Triều Tiên thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay
Nhiều nước cực lực lên án sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành đợt thử hạt nhân lần thứ 5, gây chấn động tới cả phía bắc Trung Quốc.
Triều Tiên thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay
Nhiều nước cực lực lên án sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành đợt thử hạt nhân lần thứ 5, gây chấn động tới cả phía bắc Trung Quốc.
Ngày 9.9, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công một đầu đạn hạt nhân có thể được gắn lên tên lửa và cuộc thử nghiệm mới giúp Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất những loại vũ khí hạt nhân “đa dạng, nhẹ hơn và nhỏ hơn”, theo Hãng thông tấn KCNA.
Tuyên bố được đưa ra vài giờ sau khi Cục Khảo sát địa chất Mỹ phát hiện một trận động đất nhân tạo mạnh 5,3 độ Richter gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở phía đông bắc Triều Tiên. Vụ thử mạnh đến mức tờ South China Morning Postdẫn lời nhiều người dân Trung Quốc sống gần biên giới với Triều Tiên cho biết họ cảm nhận rất rõ mặt đất rung lắc mạnh và cửa kính nhiều ngôi nhà bị vỡ nát.
“Chúng tôi đang tìm hiểu xem liệu vụ thử có thật sự thành công hay không. Sức nổ đo được khoảng 10 kiloton”, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho báo giới hay. Nếu thông tin này được chứng thực, đây là đợt thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên từ trước tới nay. Trong 4 lần thử trước, đợt năm 2013 được đánh giá mạnh nhất với sức nổ từ 6 – 9 kiloton.
Hàn Quốc dọa tấn công phủ đầu
Ngay sau khi có tin Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 5, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lập tức rút ngắn chuyến thăm Lào để về nước chỉ đạo ứng phó. AFP dẫn lời bà chỉ trích đó là hành động khiêu khích “liều lĩnh điên khùng, chỉ nhanh chóng đẩy miền Bắc vào con đường tự huỷ diệt”. Quân đội Hàn Quốc nhanh chóng đặt tất cả lực lượng trong tình trạng cảnh giác cao độ để có thể ứng phó “mạnh mẽ và cương quyết nếu miền Bắc có thêm hành động khiêu khích”, theo Yonhap.
“Nếu có bất kỳ dấu hiệu sử dụng vũ khí hạt nhân từ miền Bắc, chúng tôi sẽ tiến hành đợt tấn công phủ đầu nhằm vào giới lãnh đạo Triều Tiên trong sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ”, Trưởng ban lập kế hoạch chiến lược thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Lim Ho-young nhấn mạnh với giới phóng viên. Đây là lần đầu tiên chính quyền Seoul đề cập “tấn công phủ đầu” nhằm vào Triều Tiên trong trường hợp có dấu hiệu sử dụng hạt nhân từ miền Bắc, theo Yonhap.
Hơn nữa, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) còn cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành đợt thử hạt nhân lần thứ 6 và 7 bất cứ lúc nào họ muốn. “Vụ thử mới nhất mạnh hơn 4 vụ thử trước nhưng dường như đó không phải là bom nhiệt hạch”, NIS nhận định thêm.
Tháng 1.2016, Triều Tiên đã tuyên bố lần đầu tiên thử thành công bom nhiệt hạch và đó cũng là lần thử hạt nhân thứ tư của nước này. Các chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ hiện đang cố gắng tìm hiểu lần thử hôm qua là thiết bị nguyên tử tiêu chuẩn hay bom nhiệt hạch, vốn có sức tàn phá mạnh hơn. Tuy nhiên, họ thừa nhận việc kiểm chứng tuyên bố của Bình Nhưỡng đã đạt khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân là rất khó vì chỉ dựa vào dữ liệu địa chấn thì không đủ, theo chuyên gia về Triều Tiên Melissa Hanham tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ).
“Chúng tôi cần xem liệu Triều Tiên có thử thiết bị hạt nhân trên tên lửa như Trung Quốc từng làm trong thập niên 1960 hay không. Không ai muốn thấy điều đó. Không có cách để Triều Tiên có thể làm điều đó một cách an toàn và điều này có thể khơi mào một cuộc chiến tranh”, AFP dẫn lời bà Hanham nói.
Nga, Trung Quốc lên án
Cũng trong ngày 9.9, ngay cả hai nước có quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên là Nga và Trung Quốc cũng cực lực lên án động thái thử hạt nhân mới của Triều Tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khẳng định Bắc Kinh sẽ gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Triều Tiên, còn Tân Hoa xã đăng bài bình luận kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh mọi hành động “khiêu khích lẫn nhau”.
Trong khi đó, AFP dẫn lời giới quan sát nhận định vụ thử hôm qua 9.9 là “một cái tát khác” vào thể diện của Bắc Kinh sau khi Bình Nhưỡng hôm 5.9 phóng 3 tên lửa đạn đạo ngay giữa lúc Hội nghị cấp cao G-20 đang diễn ra ở Trung Quốc. Những diễn biến mới có thể cho thấy quan hệ Trung – Triều ngày càng trục trặc và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng không còn được như trước.
Trong khi đó, Nga ra tuyên bố cảnh báo đợt thử hạt nhân mới của Triều Tiên là mối đe doạ đối với an ninh khu vực, còn Ngoại trưởng Sergei Lavrov cùng người đồng cấp Mỹ John Kerry bày tỏ quan ngại sâu sắc khi 2 ông gặp nhau tại Geneva (Thuỵ Sĩ) ngày 9.9.
Chính phủ Mỹ đồng thời cảnh báo Triều Tiên sẽ “gặp hậu quả” sau “hành động khiêu khích nghiêm trọng này”.
Nhật Bản thì một mặt cho biết đã gửi công hàm phản đối, mặt khác điều máy bay thu thập mẫu không khí để phân tích phóng xạ. Theo nhiều nguồn tin, Tokyo đang xem xét tăng cường các biện pháp trừng phạt riêng nhằm vào Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Cơ quan Nguyên tử quốc tế khẳng định động thái mới của Triều Tiên “rõ ràng vi phạm vô số nghị quyết của HĐBA LHQ”.
Văn Khoa