.000 binh sĩ, luôn ở trong tình trạng sẵn sàng cho việc triển khai tới mọi khu vực trên bán đảo Triều Tiên trong vòng 24 giờ, với nhiệm vụ phá huỷ các cơ sở quân sự chủ chốt của miền Bắc trong trường hợp xảy ra bất ổn, theo Yonhap.
Dẫu vậy, những biện pháp ứng phó như trên dường như vẫn chưa đủ để một số bộ phận ở Hàn Quốc cảm thấy an tâm. Yonhap ngày 11.9 đưa tin một tổ chức nghiên cứu hạt nhân mới gồm 10 chuyên gia Hàn Quốc đã được thành lập hồi đầu tháng 9, với mục tiêu nghiên cứu sâu về cách nước này có thể tự phát triển vũ khí hạt nhân. Còn một số nghị sĩ đảng cầm quyền ở Hàn Quốc hôm qua 11.9 tiếp tục kêu gọi Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới xứ sở kim chi và thậm chí cho rằng Seoul cần phát triển vũ khí hạt nhân một cách độc lập để đáp trả các đợt thử hạt nhân của miền Bắc, theo Yonhap.
Trong khi đó, một quan chức Hàn Quốc bác bỏ khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân, tái khẳng định lập trường của Seoul là phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.
Vũ khí chiến lược của Mỹ
Cũng trong ngày 11.9, một sĩ quan Hàn Quốc tiết lộ với Yonhap rằng hải quân Mỹ sẽ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đến nước này vào tháng tới nhằm phô diễn sức mạnh răn đe những hành động “khiêu khích” tiếp theo của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 5. Theo đó, tàu USS Ronald Reagan cùng 5 khu trục hạm USS Curtis Wilbur, USS John S.McCain, USS Fitzgerald, USS Stethem và USS Barry sẽ hoạt động ở Hoàng Hải và vùng biển phía nam Hàn Quốc để tham gia cuộc tập trận chung với hải quân nước chủ nhà, dự kiến diễn ra từ ngày 10 – 15.10.
Cuộc tập trận sẽ tập trung huấn luyện lực lượng hải quân hai nước về cuộc tấn công chính xác chung nhắm vào những cơ sở quân sự trọng yếu và giới lãnh đạo Triều Tiên trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Vị sĩ quan trên còn tiết lộ rằng Mỹ cũng có kế hoạch triển khai lượng lớn khí tài quân sự chiến lược khác tới Hàn Quốc, trong đó có oanh tạc cơ hạt nhân tàng hình B-2.
Triều Tiên phản pháo
Ngày 11.9, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên tuyên bố việc quốc tế tăng cường biện pháp trừng phạt sau đợt thử hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng là “nực cười” và nước này sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh hạt nhân, theo KCNA. “Các kẻ thù bây giờ không còn có thể phủ nhận vị trí chiến lược của nước chúng ta là một nhà nước vũ khí hạt nhân”, KCNA dẫn lời giảng viên Jong Won-sop tại Đại học Kinh tế quốc gia của Triều Tiên cho hay.
Phản ứng trên được đưa ra trong bối cảnh HĐBA LHQ vừa cam kết sẽ nhanh chóng đưa ra nghị quyết mới trừng phạt Bình Nhưỡng. Ngoài ra, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim hôm qua phát biểu tại Tokyo rằng Mỹ và Nhật cùng Hàn Quốc sẽ xem xét biện pháp đáp trả đơn phương, song phương và có thể cả hợp tác ba bên, theo Reuters.
|
Văn Khoa