Ngày 7.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự một loạt cuộc họp cấp cao ASEAN + 1 lần lượt với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, LHQ, họp ASEAN + 3 và Cấp cao Mê Kông – Nhật Bản và đã có nhiều phát biểu, đóng góp tích cực, thiết thực. Đây là các hoạt động nằm trong khuôn khổ đợt Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tại thủ đô Vientiane của Lào từ ngày 6 – 8.9.
Trong đó, cuộc họp được chú ý nhất trong chương trình dày đặc hôm qua 7.9 là Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc. Gặp nhau vào thời điểm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ASEAN – Trung Quốc, cuộc họp “rất hòa thuận” và không xoáy sâu vào những vấn đề căng thẳng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho các phóng viên hay. Điều này cũng được Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Werachon Sukondhapatipak xác nhận. “Không chỉ cuộc họp với Trung Quốc, mà tất cả các cuộc họp hôm nay đều diễn ra nhẹ nhàng. Trọng tâm là hợp tác kinh tế”, ông nói thêm.
Ứng xử trên biển
Hôm qua 7.9 tại Vientiane, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp song phương với Trưởng đoàn Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng New Zealand John Key. Hôm nay 8.9, đợt hội nghị sẽ khép lại với các cuộc họp ASEAN + 1 lần lượt với Ấn Độ và Mỹ cũng như Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 11 với 8 đối tác đối thoại.
Dù không đề cập một cách căng thẳng, vấn đề Biển Đông cũng được phản ánh trong tuyên bố chung của cuộc họp cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 19. “Chúng tôi tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên vùng Biển Đông vốn được quy định bởi các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”. Đặc biệt, tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hoà bình, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, mà bằng tham vấn và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp dựa trên luật pháp quốc tế”.
Theo tuyên bố chung, ASEAN và Trung Quốc nhất trí áp dụng Bộ quy tắc ứng xử với các tình huống không mong muốn trên biển (CUES) ở Biển Đông. CUES là hiệp định nhằm giảm thiểu nguy cơ va chạm và ngăn chặn leo thang khi va chạm xảy ra giữa phương tiện hải quân của các nước tham gia. Hiện có 21 quốc gia – trong đó có Trung Quốc, Nga, Mỹ và VN tham gia hiệp định.
Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc tuyên bố cam kết tuân thủ CUES nhằm cải thiện sự an toàn trong hoạt động của phi cơ và tàu hải quân trên không và trên biển, bảo đảm sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên; đồng ý sử dụng các quy trình an toàn và liên lạc của CUES để đảm bảo sự an toàn của phi cơ và tàu hải quân khi va chạm nhau ở Biển Đông.
Tuyên bố của nước chủ nhà Lào về cuộc họp cũng cho biết thêm các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã thông qua bản hướng dẫn về đường dây liên lạc nóng giữa quan chức cấp cao thuộc bộ ngoại giao các quốc gia trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp trên biển. Ngoài ra, các lãnh đạo cũng đặt ra mốc giữa năm 2017 cho việc hoàn tất quá trình tham vấn về phần khung của Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
Cuộc họp được chú ý nhất trong chương trình dày đặc hôm qua là Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung QuốcREUTERS
Trọng tâm kinh tế
Với vị thế đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với tổng giá trị song phương 346,4 tỉ USD trong năm 2015 và là nhà đầu tư lớn thứ tư vào ASEAN với tổng cộng 8,2 tỉ USD, Trung Quốc mong muốn “tiếp tục tăng cường cả chiều rộng lẫn chiều sâu hợp tác kinh tế trong lợi ích hỗ tương với ASEAN”, thông cáo chung cho hay. Cụ thể là thực thi đầy đủ và hiệu quả Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc và nhanh chóng hoàn thiện hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP do Trung Quốc lĩnh xướng từ năm 2012 với sự tham gia của 10 quốc gia ASEAN cùng Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và được xem như một đối trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ nắm vai trò chủ đạo.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định sẽ hỗ trợ cho nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia trong ASEAN. Ông đặc biệt nhấn mạnh Hợp tác Lan Thương – Mê Kông với 5 quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Kông gồm VN, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Philippines tung ảnh tàu Trung Quốc ở Scarborough
Trong một động thái khá bất ngờ, sáng sớm 7.9, chỉ vài giờ trước khi cuộc họp ASEAN – Trung Quốc diễn ra, Bộ Quốc phòng Philippines tung ra những hình ảnh cho thấy tàu Trung Quốc hiện diện gần bãi cạn Scarborough mà trước đó Bắc Kinh phủ nhận. Những tàu này được cho là có khả năng hút cát và thực hiện các hoạt động khác để phục vụ ý đồ bồi đắp đảo nhân tạo.
Khi bị chất vấn về diễn biến mới nhất này, Thứ tưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân né trả lời vào trọng tâm mà chỉ nói: “Trung Quốc tin tưởng có thể làm việc với Philippines để cải thiện mối quan hệ song phương”. Ông Lưu cũng nói thêm rằng quan hệ giữa Bắc Kinh với chính quyền của tân Tổng thống Duterte “khởi đầu tốt đẹp”.