15/01/2025

Liên kết đưa hàng Việt 
đến người tiêu dùng

Trước tình hình hàng hoá nước ngoài tràn ngập các hệ thống bán lẻ, siêu thị và chợ, nhiều nhà sản xuất trong nước thừa nhận đã buộc phải chuyển mình, thay đổi để cạnh tranh và tồn tại.

 

Liên kết đưa hàng Việt 
đến người tiêu dùng 

 

Trước tình hình hàng hoá nước ngoài tràn ngập các hệ thống bán lẻ, siêu thị và chợ, nhiều nhà sản xuất trong nước thừa nhận đã buộc phải chuyển mình, thay đổi để cạnh tranh và tồn tại.

 

 

 

Liên kết đưa hàng Việt 
đến người tiêu dùng 
Khách mua hàng tại siêu thị Co.op Mart ở TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Trong khi đó, đại diện các hệ thống bán lẻ cho biết đang và sẽ liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất nội địa, tạo điều kiện cho hàng Việt đến gần với người tiêu dùng hơn.

“Cuộc chiến” 
không cân sức

Chỉ cần bước chân vào một sạp chợ tại TP.HCM, người tiêu dùng có thể mua được từ gói kẹo, chiếc bánh đến đồ dùng nhà bếp như hũ đựng, chiếc thìa có xuất xứ nước ngoài. Trong khi tại các siêu thị, hàng Việt thuộc các nhóm có doanh số tăng trưởng tốt như quần áo, chất tẩy rửa, gia vị, mì gói, bánh kẹo… không còn chiếm 2/3 quầy kệ như trước mà đang bị giảm dần.

Thay vào đó hàng Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Đức… đang dần chiếm ưu thế, chễm chệ ở những vị trí đẹp nhất.

Bà Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc Công ty TNHH thời trang Việt Thy, cho biết sau một thời gian thăm dò, một số thương hiệu thời trang nước ngoài đã đủ sức gây khó cho hàng thời trang nội địa.

“Sức mua thấp, cộng với sự trỗi dậy khá mạnh mẽ của các thương hiệu thời trang quốc tế rất được ưa chuộng tại thị trường VN… đã làm không ít doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn” – bà Đoan nhận định.

Chưa kể với sự phát triển rầm rộ của các kiểu kinh doanh trên mạng, kinh doanh theo chuỗi… hàng xách tay cũng làm cho thị phần của các doanh nghiệp trong nước bị chia sẻ không ít.

Trong khi đó ông V.A., giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, cho biết những năm trước chợ truyền thống là mảnh đất màu mỡ để ông tung ra sản phẩm. Nhưng hơn một năm nay, theo ông V.A., các loại bánh kẹo cứng hay bánh quy đã bị mất tới 1/2 thị phần.

“Họ phân phối rất bài bản, chi tiền cũng rất nhiều cho kênh bán hàng ngoài chợ, ưu đãi thường xuyên cho các đầu mối lớn. Bản thân mình nhận thức được nhưng đua không nổi vì họ mạnh hơn mình” – ông V.A. nói.

Theo ông Võ Văn Đức Bảy, phó giám đốc Công ty TNHH Nhựa Chợ Lớn, mặt hàng nhựa trước chỉ có một vài đơn vị nhập khẩu có khả năng cạnh tranh, nhưng nay hàng Thái, hàng các quốc gia trong khu vực tràn ngập tại tất cả các hệ thống phân phối cũng gây ra nhiều áp lực cho hàng sản xuất trong nước.

Thay đổi để tồn tại

Trước bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp thừa nhận đã phải chuyển mình mới có thể “sống” và cạnh tranh được.

“Chúng tôi đã chuyên sâu vào những sản phẩm có thế mạnh. Chẳng hạn, đồ chơi phải có thêm phần điện, điện tử vào nhằm tăng tính tương tác với các trẻ nhỏ, bảo đảm đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật nhưng có giá thành rẻ hơn so với hàng Thái khoảng 30%. Còn nếu so với đồ chơi trôi nổi Trung Quốc, chắc chắn hàng sản xuất của VN an toàn và chất lượng hơn, không có gì phải bàn cãi” – ông Bảy 
khẳng định.

Theo ông Bảy, việc Nhựa Chợ Lớn đầu tư mạnh và mang tính dài hơi không nằm ngoài lý do “không muốn bị hàng ngoại nhập hất cẳng ra ngoài” nếu sản phẩm không tạo ra sự khác biệt.

“Sản xuất đồ chơi trẻ em rất cần yếu tố mẫu mã đa dạng, tính năng sử dụng hấp dẫn linh hoạt. Nếu không ý thức điều này để đầu tư, cải tiến công nghệ, thiết bị theo hướng ngày một hiện đại nhưng tuyệt đối an toàn, doanh nghiệp chỉ có nước chết hoặc nhường lại sân nhà cho khách khai thác mà thôi” – ông Bảy đúc kết.

Còn bà Đặng Quỳnh Đoan thông tin: “Chúng tôi quyết định mở thêm kênh bán hàng online vì mình đã có sẵn thương hiệu, chất lượng cũng được người tiêu dùng tín nhiệm thì tại sao không làm? Đây sẽ là một trong những giải pháp kinh doanh mới mà Việt Thy đang cố gắng hoàn tất, chậm lắm là đầu tháng sau chúng tôi sẽ có thể vận hành được kênh bán hàng online rồi”.

Trước mắt, ngoài chuyện xây dựng, thiết kế lại website cho bắt mắt, các cộng sự của bà Đoan đang xúc tiến kế hoạch hợp tác với các công ty giao nhận, website kinh doanh thương mại điện tử uy tín hiện nay để “chạy” song song trên trang web chính thức của công ty.

Đặc biệt, để cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập, Việt Thy cũng đã táo bạo thay đổi quy trình sản xuất, kéo thời gian chọn vải, thiết kế, tổ chức sản xuất từ khoảng một tháng xuống còn 1/3 thời gian “để lúc nào cũng có mẫu mới xuất hiện, không còn bị động chờ đợi như trước nữa”.

Nhà phân phối “bắt tay” nhà sản xuất

Ông Nguyễn Anh Đức, phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho biết vai trò gắn kết giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước đã được doanh nghiệp này xác định là nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu thiết lập hệ thống bán lẻ.

Do đó, Saigon Co.op sẵn sàng hợp tác với các cơ sở sản xuất ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên cả nước nhằm tạo cơ hội và điều kiện cho các cơ sở này quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh.

Chỉ tính riêng các chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL, theo ông Đức, Saigon Co.op đã chủ động kết nối vùng nguyên liệu của các tỉnh với thị trường tiêu thụ TP.HCM.

Việc thu mua được tổ chức tập trung tại vùng nguyên liệu của các địa phương, tập kết tại kho trung tâm nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào, bảo đảm đầu ra phân phối đến tất cả các điểm bán hàng trong hệ thống trên 
cả nước.

“Hằng tháng, cả hệ thống chúng tôi giúp tiêu thụ vài chục ngàn tấn các loại nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành thuộc ĐBSCL với các mặt hàng chủ yếu: gạo, đường, thịt gia súc, gia cầm, cá và các sản phẩm thuỷ hải sản, rau củ quả, trái cây, các loại nông sản khác” – ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, Saigon Co.op đã giúp các nhà cung cấp, hợp tác xã, hộ nông dân có chiến lược phù hợp trong việc sản xuất hàng hoá phục vụ đúng nhu cầu của thị trường, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh nhất định.

“Có thể nói hoạt động hỗ trợ thời gian qua đã tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã nông nghiệp, các hộ nông dân với Saigon Co.op, từ đó đạt được nhiều kết quả ý nghĩa, vừa góp phần hỗ trợ nông dân nâng cao đời sống kinh tế, đồng thời đem lại cho người tiêu dùng những mặt hàng nông sản xanh, đảm bảo an toàn vệ sinh với giá cả hợp lý” – ông Đức cho biết.

Ra mắt gạo hữu cơ

Dự án nông nghiệp Saigon Co.op vừa cho ra mắt sản phẩm gạo hữu cơ. Đây là sản phẩm hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng chất bảo quản, không pha trộn và dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Hệ thống này cũng cho biết đang đẩy mạnh việc gắn kết với các đơn vị sản xuất để tăng cường sản phẩm chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào kinh doanh trong siêu thị.

Siêu thị của Saigon Co.op cũng cho biết sẽ có khu trưng bày riêng các sản phẩm tiêu chuẩn cao để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và góp phần quảng bá thương hiệu doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

DŨNG TUẤN – TRẦN VŨ NGHI