25/12/2024

Hi vọng với lớp học 2 buổi/ngày

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều trường trung học trên địa bàn TP.HCM đang lên kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, với kỳ vọng nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Hi vọng với lớp học 2 buổi/ngày

 

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều trường trung học trên địa bàn TP.HCM đang lên kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, với kỳ vọng nâng cao chất lượng giáo dục.

 

 

 

Hi vọng với lớp học 2 buổi/ngày
Một buổi học địa lý của HS trường THPT Diên Hồng, quận 10, TP.HCM. Đây là trường sẽ dạy 2 buổi/ngày với HS khối 12 và lớp 9 trong năm học 2016-2017 – Ảnh: Như Hùng

Ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6), những năm trước chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Năm nay, nhà trường chuyển sang mô hình dạy 2 buổi/ngày cho tất cả các khối lớp 10, 11, 12.

Theo ban giám hiệu nhà trường, ngoài việc bồi dưỡng văn hóa cho học sinh, buổi thứ hai trong ngày còn là cơ hội để nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện.

Hiện trường đã thành lập các câu lạc bộ: tiếng Anh, kịch và hùng biện, thể thao, đội hình cổ động, nhiếp ảnh, phát thanh học đường… cho học sinh tham gia trong buổi thứ hai theo đúng sở thích và năng khiếu của mình.

Không có nhu cầu thì không đăng ký

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đến thời điểm này sở đã nhận được công văn xin chuyển đổi mô hình dạy học từ 1 buổi/ngày sang 2 buổi/ngày của hơn 20 trường THPT.

Vì vậy, sở cũng đã chỉ đạo các trường cần tìm hiểu nguyện vọng của học sinh và lập danh sách học sinh theo nhóm học lực yếu kém, học sinh giỏi, học sinh có nhu cầu, nguyện vọng học các môn, các chủ đề tự chọn của từng môn học…

Trên cơ sở đó, hiệu trưởng nhà trường sẽ tổ chức lớp học buổi thứ hai theo trình độ và nguyện vọng của học sinh (chứ không học theo lớp chính khoá).

Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể tại đơn vị, nhà trường xây dựng, bổ sung các nội dung hoạt động chuyên môn khác, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh như: hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động trải nghiệm thực tiễn, các tiết học ngoài nhà trường, các hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, dạy học tăng cường ngoại ngữ với giáo viên Việt Nam hoặc giáo viên bản ngữ, tăng cường tin học, học ngoại ngữ và tin học với các phần mềm bổ trợ hoặc phần mềm trên mạng Internet; dạy học tích hợp toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam, dạy học toán và khoa học bằng tiếng Anh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết sở khuyến khích các trường trung học dạy 2 buổi/ngày nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu của phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Đối với những trường có khó khăn về cơ sở vật chất thì ưu tiên cho học sinh cuối cấp (lớp 9, lớp 12) được học hai buổi để bảo đảm kiến thức, kỹ năng cho kỳ thi tuyển sinh.

Sở giao quyền chủ động cho các trường trong việc tổ chức dạy học, nếu các trường có ý tưởng mới hơn thì đề xuất với Sở GD-ĐT.

Ông Hiếu cũng cho rằng: “Tuy nhiên, nếu học sinh, phụ huynh không có nhu cầu thì không đăng ký học buổi thứ hai. Bởi buổi thứ nhất đã hoàn thành chương trình chính khoá theo đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT quy định”.

Ưu tiên tất cả cho phòng học

“Trường tôi là một trong những trường đầu tiên của TP xin chuyển đổi mô hình dạy học từ một buổi sang hai buổi từ năm học 2016-2017 và được Sở GD-ĐT TP phê duyệt.

Để thực hiện, chúng tôi phải tận dụng nhiều phòng chức năng làm phòng học như phòng phó hiệu trưởng, phòng sinh hoạt chuyên đề, thư viện, nhà kho… Ngay cả phòng bộ môn cũng lấy để làm phòng học, chỉ giữ lại phòng thực hành – thí nghiệm mà thôi” – hiệu trưởng một trường THPT ở vùng ven chia sẻ.

Theo vị hiệu trưởng này, đây chỉ là giải pháp tình thế trong năm học đầu tiên. Bởi trong bối cảnh như hiện nay, việc không tổ chức dạy 2 buổi/ngày đồng nghĩa với chất lượng giáo dục có nguy cơ giảm sút.

Trong khi đó, ông Trần Phước Đức – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4 – thông tin: “Trường chúng tôi đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày từ nhiều năm nay nên không cảm thấy bất ngờ với bối cảnh mới.

Về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học ở buổi thứ hai chúng tôi làm đúng như chỉ đạo của sở.

Chỉ có điều hơi băn khoăn là khung học phí buổi thứ hai hơi thấp (từ 150.000-200.000 đồng/tháng/học sinh). Nếu năm nay khung học phí nhích lên chút đỉnh thì các trường sẽ bớt khó khăn hơn”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định: “Dự kiến tuần sau liên sở GD-ĐT và Tài chính sẽ có hướng dẫn về thu – chi cho các trường, trên nguyên tắc thu đủ bù chi”.

TP.HCM thí điểm dạy ngoại ngữ hai là tiếng Hàn

Từ năm học 2016-2017, TP.HCM bắt đầu thí điểm dạy tiếng Hàn trong các trường THCS và THPT.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo về giảng dạy tiếng Hàn cấp trung học, do Ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT) và Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 7-9.

Theo đó, hiện nay TP.HCM có hơn 500 học sinh theo học tiếng Hàn tại bốn trường gồm: THCS Hoa Lư (Q.9), THCS Bình Thọ (Q.Thủ Đức), THPT Thủ Đức và THPT Bùi Thị Xuân.

Việc thí điểm dạy tiếng Hàn trong các trường phổ thông ở TP.HCM hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn: sĩ số lớp học đông, các trường chưa có phòng học chuẩn, chưa biết cách tính điểm tiếng Hàn cho hợp lý…

Bà Vũ Thị Tú Anh – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, phó trưởng Ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT) – cho biết tùy theo tình hình thực tế của mỗi trường, các trường có thể chọn lựa cách tính điểm tiếng Hàn cho học sinh như một môn học bình thường, hoặc cũng có thể cộng điểm ưu tiên vào ngoại ngữ một (tiếng Anh) khi học sinh học thêm tiếng Hàn.

Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM đã chọn hình thức cộng điểm ưu tiên vào ngoại ngữ một cho những học sinh học tiếng Hàn là ngoại ngữ hai.

Mỹ Dung

Nguyên tắc và yêu cầu đối với việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày: được tổ chức vào các ngày trong tuần (từ thứ hai đến thứ bảy).

Đối với cấp THCS: buổi một dạy không quá 4 tiết, buổi hai không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá sáu ngày.

Đối với cấp THPT: buổi một dạy không quá 5 tiết, buổi hai không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá sáu ngày.

Các trường trung học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày phải đảm bảo hoàn thành kế hoạch giáo dục được giao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Thời lượng dành cho phụ đạo, bồi dưỡng văn hóa và dạy học văn hoá tự chọn không quá 50% số tiết của buổi hai.

(Theo Sở GD-ĐT TP.HCM)

HOÀNG HƯƠNG