24/12/2024

Dự án thép 8.000 tỉ đồng bị mắc kẹt

Lãnh đạo Tổng công ty thép VN thừa nhận dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên có mức đầu tư hơn 8.100 tỉ đồng đang mắc kẹt do việc đàm phán với tổng thầu EPC bế tắc, và riêng tiền lãi do chậm tiến độ gần 4 năm đã ngốn thêm hơn 1.200 tỉ đồng.

 

Dự án thép 8.000 tỉ đồng bị mắc kẹt

Lãnh đạo Tổng công ty thép VN thừa nhận dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên có mức đầu tư hơn 8.100 tỉ đồng đang mắc kẹt do việc đàm phán với tổng thầu EPC bế tắc, và riêng tiền lãi do chậm tiến độ gần 4 năm đã ngốn thêm hơn 1.200 tỉ đồng.




Nhiều thiết bị đã được lắp đặt gần xong nhưng nằm phơi sương 4 năm nay 	 /// Ảnh: CTV

 

Nhiều thiết bị đã được lắp đặt gần xong nhưng nằm phơi sương 4 năm nayẢNH: CTV

Hơn 4.500 tỉ đồng “phơi mưa phơi nắng”
Sau khi thực hiện dự án cải tạo kỹ thuật giai đoạn 1 năm 2002 hoàn thành đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, vào năm 2005, Tổng công ty thép VN (VNS) được Thủ tướng cho phép đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất luyện kim (bao gồm khai thác chế biến quặng sắt) nhằm tạo ra năng lực sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước.
Dự án bao gồm 2 gói thầu chính: Một là gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ: Xây dựng nhà máy tuyển rửa quặng sắt công suất thiết kế 300.000 tấn quặng sắt tinh/năm, do nhà thầu trong nước trúng thầu, đã xây dựng hoàn thành đưa vào sản xuất tháng 5.2014, hiện nay đã đạt 100% công suất thiết kế.
Gói thầu thứ hai là xây dựng dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá công suất 500.000 tấn phôi thép/năm do nhà thầu Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận thông qua đấu thầu quốc tế. Tháng 7.2007, chủ đầu tư là Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (Tisco) và nhà thầu MCC đã ký hợp đồng EPC (thiết kế – E; cung cấp thiết bị – P; xây dựng và lắp đặt – C) với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD (tương đương 2.587 tỉ đồng). Thời gian thực hiện 30 tháng.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm rưỡi khởi công, với lý do khủng hoảng kinh tế thế giới, giá cả vật tư nguyên nhiên liệu tăng cao nằm ngoài tầm kiểm soát của Tisco và MCC, nên trong vòng 18 tháng không thể triển khai thực hiện thi công dự án theo tiến độ hợp đồng đã ký.
Tháng 3.2009, phía Trung Quốc đề nghị cho tách phần xây dựng và lắp đặt (C) giao lại cho nhà thầu VN là Tổng công ty xây dựng công nghiệp VN (Vinaincon) thực hiện. Nhà thầu MCC chỉ chịu trách nhiệm phần E và P. Do năng lực nhà thầu Vinaincon hạn chế, không đảm bảo tiến độ nên đầu năm 2011, Bộ Công thương cho phép Tisco và MCC được phép chọn thêm một số nhà thầu phụ trong nước vào thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Thế nhưng đến tháng 6.2012 do thiếu vốn, các nhà thầu đã dừng thi công, rút người ra khỏi hiện trường và công trình ngưng trệ từ đó tới nay.
Được sự đồng ý của Chính phủ, tháng 5.2013 chủ đầu tư đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng từ 3.843 tỉ đồng lên 8.104 tỉ đồng. Tuy nhiên do chưa thu xếp được vốn vay bổ sung nên công trình vẫn tạm ngừng thi công từ đó đến nay. Báo cáo mới nhất của VNS cho hay Tisco thanh toán giá trị phần thiết kế và cung cấp thiết bị cho MCC là hơn 110,6 triệu USD trên tổng số gần 118 triệu USD, đạt 93,8% tổng giá trị thiết bị. Trong khi phần xây dựng và lắp đặt đã thanh toán trên 1.000 tỉ, đạt khoảng 86% giá trị khối lượng hoàn thành.
Trong khi đó, tại bản báo cáo tài chính giữa niên độ, ở hạng mục xây dựng dở dang, Tisco cho hay tính đến hết 30.6.2016, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện là 4.539 tỉ đồng.
Xin ưu đãi
Báo cáo này cũng thông tin, doanh nghiệp (DN) đã lập báo cáo gửi Bộ Công thương đề xuất phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 kèm theo các điều kiện ưu đãi về tín dụng, thuế và đang xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Trước đó, tháng 3.2016, Bộ Công thương cũng đã đồng ý kiến nghị lên Chính phủ nhiều cơ chế đặc biệt mà DN đề nghị để dự án không rơi vào cảnh phá sản. Điển hình là các ưu đãi về thuế như xin miễn 133 tỉ đồng thuế nhà thầu; không tính thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ thi công giai đoạn còn lại ước tính khoảng 65 tỉ đồng; đối với phần thuế giá trị gia tăng đã được hoàn lại hơn 330 tỉ, DN cũng xin không tính toán trong cơ cấu tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó, Tisco cũng đề xuất Ngân hàng Phát triển VN (VDB) khoanh nợ gốc, đồng thời miễn 100% lãi vay trong thời gian dừng thi công từ tháng 7.2012 – 3.2016 với số tiền khoảng 386 tỉ đồng. Cùng với đó là việc được vay ưu đãi với lãi suất 5,5% cho khoản vay VND… Tương tự, DN cũng muốn được khoanh nợ gốc, miễn 50% lãi vay trong thời gian dự án ngừng thi công từ tháng 7.2012 đến hết tháng 3.2016 với khoản vay tại một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Bộ chủ quản cho rằng việc giữ nguyên các điều khoản tín dụng tại hợp đồng vay vốn sẽ khiến cho dự án không còn hiệu quả. Hay việc miễn các loại thuế trên để giảm áp lực vốn cho DN dự án là điều cần thiết.
Theo tính toán trong trường hợp được áp dụng các ưu đãi này, cộng với việc loại bỏ hạng mục cốc hóa thì tổng mức đầu tư dự án sẽ giảm xuống còn 7.871 tỉ đồng, khi đó, dự án vẫn sẽ khả thi về mặt tài chính.
Chưa rõ lối ra
Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo VNS thừa nhận các kiến nghị này vẫn chưa được Chính phủ đồng ý và lãnh đạo Chính phủ sau đó lại yêu cầu Bộ Công thương xây dựng lại phương án. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành công thương hồi giữa tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát đi thông điệp rất mạnh mẽ rằng “Chính phủ không ném thêm tiền vào dự án này”.
Đại diện tổng công ty thép cho biết hiện nay, toàn bộ các kịch bản gắn với những điều kiện cụ thể lần này sẽ được Bộ Công thương báo cáo lên Chính phủ và DN cũng đang trông chờ một phương án cuối cùng để triển khai. Tuy nhiên, ưu tiên của tổng công ty là vẫn muốn tiếp tục hoàn thiện dự án với nhà thầu Trung Quốc bởi công việc đàm phán từ đầu tháng 8 đến nay đã “có chuyển biến” và đây được coi là phương án “ít thiệt hại nhất”.
Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay việc đi cùng đối tác Trung Quốc để sớm kết thúc dự án cũng là một kịch bản được Bộ tính toán trong báo cáo gửi Thủ tướng nhằm giảm thiệt hại. Cùng với đó là phương án bán, chuyển nhượng dự án cũng được tính đến. Tuy nhiên lựa chọn thế nào cho khả thi nhất thì phải chờ lãnh đạo Chính phủ cân nhắc, quyết định.
Khi được hỏi về khả năng chuyển nhượng dự án, lãnh đạo tổng công ty thép cho hay, trên thực tế đã có một đối tác Nga tìm hiểu dự án, nhưng không mặn mà do “vênh” tiêu chuẩn. Trong khi đó, nếu muốn các công ty tư nhân vào cuộc thì họ cũng ngỏ ý cần nhiều cơ chế ưu đãi chính sách, chia sẻ rủi ro từ phía nhà nước.


 

Nguyên An